(KTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không gắn việc sử dụng vốn với mục đích phát hành, thậm chí lưu chuyển vốn lòng vòng giữa các tổ chức phát hành và tổ chức thực chất sử dụng vốn khiến cơ quản quản lý và chuyên gia lo ngại về rủi ro nợ gia tăng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính – cho biết các tổ chức tư vấn phát hành và phân phối trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường vẫn chào mời nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái phiếu, thậm chí có hiện tượng “lách” để đưa nhà đầu tư cá nhân trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
“Lách”, theo giải thích của ông Dương, là vận dụng những điều pháp luật cho phép để biến nhà đầu tư chưa phải nhà đầu tư chuyên nghiệp trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, theo các tiêu chí và quy định của pháp luật.
“Nhà đầu tư cá nhân vẫn là chính họ, chưa thể đánh giá hay lường hết những rủi ro của doanh nghiệp phát hành cũng như trái phiếu họ mua”, ông Dương nói tại đối thoại chuyên đề: "Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP" ngày 20-1.
Cũng theo ông Dương, thị trường Việt Nam có một đặc thù là nhà đầu tư có xu hướng gia tăng tỷ trọng hoặc giá trị đầu tư mà chưa quan tâm đến rủi ro, dù các cơ quan quản lý và chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị, cảnh báo.
Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cho biết nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu hạn chế, kết quả sản xuất - kinh doanh thua lỗ, nhưng vẫn huy động được khối lượng lớn trái phiếu.
Ngoài ra, có doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không gắn việc sử dụng vốn với mục đích phát hành. Thậm chí, hiện tượng lưu chuyển vốn lòng vòng giữa các tổ chức phát hành và tổ chức thực chất sử dụng vốn đã xuất hiện trên thị trường.
Về phía các tổ chức cung cấp dịch vụ phát hành, ông Dương cho rằng một số công ty chứng khoán có thiên hướng xây dựng hồ sơ phát hành có lợi hơn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) FiinGroup – cho biết khoảng 51,7% dư nợ trên tổng số 1,16 triệu tỉ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành sẽ đáo hạn vào năm 2023 – 2024.
Cụ thể, có 36,8% dư nợ sẽ đáo hạn trong năm 2022 và 2023. Tới năm 2024, khoảng 26,4% tổng dư nợ - tương đương 307.200 tỉ đồng – sẽ đáo hạn
Với thực tế này, ông Thuân kiến nghị các cơ quan quản lý đánh giá lại rủi ro về an toàn hệ thống, gồm cả tín dụng và ngân hàng.
“Hiện có khoảng 47% nợ vay của doanh nghiệp bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, đây không chỉ là vấn đề khả năng đáp ứng nghĩa vụ trả nợ cho trái chủ mà còn là vấn đề của tín dụng ngân hàng nhằm phòng tránh rủi ro vỡ nợ chéo đối với hai kênh tín dụng quan trọng trong bối cảnh chất lượng nhà phát hành yếu”, ông Thuân phân tích.
Để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư tham gia thị trường, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
“Chúng tôi đang thiết kế hành lang pháp lý hướng quản lý chặt chẽ hơn trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”, ông Dương nhấn mạnh.
Cụ thể, Điều 1.1 của dự thảo - sửa đổi Điều 5.1 - cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn dưới hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, Điều 13 Nghị định này yêu cầu doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành, phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu.
Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp cũng phải đảm bảo chỉ được sử dụng cho chính doanh nghiệp phát hành, đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Ông Dương cho biết những quy định này hướng tới mục tiêu thu hẹp mục đích sử dụng vốn trong phát hành trái phiếu.
“Rủi ro dễ đánh giá nhất là doanh nghiệp huy động vốn làm gì. Còn việc doanh nghiệp huy động để chuyển vốn cho công ty con hoặc góp vốn một công ty khác trong tương lai không biết như thế nào, sẽ khó đánh giá rủi ro hơn”, ông Dương giải thích.
Góp ý Điều 1.1 của dự thảo, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng không nên "chặn" quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp.
“Mấu chốt giải quyết vấn đề minh bạch về mặt thông tin, đặc biệt khi phát hành đến nhà đầu tư cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào. Nhà đầu tư cá nhân biết mà vẫn đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro”, ông Thuân nói.
Với các giao dịch liên quan đến công ty mẹ - con, gồm trực tiếp hay gián tiếp, ông Thuân cho rằng mọi giao dịch liên quan đến ông chủ đều phải minh bạch. Điều này có nghĩa nhà phát hành phải kê khai toàn bộ việc dùng trái phiếu vào công ty nào, bao gồm công ty "sân sau".
"Phát hành trái phiếu để đầu tư công ty cháu hoặc công ty con đều cần minh bạch dòng tiền, như cách "truy vết" người nhiễm Covid-19. Muốn cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, hay kiểm soát mục đích sử dụng vốn là không hợp lý, đây cũng là quyền của họ và cũng không nên", ông Thuân đề xuất.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội – kiến nghị cơ quan soạn thảo xây dựng chính sách với cách tiếp cận theo thông lệ quốc tế.
Với người mua (đầu vào), hoạt động phát hành sẽ không hạn chế bất kỳ đối tượng nào. Với doanh nghiệp phát hành (đầu ra), cơ quan quản lý sẽ siết chặt điều kiện phát hành thông qua các yêu cầu tỷ lệ để đảm bảo chất lượng trái phiếu, đồng thời phải cân bằng chi phí phát hành cho doanh nghiệp.
Với hoạt động phát hành riêng lẻ, ông Hiếu cho rằng nhà quản lý muốn dành sản phẩm này cho những nhà đầu tư là các tổ chức tài chính và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng nghĩa vì họ có kiến thức, khả năng phân tích và chấp nhận rủi ro ở mức độ nhất định. Ngoài ra, các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi đầu tư vào một doanh nghiệp do nhìn thấy tiềm năng.
“Mọi hạn chế bằng mắt thường trong chỉ tiêu tài chính có thể đều vô nghĩa. Nếu thêm các điều kiện ràng buộc cao hơn, nhiều khi chỉ làm tăng thêm chi phí về vốn”, ông Hiếu nhấn mạnh.