Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Lò heo Chánh Hưng’: một thay đổi đầy ý nghĩa

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mấy thập niên trước, trên cầu Chữ Y thuộc quận 8, TPHCM, người ta thỉnh thoảng thấy những chiếc xe thô sơ chạy ngang, trên xe là xương súc vật lớn, thường là heo, bò. Người dân địa phương ai cũng biết đó là từ gia súc bị làm thịt ở “lò heo Chánh Hưng” trên đường Hưng Phú dưới chân cầu Chữ Y.

Hồi đầu tháng này, báo chí đưa tin chính quyền TPHCM đã chính thức khép lại hoạt động của tất cả các cơ sở giết mổ gia súc thủ công. Thay vào đó, năm nhà máy giết mổ công nghiệp với công suất khoảng 5.000 con mỗi ngày sẽ đáp ứng nhu cầu thịt heo tươi cho người dân thành phố.

Tin này gợi cho người viết hồi ức về “lò heo Chánh Hưng”, cơ sở giết mổ gia súc lớn nhất miền Nam trước đây với công suất lên đến cả ngàn con mỗi ngày. Nghe nói lò mổ thịt gia súc này do chính quyền người Pháp thành lập và điều hành. Dưới chế độ Sài Gòn, “lò heo Chánh Hưng” thuộc Sở Thú y là nơi mổ thịt và kiểm tra chất lượng gia súc sống trước khi làm thịt.

Tuy nhiên, vì các vấn đề vệ sinh, thật khó tồn tại một cơ sở giết mổ quy mô lớn như vậy ngay tại một quận nội thành. “Lò heo Chánh Hưng” đã ngưng hoạt động từ lâu. Hình ảnh những chiếc xe ba gác chở xương gia súc bị mổ thịt cũng chỉ còn là ký ức. Ở Sài Gòn, ngoài lò mổ này còn có một số nhà máy giết mổ với công suất lớn khác, cũng như nhiều cơ sở thủ công rải rác tại các quận, huyện.

Đến nay, như đã nói ở trên, thời của các lò mổ thủ công đã chính thức cáo chung, và người dân hy vọng sẽ được ăn thịt heo tươi có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được kiểm soát tốt hơn từ các nhà máy giết mổ công nghiệp với thiết bị đủ tiêu chuẩn.

Gần nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, về mặt nguyên tắc, TPHCM vừa thực hiện được yêu cầu gia súc phải được mổ thịt tại các cơ sở giết mổ công nghiệp nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tốt hơn.

Tuy nhiên, trên bình diện toàn quốc, yêu cầu này không hề dễ dàng. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn cõi Việt Nam có khoảng 22.000 lò mổ thủ công và hơn 450 lò mổ tập trung(1). Dĩ nhiên, việc kiểm soát chất lượng gia súc giết mổ ở các lò tập trung có thể thực hiện dễ hơn vì số lượng ít hơn và tập trung hơn.

Đáng lưu ý không kém là các sơ sở giết mổ tập trung được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hiện chỉ có tại 37 tỉnh, thành(2). Nghĩa là các địa phương còn lại vẫn phải dựa trên những lò mổ thủ công khó kiểm soát hơn.

Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 02/CT-TTg đề ngày 14-1-2023 về việc tăng cường quản lý giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm(3). Chỉ thị này yêu cầu các bên liên quan – từ chính quyền địa phương đến các bộ – quản lý hiệu quả hơn các cơ sở giết mổ gia súc nhằm ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm an toàn môi trường, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân.

Trong chỉ thị nói trên, Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm, đặc biệt là các cơ quan hay nhân viên thú ý thiếu trách nhiệm đối với việc quản lý các cơ sở giết mổ gia súc hay các đơn vị chế biến thực phẩm từ động vật.

Giết mổ gia súc chỉ là một phần trong dây chuyền thực phẩm sử dụng cho mọi người Việt. Tuy nhiên, đây lại là một phần rất quan trọng bởi lẽ nó chính là đầu vào. Nguy hiểm là ở chỗ, tác hại của chuyện mất vệ sinh thực phẩm thường ít khi là hậu quả nhãn tiền. Ngược lại, tác hại đó diễn ra từ từ vì chất độc ngấm dần vào cơ thể, như mưa dầm thấm lâu khiến chúng ta xem thường hay bỏ qua.

Xét thực tế hiện nay, việc kiểm soát toàn diện mọi cơ sở giết mổ trên toàn quốc không là chuyện rất khó. Ngay tại Hà Nội, hiện vẫn tồn tại hơn 700 cơ sở giết mổ thủ công, bán công nghiệp bên cạnh bảy cơ sở công nghiệp(4).

Vì thế, có lẽ nên bắt đầu từ các thành phố lớn, những khu thị tứ nơi có điều kiện. Trong ngữ cảnh này, nỗ lực của TPHCM là đáng được ghi nhận. Nhưng nỗ lực đó chỉ có ý nghĩa nếu các cấp có thẩm quyền kiên quyết ngăn chặn được hoàn toàn các cơ sở giết mổ trái phép.

Trên phần đất là “lò heo Chánh Hưng” ngày nào nay đã mọc lên một chung cư khang trang, xóa nhòa các vết tích cũ. Mong rằng, các cơ sở giết mổ gia súc thủ công cũng sẽ thay đổi công năng như vậy. Đó là một thay đổi có ý nghĩa.

……………..

(1),(2)https://tuoitre.vn/22-000-co-so-giet-mo-nho-le-nguy-co-mat-an-toan-thuc-pham-rat-lon-20230114182100231.htm

(3)https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-chi-thi-so-02-ct-ttg-ve-viec-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-kiem-soat-giet-mo-dong-vat-bao-dam-an-toan-dich-benh-an-toan-thuc-pham-119230114164221945.htm

(4)https://nhandan.vn/kho-khan-trong-quan-ly-co-so-giet-mo-gia-suc-gia-cam-nho-le-post743872.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Ở đây, tôi xin phép nói về sự đồng bộ trong quản lý, các khâu quản lý cần phải phối hợp nhau mới có hiệu quả, không thể đem con bỏ chợ được. Cho phép xây dựng lò mổ công nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm, đóng cửa các lò mổ thủ công, nhưng không có biện pháp nào ngăn các lò mổ thủ công chuyển về các tỉnh giáp ranh giết mổ, xong chuyển thịt lên TP bán. Giống như xây dựng bến xe miền Đông mới, thì các doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn ở trong nội thành đón khách dọc đường không thèm vào bến xe mới. Hay việc cầu đường sửa chữa, tráng nhựa con đường mới xong hôm qua thì hôm nay công ty cấp nước tới đào đường lên để gắn đồng hồ nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới