Lo lắng tìm đầu ra cho nông sản sắp thu hoạch
Vũ Yến
(TBKTSG Online) – Việc đóng cửa, tạm ngưng giao dịch hàng hóa tại một số chợ biên giới giữa hai tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) do ảnh hưởng của nCoV và cả việc kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình thông quan hàng hóa giữa hai nền kinh tế không chỉ ảnh hưởng đến giao thương nông sản mà còn khiến người nông dân, chính quyền nhiều tỉnh lo lắng, đi tìm đầu ra cho hàng triệu tấn nông sản sắp thu hoạch.
Do ảnh hưởng của nCoV việc xuất khẩu nhiều loại nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc thời gian tới sẽ rất khó khăn. Trong hình: Sơ chế trái xoài xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Tiền Giang. Hình: Trung Chánh |
Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tại và kéo dài cho tới tháng 5-2020 là vụ thu hoạch chuối cấy mô, sản lượng ước tính khoảng 85.000 tấn; tiếp theo đó tới tháng 4 tỉnh sẽ vào vụ thu hoạch xoài, sản lượng ước tính khoảng 20.000 tấn. Trong đó, chuối cấy mô chủ yếu được tiêu thụ bằng đường tiểu ngạch tại thị trường Trung Quốc, lại chưa có đơn vị nào thu mua để chế biến. Theo đó, nếu đóng cửa giao dịch với Trung Quốc lâu dài tình hình sẽ rất căng thẳng. Riêng với xoài, ngoài việc cũng chủ yếu xuất khẩu trái tươi bằng đường tiểu ngạch qua Trung Quốc thì loại trái cây này đã được chế biến, nhưng do sản lượng lớn nên nỗi lo cũng không kém so với chuối cấy mô.
Vì vậy, ông Lộc cho biết, mới đây, Sở Công Thương tỉnh đã họp bàn với UBND các huyện, trong đó có hai huyện sản lượng xoài và chuối cấy mô lớn là Xuân Lộc và Trảng Bom để tìm giải pháp.
“Trước mắt chúng tôi làm việc và kết nối, mời gọi hệ thống các siêu thị, trung tâm siêu thị lớn, nhỏ trong nước chung tay tiêu thụ. Với xoài, chế biến được sẽ năng suất chế biến. Giải pháp lâu dài, tỉnh đã và đang tiến hành đó là hướng tới sản xuất bền vững, xây dựng vùng trồng đạt chuẩn VietGap và cao hơn để xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc, hay xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”, ông Lộc nói về giải pháp.
Về phía tỉnh Tiền Giang, ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Ngay sau Tết Nguyên đán, tình hình tiêu thụ một số loại cây trồng rất khó khăn, nhất là các mặt hàng phụ thuộc vào thì trường Trung Quốc như thanh long, sầu riêng, mít, dưa hấu, mận... Hầu hết các đơn hàng từ phía Trung Quốc đều bị hủy do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc.
Cũng theo ông Phương, dự kiến sản lượng cho thu hoạch trong tháng 2 và tháng 3 khoảng 272.700 tấn, gồm sầu riêng 70.000 tấn, mít 45.100 tấn, thanh long 34.000 tấn, khóm 45.000 tấn, bưởi da xanh 22.700 tấn, xoài cát Hòa Lộc 6.800 tấn.
Trong đó, các loại nông sản 80% được xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch qua Trung Quốc, chỉ khoảng 20% được xuất khẩu chính ngạch.
Theo đó, để hỗ trợ người trồng, Sở Công Thương đã thực hiện các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối tiêu thụ với các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh việc tiêu thụ các loại trái cây này trước mắt là tại thị trường nội địa, Song song đó, Sở Công Thương khảo sát các nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và đề nghị các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động hỗ trợ chế biến các loại trái cây.
Về lâu dài, khuyến khích thu hút mời gọi doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, các dự án như: ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất trái cây, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đầu tư xây dựng các kho trữ lạnh có công suất đủ lớn để bảo quản các loại trái cây ở các vùng trái cây của tỉnh nhằm chủ động trong việc tiêu thụ, xuất khẩu…
Mặc dù tới khoảng tháng 6 mới bắt đầu vào vụ tiêu thụ vải thiều nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) và việc thắt chặt hơn việc nhập khẩu nông sản chính ngạch ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh đang họp bàn về phương án xuất khẩu trái vải sang thị trường Trung Quốc.
Theo đó, Sở Công Thương Bắc Giang sẽ có sự phối hợp với các thương nhân chuyên thu mua, có biện pháp vận chuyển, bảo quản sản phẩm tốt nhất có thể nếu còn dịch bệnh.
“Thực tế nếu tới tháng 6 dịch chưa chấm dứt thì việc xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc của trái vải sẽ vẫn diễn ra, tất nhiên sẽ nhiều khó khăn hơn mọi năm”, ông Tấn nói.
Đồng thời, theo ông Tấn ngoài Trung Quốc trái vải Bắc Giang còn xuất khẩu sang 30 nước khác và tiêu thụ ổn định, số lượng không nhỏ tại thị trường trong nước. Vì vậy, những lo lắng và có những kế hoạch cho việc tiêu thụ là có nhưng cũng không phải không thể có thị trường tiêu thụ.