Thứ Sáu, 22/09/2023, 02:39
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Lo hàng thiết yếu tăng giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lo hàng thiết yếu tăng giá

Minh Tâm

Công nhân mua thực phẩm sau giờ tan ca. Nhiều mặt hàng tiêu dùng điều chỉnh tăng giá đang khiến cho người lao động thêm khó khăn. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Hàng loạt mặt hàng phục vụ đời sống như thực phẩm tươi sống, đóng gói, hóa mỹ phẩm hay giấy… đang được điều chỉnh tăng giá với nhiều nguyên nhân. Điều này cho thấy chi tiêu cho từng bữa ăn, mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày sẽ vẫn là câu chuyện dài, căng thẳng với nhiều người lao động.

Thực phẩm, hàng tiêu dùng tăng đều đều

Dừng xe trước hàng trứng ở chợ cóc đường Tân Thới Hiệp (quận 12), chị Ngà, quê Thanh Hóa, vào làm thợ may tại một xí nghiệp nhỏ, hỏi mua năm quả trứng gà. Chị Ngà móc túi lấy ra 11.000 đồng và được người bán hàng thối lại 500 đồng. Cầm 500 đồng trên tay, chị Ngà thở dài: “500 ni cũng chả mua được hành lá để rán trứng. Bây giờ mấy bà bán rau chỉ bán từ 1.000 trở lên, nhiều lúc còn không thích”.

Còn 9.500 đồng trong tổng số 20.000 đồng tiền chợ quy định của ba chị em ở chung, chị Ngà mua thêm một ký rau muống, giá 5.000 đồng; một miếng đậu hũ 3.000 đồng. Số còn lại mua thêm được một trái chanh, vài trái ớt. “Bữa trước, giá trứng gà còn 16.000-17.000 một chục, rau muống còn 3.000 một cân thì cũng mua được 6-7 quả trứng, một cân rau, ba chị em ăn tạm đủ. Hơn hai tháng nay, người bán nói là nắng nóng, hạn hán nên giá thức ăn tăng, trong khi tiền chợ vẫn chỉ có vậy. Nhiều bữa, ba chị em ăn xong rồi mà nhìn nhau, sao vẫn thấy đói đói nhỉ!” – chị Ngà thật thà.

Quả thật, với những công nhân như chị Ngà hay những người lao động, viên chức bình thường, hai ba tháng trở lại đây quả là một thời gian khó khăn khi giá thực phẩm, rau củ cứ lên tăng đều đều. Như mặt hàng trứng gia cầm, với lý do nguồn cung hạn chế vì nắng nóng kéo dài đã có đến hai đợt điều chỉnh tăng giá, kể từ đầu tháng 5. Đợt đầu tăng 1.000- 2.000 đồng/hộp 10 trứng; đợt sau tăng thêm 2.000-3.000 đồng. Hiện trứng gà của Công ty Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Phú An Sinh ở mức gần 22.000 đồng/vỉ 10 trứng (giá trước tháng 5 là hơn 17.000 đồng); trứng vịt tăng từ 24.000 đồng lên 25.600 đồng/vỉ 10 trứng (đợt 1) và lên hơn 27.000 đồng (đợt 2).

Trong khi đó, các loại rau, củ, quả ở các chợ hiện cũng đang cao ngất, theo nhận xét của các bà nội trợ, còn thịt bò, thủy hải sản cũng đứng ở mức cao, chỉ trừ thịt heo đứng giá. Bà Quang, nhà tại đường Tạ Quang Bửu, quận 8, liệt kê: rau xà lách cuộn 40.000 đồng một ký; 5.000 đồng một cây bạc hà bé xíu; cà rốt 15.000 đồng một ký; thịt bò filê 145.000 đồng một ký; tôm sú 170.000 đồng một ký… “Rau cỏ, đồ ăn từ bữa nắng nóng đến nay, tăng đến chóng mặt luôn, chả kém gì so với giá Tết. Tiền đi chợ phải tăng gấp đôi, gấp ba lần mới đủ ăn” – bà Quang nói.

Đặc biệt, sau ngày 8-6, khi giá xăng được Bộ Tài chính “bắt” giảm thêm 500 đồng, về mức 15.990 đồng/lít, người tiêu dùng kỳ vọng giá cả nhiều mặt hàng sẽ giảm nhiệt. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong đợi. Các loại rau củ, thủy hải sản vẫn “án binh bất động” ở mức giá cũ, theo kiểu “đã tăng thì đời nào xuống” như cách tự giải thích của các bà nội trợ.

Ở mặt hàng tiêu dùng, bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc phụ trách thu mua của hệ thống siêu thị Saigon Co.op, cho hay nhiều mặt hàng đang hoặc sắp áp dụng giá bán lẻ mới, tăng thêm 5-10%, tương ứng với mức tăng của các nhà cung cấp.

“Từ đầu tháng 5 đến nay, chúng tôi đã nhận được thông báo tăng giá của nhiều nhà cung cấp ở các ngành hàng liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu. Cụ thể, các loại giấy (bao gồm giấy tập học sinh, giấy vệ sinh…); các loại đồ điện gia dụng dùng trong nhà bếp; các loại hóa mỹ phẩm như sữa rửa mặt, sữa tắm, dầu gội, dầu xả, bột giặt, nước xả quần áo hay các loại bơ, sữa… tăng từ 5-10% tùy mặt hàng. Sau khi đàm phán với nhà cung cấp, chúng tôi sẽ căn cứ theo số lượng hàng trong kho để quyết định thời điểm áp dụng giá mới” – bà Thu nói.

Đại diện siêu thị Satra Bàu Cát (trên đường Vườn Lan, quận Tân Bình) cũng xác nhận với TBKTSG, bên cạnh nhiều mặt hàng được điều chỉnh giá từ tháng 4, tháng 5, từ ngày 15-6 một số mặt hàng thực phẩm đóng gói cũng đã tăng giá.

Sẽ còn tăng?

Theo các doanh nghiệp, tăng giá là điều không ai muốn trong thời buổi làm ăn không hề dễ dàng như hiện nay, nhưng vì không thể chủ động nguồn nguyên liệu do phụ thuộc nhập khẩu hay những bất lợi của thời tiết nên “không thể đừng”. Người bán lẻ thì cũng phải tăng do nhà cung cấp tăng.

Bà Ba Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, lý giải về việc điều chỉnh giá bán lẻ các loại trứng: “Nguồn cung các loại trứng trong thời gian qua rất hạn chế vì thời tiết quá nắng nóng, gà, vịt không đẻ được. Nắng nóng cũng khiến tỷ lệ trứng hư hao trong quá trình vận chuyển tăng cao. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Vì vậy, không thể không tăng giá bán lẻ”.

Bà Ba Huân nhấn mạnh, trứng khó vận chuyển vì nắng nóng, doanh nghiệp còn có cách để giảm thiệt hại, ví dụ như làm mát trứng bằng lục bình, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân chứ giá thức ăn chăn nuôi tăng thì doanh nghiệp không thể chủ động. Theo bà Ba Huân, thức ăn nuôi gà, vịt, chủ yếu là nhập khẩu, đã tăng thêm mấy chục phần trăm so với trước Tết, nếu không tăng giá mua thì nông dân lỗ nặng.

Trao đổi với TBKTSG, ông Lưu Quý Phương, phụ trách truyền thông của Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, nói rằng chưa thể trả lời chính xác có còn đợt tăng giá giấy nào nữa không, sau đợt tăng trung bình 18% vào đầu tháng 6. Nguyên nhân là doanh nghiệp đang phải cùng lúc chịu nhiều áp lực, tác động trực tiếp lên giá thành sản phẩm.

Đầu tiên là giá giấy nguyên liệu trên thị trường thế giới, liên tiếp tăng cao trong nhiều tháng qua và hiện gần bằng mức kỷ lục của năm 2008 (thời điểm cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây). Theo đó giá bột giấy nhập về Việt Nam (đã tính chi phí vận chuyển) ở mức 840-910 đô la Mỹ/tấn. So với thời điểm thấp nhất vào quí 2-2009 (khoảng 360 đô la Mỹ/tấn), giá bột đã tăng gấp đôi.

“Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là điều đáng ngại nhất. Lo ngại hơn là những chi phí khó tính toán hết được do cúp điện liên tục trong thời gian vừa qua. Như tháng 5, nhà máy chúng tôi mất điện đến 11 ngày. Mất điện, lương công nhân vẫn phải giữ nguyên, trong khi đó phải mua xăng, dầu chạy máy phát điện do nhiều loại máy móc không thể ngừng hoạt động. Đó là chưa kể đến những thiệt hại không đo đếm được khi máy móc sẽ giảm độ bền vì khởi động lại thường xuyên do mất điện – có điện… Tất cả những khó khăn này dồn cả lên doanh nghiệp”, ông Phương nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới