Lo đổ vỡ dây chuyền
![]() |
Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn |
(TBKTSG Online)- Sau hàng loạt những biện pháp mạnh của Chính phủ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh, không còn cảnh các đoàn xe ngược xuôi trên đường vào mỏ hay xuống cảng Vạn Gia. Nhưng đằng sau sự yên tĩnh có thể là “cơn sóng ngầm” đổ vỡ của những doanh nghiệp ăn theo xuất khẩu tiểu ngạch một thời.
Chịu tác động mạnh đầu tiên của việc lập lại trật tự trong khai thác than không phải là tập đoàn Công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam (TKV), cũng chưa phải là 15 đơn vị thuộc TKV được phép khai thác than từ nhiều năm nay. Bởi như Tổng giám đốc TKV, ông Trần Xuân Hòa nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: “Từ năm 2002, các công ty con của TKV chỉ là các nhà thầu khai thác than thuê cho tập đoàn. TKV chỉ thanh toán tiền sản xuất than cho các công ty này sau khi tính toán các chi phí cộng thêm 3% lãi suất”. Tức là một phần nào đó, các công ty con của TKV làm nhiệm vụ khai thác than theo chỉ định, và chỉ có một trong số 15 giám đốc của công ty con bị mất chức trong suốt 6 năm TKV áp dụng hình thức khai thác này vì tính toán các chi phí sản xuất cao quá.
Nhưng món lợi của hơn 60 mỏ than được phép khai thác ở Quảng Ninh là rất lớn. Bởi vậy, không phải lo đầu vào, cũng không phải nghĩ đầu ra, công việc của 15 công ty con này là thuê tiếp các tổ chức, đơn vị khác trong và ngoài ngành vào làm thuê cho họ.
Để được quyền tham gia vào chuỗi khai thác tài nguyên tại chỗ này, vấn đề đầu tiên sau khi được cấp phép mà doanh nghiệp và tổ chức phải thực hiện là đầu tư vào hệ thống xe vận tải, máy móc để khai thác. Con số mà TKV công bố là hiện có hơn 500 ô tô chuyên dụng, chưa tính đến máy móc của 56 công ty tư nhân và tổ chức “vệ tinh” phải ngừng hoạt động sau khi có quyết định của Chính phủ và TKV chỉ cho phép một công ty là Coalimex thực hiện các công việc này thay họ.
Tổng giám đốc TKV Trần Xuân Hòa lo lắng rằng, khi số lượng xe và máy chuyên dùng phải ngừng hoạt động, hàng chục tỉ đồng đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân và cá nhân ở Quảng Ninh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Lo lắng của ông Hòa là hoàn toàn chính xác, bởi các doanh nghiệp và cá nhân được TKV thuê khai thác nhiều năm nay đồng thời cũng là con nợ lớn ở các ngân hàng (BIDV, Agribank) vì tiền đầu tư cho phương tiện hầu hết xuất phát từ nguồn này.
Đây là khoản nợ xấu mà hiện tại chưa có ngân hàng nào có thể công bố. Nó không thể hiện trong bất cứ một văn bản nào của Tỉnh uỷ Quảng Ninh hay TKV bởi các doanh nghiệp, cá nhân này không nằm trong diện quản lý nguồn vốn của nhà nước. Nhưng nguồn lợi của nó lại xuất phát từ nhà nước hoặc được chia chác với các công ty nhà nước từ nhiều năm nay.
Những món nợ khó đòi của ngân hàng là điều khó trông thấy nhưng sự phá sản của hàng chục doanh nghiệp cùng với chính sách khai thác tận thu là điều có thể xuất hiện trong thời gian ngắn tới.
TKV đề xuất hình thức cứu các doanh nghiệp này trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ngày 29-4 là không cho phép các công ty, tổ chức, cá nhân bên ngoài vào khai thác than như trước, nhưng thuê lại phương tiện sẵn có của họ, không để số phương tiện này nằm “phơi mưa, phơi nắng” với thời gian.
Cuộc lập lại trật tự nào cũng có cái được, cái mất, nhưng ngoài việc tài nguyên quốc gia bị khai thác tận thu suốt mấy chục năm qua, các nhà thầu than ở Quảng Ninh hình như chưa mất cái gì.
NGỌC LAN