Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lo gánh nợ Trung Quốc, Myanmar giảm 6 tỉ đô mức đầu tư vào dự án cảng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lo gánh nợ Trung Quốc, Myanmar giảm 6 tỉ đô mức đầu tư vào dự án cảng

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Chính phủ Myanmar đang muốn thu hẹp quy mô dự án cảng nước sâu Kyauk Pyu do Trung Quốc tài trợ vốn vay từ 7,3 tỉ đô la xuống còn 1,3 tỉ đô la do lo ngại mắc kẹt vào “bẫy nợ” của Bắc Kinh, theo hãng tin Reuters.

Lo gánh nợ Trung Quốc, Myanmar giảm 6 tỉ đô mức đầu tư vào dự án cảng
Cảng Kyauk Pyu ở bên bờ biển bang Rakhine, Myanmar. Ảnh: SCMP

Dự án cảng nước sâu giảm mức đầu tư 6 tỉ đô

Dự án cảng nước sâu Kyauk Pyu nằm ở điểm cực tây của bang Rakhine, Myanmar là  một phần quan trọng trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đầy tham vọng của Bắc Kinh. Dự án nhằm mở rộng các tuyến giao thương, giúp kết nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương thông qua Myanmar, hứa hẹn sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở một trong những vùng nghèo nhất Myanmar.

Song nhiều chuyên gia ở Myanmar cũng lo ngại vay nợ Trung Quốc quá lớn để phục vụ dự án Kyauk Pyu có thể khiến Myanmar lệ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh.

Các quan chức Myanmar cho biết mức đầu tư dự trù 7,3 tỉ đô la cho dự án đã gây báo động, sau khi báo chí đưa tin về các dự án do Trung Quốc tài trợ vốn vay ở Sri Lanka và Pakistan đang khiến các chính phủ nước này mắc kẹt với các khoản nợ lớn. Cuối năm ngoái, chính phủ Sri Lanka đã chấp nhận cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm để cấn trừ nợ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Myanmar Set Aung, người được chỉ định làm trưởng đoàn đàm phán về dự án Kyauk Pyu hồi tháng 5, nói rằng “quy mô dự án đã giảm mạnh”.

Ông nói rằng theo kế hoạch ban đầu, dự án cảng nước sâu 25 mét Kyauk Pyu sẽ có 10 cầu tàu, có thể tiếp nhận các tàu chở dầu lớn nhưng giờ đây, quy mô của dự án đã được thu hẹp, chỉ còn hai cầu tàu. Ông từ chối tiết lộ thêm các thông tin chi tiết khác với lý do hai cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.

Sean Turnell, cố vấn kinh tế người Úc của nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi cho biết chi phí đầu tư cho dự án sẽ điều chỉnh xuống còn khoảng 1,3 tỉ đô, mức hợp lý hơn nhiều cho mục đích sử dụng của Myanmar.

Trong khi đó, Tập đoàn đầu tư nhà nước Trung Quốc CITIC, chủ thầu xây dựng của dự án, cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra và 1,3 tỉ đô sẽ được phân bổ cho “giai đoạn đầu” của dự án. CITIC nói dự án có bốn giai đoạn nhưng không cung cấp thông tin thêm về kế hoạch cho các giai đoạn tiếp theo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang hôm 30-7 cho biết: “Theo những gì tôi biết, hiện tại, cả hai bên đang đàm phán thương mại về dự án Kyauk Pyu”.

Cảng Kyauk Pyu sẽ là tiếp nhận đường ống dẫn dầu và khí đốt dài 770km từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tạo cho Trung Quốc một tuyến đường khác để nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông. Ảnh: Ramree.com

Thách thức cân bằng quan hệ với Trung Quốc

Dù Bắc Kinh nói các dự án nằm trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” sẽ mang lại lợi ích chung cho cả Bắc Kinh lẫn các nước đối tác, nhiều nghi ngờ đang đặt ra cho các nước đang vay nợ lớn từ Trung Quốc để thực hiện các dự án này.

Giới phân tích cho biết chính phủ Myanmar đang đối mặt với thách thức cân bằng quan hệ với Trung Quốc trong nỗ lực tái đàm phán dự án Kyauk Pyu với Bắc Kinh.

Myanmar cần sự ủng hộ ngoại giao của Bắc Kinh khi nước này đối mặt sự chỉ trích của phương Tây về vấn đề đối xử phân biệt với cộng đồng người Hồi giáo thiểu số ở bang Rakhine. Nước này cũng cần Bắc Kinh giúp đỡ để chấm dứt cuộc xung đột sắc tộc ở biên giới với Trung Quốc. Song nhiều người dân ở Myanmar đang lo ngại Myanmar trở nên phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc.

“Có luồng ý kiến mạnh mẽ hiện nay lo ngại về việc Myanmar bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Cuộc tranh luận vẫn diễn ra bên trong chính phủ Myanmar”, Richard Horsey, cựu nhân viên ngoại giao Liên Hợp Quốc và nay là nhà phân tích chính trị thường trú ở Bắc Kinh, cho biết.

Tuần trước, Bộ trưởng chính phủ liên bang Myanmar kiêm cố vấn an ninh quốc gia Myanmar Thaung Tun nói với tờ South China Morning Post, rằng ông nóng lòng thấy dự án sớm được triển khai và bác bỏ các mối lo ngại về “bẫy nợ” Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn nhìn thấy dự án khởi động thuận lợi. Chúng tôi đang đàm phán, mọi thứ đang tiến triển và một quyết định sắp được đưa ra” Thaung Tun, người cũng đang giữ chức chủ tịch Ủy ban đầu tư Myanmar nói.

Bắc Kinh đã thúc đẩy các cơ hội chiến lược ở Myanmar, bao gồm đặc quyền tiếp cận cảng Kyauk Pyu sau khi bị ép phải gần như từ bỏ một dự án thủy điện ở Myanmar trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương vào năm ngoái.

Cảng Kyauk Pyu sẽ là điểm tiếp nhận đường ống dẫn dầu và khí đốt dài 770km từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tạo cho Trung Quốc một tuyến đường khác để nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông, tránh điểm nghẽn chiến lược ở eo biển Malacca kết nối Biển Đông với Ấn Độ Dương.

Theo kế hoạch ban đầu, cảng Kyauk Pyu sẽ có công suất xếp dỡ container ngang ngửa với các cảng lớn trên thế giới chẳng hạn cảng Manila của Philippines hay cảng Valencia ở Tây Ban Nha

Công trình xây dựng ở cảng và một đặc khu kinh tế kèm theo, được dự phóng sẽ tiêu tốn tổng cộng 10 tỉ đô la vốn đầu tư và dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2018. Một khu công nghiệp có mức vốn đầu tư 2,3 tỉ đô la cũng được lên kế hoạch để thu hút ngành công nghiệp lọc dầu và dệt may.

Chính phủ Myanmar không bảo lãnh nợ

Song các quan chức Myanmar nói rằng kinh nghiệm của Sri Lanka, nơi mà chính phủ đã ký thỏa thuận cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota để trả những khoản nợ do Trung Quốc cho vay để đầu tư xây dựng cảng này, đã làm dấy lên những lo ngại rằng Myanmar có rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc.

Cố vấn kinh tế chính phủ Myanmar Turnell người Úc cho rằng thỏa thuận mới sẽ giúp giảm mạnh rủi ro tài chính cho Myanmar và cho thấy rằng “các lo ngại về gánh nợ và chủ quyền có thể được giải quyết”.

Ông nói: “Thỏa thuận mới có thể trở thành một hình mẫu mang tính xây dựng đối với các nước không có nhiều sức ảnh hưởng đối với một đất nước khổng lồ như Trung Quốc”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Myanmat Set Aung nói rằng Myanmar sẽ không bảo lãnh cho bất cứ khoản vay nào phục vụ cho dự án. Ông cho biết kế hoạch triển khai dự án có thể bị trễ vài tháng vì Myanmar đang tìm thuê một công ty tư vấn quốc tế để thẩm định chi phí cho dự án.

“Thỏa thuận mới bảo đảm rằng bất kỳ khoản vay nào cung cấp tài chính cho dự án này sẽ không dính dáng gì đến chính phủ Myanmar, mà chúng sẽ hoàn toàn thuộc về tư nhân. Hiện tại, ưu tiên của tôi là bảo đảm không có trách nhiệm gánh nợ nào đối với chính phủ Myanmar và các mối lo ngại này giờ đây đã được khống chế”.

Trong khi đó, CITIC nói rằng hai bên vẫn chưa thảo luận về việc thuê một bên thứ ba để kiểm toán dự án. Các quan chức chính phủ Myanmar cho biết các đồng nghiệp Trung Quốc đã đồng ý thỏa thuận mới về nguyên tắc, nhưng chưa chính thức ký duyệt.

Năm 2015, một nhóm công ty do CITIC dẫn đầu đã thắng thầu xây dựng dự án trong cuộc đấu thầu của chính phủ quân sự Myanmar. Thứ trưởng Bộ Tài chính Set Aung cho biết bất đồng nảy sinh về các điều khoản và điều kiện của hợp đồng thầu sau khi gói thầu đầu tiên được trao.

Ông nói: “Chính phủ trước đây muốn thực hiện dự án hoành tráng, trái lại chúng tôi muốn bắt đầu ở quy mô nhỏ và chỉ mở rộng nếu có nhu cầu”.

Khi được hỏi về đặc khu kinh tế kèm theo dự án cảng như kế hoạch ban đầu, cả cố vấn kinh tế Sean Turnell lẫn Thứ trưởng Set Aung đều cho biết bất cứ kế hoạch mở rộng nào đều sẽ phải phụ thuộc vào khả năng phát triển của cảng Kyauk Pyu.

“Mỗi giai đoạn đều phải chứng minh được tính khả thi kinh tế trước khi giai đoạn tiếp theo có thể được triển khai”, Turnell nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới