Thứ Bảy, 17/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lo ngại dự án giải quyết ngập do triều cường tiếp tục bế tắc

Đông Hải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ba năm “treo cẩu” dù đã hoàn thành hơn 93% khối lượng, công trình chống ngập trọng điểm của TPHCM đang lo đội vốn nếu dự án vẫn tiếp tục chậm tiến độ để hoàn thành dứt điểm.

Công ty TNHH Trung Nam BT1547 – đơn vị thi công dự án – vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị tổ chức thêm cuộc họp nhằm giải quyết những khó khăn của dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Theo Trung Nam BT1547, tính đến nay đã 15 tháng trôi qua kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40 ngày 1-4-2021 về việc cho phép tiếp tục triển khai dự án và cũng đã 2 năm trôi qua kể từ khi hết hạn phụ lục hợp đồng BT số 4769/2019 (ngày 26-6-2020), nhưng TPHCM vẫn chưa ký phụ lục hợp đồng BT mới với nhà đầu tư để tiếp tục triển khai dự án, dù công trình đã hoàn thành đạt hơn 93% khối lượng.

Dự án chống ngập do triều cường của thành phố có thể tiếp tục lỡ hẹn – Ảnh: TL

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam BT1547, cho biết Trung Nam và Ngân hàng BIDV nhiều lần gửi văn bản đến UBND thành phố nhưng chưa được giải quyết những vướng mắc. Và hiện BIDV đã có động thái chuẩn bị các thủ tục khởi kiện Trung Nam BT1547 theo các điều khoản trong hợp đồng tín dụng đã ký kết.

Dự án này được BIDV cấp vốn hơn 7.094 tỉ đồng, tương ứng khoảng 80% giới hạn số tiền cho vay được phê duyệt, dư nợ đến hạn phải trả vào ngày 15-11-2020 là hơn 2.639 tỉ đồng. Trong khi đó, Trung Nam vẫn đang phải chịu lãi quá hạn và lãi phát sinh theo từng ngày. Nếu dự án vẫn tiếp tục chậm tiến độ, nguy cơ tổng mức đầu tư vượt trên 10.000 tỉ đồng là không thể kiểm soát được, ông Tiến cho biết.

Ngoài ra, UBND TPHCM phải bố trí vốn trên 2.639 tỉ đồng để hoàn trả cho Ngân hàng Nhà nước trong tháng 11-2020 theo cam kết tại phụ lục hợp đồng ngày 18-11-2019 và quyết định ngày 27-4-2020 của Ngân hàng Nhà nước. Theo ông Tiến, đó là những thiệt hại không thể đo đếm nếu tiếp tục kéo dài việc hoàn thành dự án.

Rồi việc dự án tạm dừng sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ giảm ngập của UBND thành phố, do Ngân hàng Nhà nước ngưng giải ngân tái cấp vốn hơn 1.800 tỉ đồng còn lại, việc tìm nguồn vốn khác bổ sung cho dự án sẽ không khả thi, dự án có nguy cơ đi đến bế tắc…

Chủ đầu tư “đòi” trả dự án

Đây không phải lần đầu tiên phía Trung Nam BT1547 xin bàn giao dự án. Hồi cuối năm 2020, doanh nghiệp này đã có văn bản gửi UBND thành phố xin bàn giao lại hiện trạng dự án trong trường hợp những vướng mắc không được nhanh chóng giải quyết. Khối lượng công việc dở dang chưa được thanh toán, khối lượng đang làm cũng như những thiệt hại tính toán được do tạm ngừng dự án khoảng 600-700 tỉ đồng. Chưa kể đến thiệt hại về hiệu quả kinh doanh, tài chính, uy tín, nguồn nhân lực và trang thiết bị của nhà đầu tư.

Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), khởi công từ tháng 6-2016. Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Với nguồn lực khi đó của TPHCM, việc mua lại toàn bộ dự án chống ngập do triều là rất khó, đồng nghĩa với việc dự án trở thành dự án “treo”. Vì thế, sau khi Trung Nam đòi trả lại siêu dự án chống ngập, Thường trực Thành ủy TPHCM đã yêu cầu trong quá trình triển khai phải có thứ tự ưu tiên, nâng cao trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.

Cống ngăn triều Bến Nghé – Ảnh: do Trung Nam cung cấp

Theo tiến độ ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2018, sau đó phải ngưng thi công 10 tháng do nhiều vướng mắc liên quan việc tái cấp vốn. Dự án tái khởi động tháng 2-2019, Trung Nam cam kết hoàn thành dự án vào cuối năm 2019, đưa vào vận hành trong quí 1 năm 2020 nếu được bàn giao mặt bằng trong tháng 6-2019. Khi đó, lãnh đạo các quận, huyện đã cam kết với UBND thành phố sẽ giao mặt bằng sạch cho Trung Nam trước ngày 30-6-2019, nhưng tới nay dự án vẫn chưa thể tiếp tục.

Theo đại diện Trung Nam, hiện 20 cống ngăn triều đã thi công đạt hơn 90%. Thành phố đã đề xuất tách phần đất thanh toán cho nhà đầu tư với thời gian thực hiện hợp đồng dự án ra, tuy nhiên, phía ngân hàng BIDV và Trung Nam chưa đồng ý với phương án này. Vì vậy, phụ lục hợp đồng chưa được ký.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trong cuộc họp giải quyết vướng mắc, cho biết phụ lục hợp đồng của dự án đã hết hạn thì UBND thành phố phải ký lại để gia hạn thời gian thực hiện.(1)

Tuy nhiên trong quá trình chuẩn bị ký phụ lục hợp đồng, nhà đầu tư đề xuất thêm một số nội dung mới, trong đó có điều kiện là thành phố thanh toán đủ tiền thì họ sẽ đẩy nhanh tiến độ vào cuối năm nay hoặc chậm nhất đầu năm sau sẽ hoàn thành, nên Thường trực UBND TPHCM yêu cầu đàm phán lại, bàn bạc kỹ lưỡng, nếu không sẽ làm thay đổi bản chất hợp đồng. Thành phố sẽ tháo gỡ vướng mắc đúng quy định để tránh nảy sinh những vấn đề pháp lý mới.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục công tác giải phóng mặt bằng, hiện còn vướng mặt bằng của 2 hộ dân tại cống kiểm soát triều Mương Chuối và mặt bằng của 35 hộ dân tại 3 đoạn đê kè trên địa bàn huyện Nhà Bè. Thành phố cũng vừa kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho thành phố dùng 7 khu đất để thanh toán cho các hợp đồng BT của dự án. Lãnh đạo thành phố yêu cầu dự án này chậm nhất vào đầu năm 2023 phải đưa vào vận hành – Chủ tịch UBND thành phố thông tin.(2)

Không thể kéo dài dự án

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam BT1547, cho rằng dự án ngăn triều tại TPHCM đến thời điểm này Trung Nam làm coi như không có lợi nhuận mà chỉ quan tâm đến việc lỗ nhiều hay lỗ ít.

Phía Trung Nam đề nghị, nếu UBND thành phố vẫn còn ý kiến chưa đồng thuận hoặc hiểu nhầm về phía nhà đầu tư, Trung Nam sẵn sàng phối hợp để kiểm tra, rà soát trên tinh thần cầu thị, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật và nghiêm túc khắc phục hậu quả nếu phát hiện có sai sót.

Sau khi tháo gỡ, xử lý các sai sót cần khắc phục (nếu có), Trung Nam kiến nghị UBND thành phố thực hiện theo đúng cam kết tại hợp đồng BT đã ký kết; hoặc nếu xét thấy cần thiết, thành phố có thể đề nghị phương án và Trung Nam sẵn sàng bàn giao nguyên trạng công trình để TPHCM thực hiện hoặc mời gọi nhà đầu tư khác tiếp tục triển khai.

TPHCM đang mùa mưa, đã xuất hiện tình trạng ngập nặng trong nội đô và ngập sâu ở vùng ngoại vi khi liên tục có những đợt mưa lớn. Tháng 9-10 tới khi triều cường tăng biên độ, tình trạng ngập các tuyến đường và khu dân cư dọc các “điểm đen” ngập úng bờ hữu sông Sài Gòn trải qua các quận 1, 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh sẽ diễn ra. Bao giờ dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng hoàn thành và người dân bờ hữu sông Sài Gòn mới hết cảnh ngập lụt?

Cống Bến Nghé (đạt 94%): Đã thi công xong thân cống; đang lắp đặt cửa van cống; Cống Tân Thuận (đạt 96%): Đã thi công hoàn thiện âu thuyền, buồng bơm, bến neo phía quận 7, trụ tháp, cầu công tác, dầm van; đã lắp đặt 01/01 cửa van chính của cống; Cống Phú Xuân (đạt 97%): Đã thi công xong trụ pin và trụ tháp, dầm van, cầu công tác, đã lắp đặt xong 02/02 cửa van; Cống Mương Chuối (đạt 92%): Đã thi công xong các trụ pin, tháp van, âu thuyền, dầm đáy, cầu công tác, đã lắp đặt được 04/04 cửa van chính;  Cống Cây Khô (đạt 91%): Đã thi công xong hạng mục trụ Pin, dầm đáy, âu thuyền, cầu công tác, đã lắp đặt xong 02/02 cửa van chính; Cống Phú Định (đạt 96%): Đã thi công xong âu thuyền, buồng bơm, trụ tháp, dầm van, đã lắp đặt 01/01 cửa van chính của cống; Đê/kè (đạt 85%): Tuyến đê bao ĐB1, ĐB2, ĐB3 đang tiến hành công tác hoàn thiện, tuyến ĐB4 đang thi công.

———-

https://thanhnien.vn/chu-tich-tp-hcm-phan-van-mai-de-xuat-7-khu-dat-thanh-toan-cho-2-du-an-bt-keo-dai-post1482310.html (1) (2)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới