Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lo lưới điện quá tải, nhiều nước siết chặt quản lý trung tâm dữ liệu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các chính phủ trên khắp thế giới đang hạn chế cấp phép xây dựng các trung tâm dữ liệu mới vì lo ngại với mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ, chúng sẽ gây căng thẳng cho lưới điện cũng như gây áp lực lên các mục tiêu khí hậu quốc gia.

Kỹ thuật viên làm việc bên trong một trung tâm dữ liệu của Google ở Mỹ. Ảnh: Independent

Hạn chế cấp phép trung tâm dữ liệu mới

Trong những năm gần đây, Ireland, Đức, Singapore, Trung Quốc và hạt Loudoun ở bang Virginia (Mỹ) cũng như thành phố Amsterdam của Hà Lan đưa ra các hạn chế đối với các trung tâm dữ liệu mới để duy trì sự ổn định của lưới điện và tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về môi trường.

Với thuế suất thấp và khả năng tiếp cận dễ dàng với các tuyến cáp ngầm internet dưới biển, Ireland thu hút các công ty điện toán đám mây như Google và Microsoft đến xây dựng các trang trại máy chủ.

Hiral Patel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bền vững của ngân hàng Barclays, cho biết, quyết định của Ủy ban quản lý năng lượng và nước Ireland vào năm 2021 nhằm hạn chế kết nối dữ liệu mới với lưới điện hiện tác động đáng kể đến hoạt động xây dựng trung tâm dữ liệu.

Năm ngoái, các nhà điều hành trung tâm dữ liệu Vantage, EdgeConneX và Equinix bị chính quyền địa phương từ chối cấp phép cho các dự án mới ở thủ đô Dublin của Ireland Tháng trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo, cho biết, các trung tâm dữ liệu ở Ireland sẽ chiếm 32% nhu cầu điện quốc gia vào năm 2026.

Tác động môi trường của các trung tâm dữ liệu, nơi chứa các máy chủ để lưu trữ dữ liệu trực tuyến của hàng triệu người, trở thành mối lo ngại ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.

Hạt Loudoun ở bang Virginia của Mỹ và Đức gần đây đưa ra các biện pháp gồm hạn chế cấp phép cho các trung tâm dữ liệu nằm gần khu dân cư hoặc yêu cầu họ đóng góp năng lượng tái tạo vào lưới điện và tái sử dụng nhiệt thải ra từ các máy chủ.

Nhóm nhà phân tích của Barclays cảnh báo, nhiều chính phủ khác sẽ đưa ra các hạn chế tương tự đối với các trung tâm dữ liệu trong những năm tới. Hiện tại, họ vẫn chưa tính đến tác động của việc sử dụng Internet ngày càng tăng đối với lưới điện.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Industry ARC, những hạn chế như vậy có thể gây áp lực lên hoạt động các công ty trung tâm dữ liệu và đám mây. Mảng kinh doanh trung tâm dữ liệu của các công ty này đạt giá trị 220 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023 và dự kiến tăng lên lên 418 tỉ đô la vào cuối thập niên này khi nhu cầu dữ liệu toàn cầu tăng cao.

Trong khi đó, hãng nghiên cứu thị trường Dell'Oro ước tính, chi tiêu vốn toàn cầu cho các trung tâm dữ liệu sẽ vượt quá 500 tỉ đô vào năm 2027.

Theo IEA, tiêu thụ năng lượng từ các trung tâm dữ liệu đang tăng nhanh ở Mỹ và Trung Quốc nơi chiếm lần lượt 1/3 và 1/10 trong số 8.000 trung tâm dữ liệu trên thế giới.

“Nhiều lưới điện trên khắp thế giới không thể xử lý khối lượng công việc liên quan đến trí tuệ nhân tạo ở các trung tâm dữ liệu”,  Patel của Barclays cho biết.

Bà nói thêm, trong tương lai, các nhà khai thác trung tâm dữ liệu và các công ty công nghệ cần tích cực hơn trong phát triển lưới điện, chẳng hạn tham gia sản xuất nhiều năng lượng tái tạo hơn và nghiên cứu các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng mục tiêu bền vững

Microsoft, Google và Amazon, những công ty điều hành một số tổ hợp trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới, đã đầu tư vào năng lượng gió và mặt trời để đáp ứng các mục tiêu bền vững.

Họ cũng đang chuyển sang các nguồn năng lượng khác. Năm ngoái, Microsoft cho biết sẽ mua năng lượng hạt nhân để đáp ứng đến 35% nhu cầu năng lượng của một trong những trung tâm dữ liệu của tập đoàn này ở Virginia. Microsoft cũng đang đặt cược tương lai vào năng lượng nhiệt hạch hạt nhân thông qua thỏa thuận mua điện của Helion, công ty có trụ sở ở Washington đang phát triển công nghệ sản xuất điện từ phản ứng nhiệt hạch.

Nỗ lực thay thế nhiên liệu diesel, thường cung cấp năng lượng cho máy phát điện dự phòng ở các trung tâm dữ liệu, cũng là một thách thức. Amazon có kế hoạch chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh học làm từ dầu ăn phế thải cho máy phát điện dự phòng tại tất cả các trung tâm dữ liệu của tập đoàn này ở châu Âu, bắt đầu từ các địa điểm ở Ireland và Thụy Điển.

Trên toàn cầu, mức tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu, trang trại đào tiền ảo và các hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể tăng gấp đôi trong giai đoạn 2022-2026, theo báo cáo của IEA,

Nhóm nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley dự báo, AI tạo sinh sẽ chiếm hơn 3/4 nhu cầu năng lượng của các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu vào năm 2027.

Các nhà khai thác trung tâm dữ liệu đang chịu áp lực chứng minh cho cơ quan quản lý thấy rằng, họ đang nỗ lực giảm bớt nhu cầu năng lượng, chứ không chỉ giúp nguồn cung năng lượng trở nên xanh hơn.

Christopher Wellise, người đứng đầu bộ phận phát triển bền vững của nhà điều hành trung tâm dữ liệu Equinix, cho biết, công ty ông đang hợp tác với các chính phủ trên thế giới để quản lý sử dụng năng lượng.

Google đang thử nghiệm nhiều cách khác nhau để giảm mức sử dụng năng lượng ở các trung tâm dữ liệu khi lưới điện bị hạn chế công suất, chẳng hạn trong các đợt nắng nóng và bão mùa đông. Một giải pháp khác của Google là trì hoãn các tác vụ tính toán không khẩn cấp, như cập nhật từ vựng trong công cụ dịch thuật.

Tại London, một lực lượng đặc nhiệm về trung tâm dữ liệu đã được thành lập để điều phối các phản ứng về năng lượng sau khi có những dấu hiệu cho thấy, sự phát triển của các trung tâm dữ liệu nằm gần các cơ sở lắp đặt cáp quang đang gây áp lực lên nguồn điện sẵn có cho các hộ gia đình.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới