(KTSG Online) - Các quỹ đầu tư toàn cầu đang tăng cường dự trữ tiền mặt, một dấu hiệu cho thấy họ chuẩn bị tinh thần ứng phó cơn hỗn loạn có thể xảy ra trên khắp các thị trường nếu các ngân hàng trung ương lớn ở phương Tây chạy đua tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Tỷ lệ nắm giữ tiền mặt trung bình của các quỹ đầu tư toàn cầu đã tăng lên mức 5,3% trong tháng này, so với 5% vào tháng 1, theo một cuộc khảo sát được Ngân hàng Bank of America thực hiện với các nhà quản lý quỹ đang điều hành danh mục tài sản có trị giá tổng cộng 1.000 tỉ đô la.
Báo cáo khảo sát của Bank of America được công bố hôm 15-2 lưu ý đó là mức nắm giữ tiền mặt cao nhất của các quỹ đầu tư toàn cầu kể từ hồi tháng 5-2020, thời điểm ban đầu của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Sự chuyển dịch sang tiền mặt diễn ra trong bối cảnh nhiều hạng mục tài sản hàng đầu trải qua biến động mạnh vào đầu năm nay. Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI All-Country World Index (theo dõi biến động giá của các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn tiêu biểu ở 23 thị trường phát triển và 26 thị trường mới nổi) giảm gần 6% kể từ đầu năm 2022, trong khi đó, chỉ số theo dõi trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp của Bloomberg giảm 3,5% trong cùng kỳ.
Tâm lý giới đầu tư lung lay trong năm nay do ngày càng có nhiều dự báo cho rằng các ngân hàng trung ương lớn ở phương Tây như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ cần phải mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Một số nhà đầu tư lo ngại nếu Fed hành động quá đột ngột để hạ nhiệt đà tăng trưởng giá cả, điều này sẽ khiến đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới chệch hướng, một viễn cảnh có thể gây áp lực cho các tài sản có tính rủi ro như cổ phiếu.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định: “Khoảng thời gian đầu năm 2022 bị chi phối bởi sự chuyển hướng sang chính sách “diều hâu” (ủng hộ tăng lãi suất để chống lạm phát) chưa từng thấy của các ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển lớn”. Trong tuần này, Goldman Sachs khuyên khách hàng nên tăng tỷ trọng nắm giữ tiền mặt trong danh mục tài sản của họ, đồng thời hạ tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.
Goldman Sachs cho biết quan điểm này phản ánh tác động qua lại giữa tăng trưởng và lạm phát trở nên thách thức hơn, đồng thời tiền mặt đang trở thành một hạng mục tài sản cạnh tranh hơn. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 7 đợt trong năm nay, với mỗi đợt tăng khoảng 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm).
Jamie Dimon, Giám đốc điều hành Ngân hàng đầu tư JPMorgan, cũng dự báo Fed có thể tăng lãi suất từ 6-7 đợt trong năm 2022.
Các nhà đầu tư hiện tại hầu như không nhận được lợi nhuận từ số tiền họ tích trữ ở các quỹ thị trường tiền tệ ở Mỹ (một dạng quỹ tương hỗ đầu tư vào các công cụ nợ ngắn hạn, như trái phiếu kho bạc, thương phiếu với rủi ro cực thấp). Tuy nhiên, các sản phẩm này mang lại lợi suất trên 2% vào năm 2019 trước khi Fed cắt giảm lãi suất để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh, theo Crane Data.
Dù lợi suất của các quỹ thị trường tiền tệ trước đại dịch thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng lạm phát 7,5% ở Mỹ trong tháng 1, việc rót tiền vào các quỹ này cho phép các nhà đầu tư tránh được cơn biến động ở các hạng mục tài sản khác.
Tancredi Cordero, người sáng lập Công ty đầu tư Kuros Associates (Anh), cho biết nhiều nhà quản lý quỹ bị tổn thương nặng nề bởi những biến động thị trường gần đây và có thể đã rút vốn khỏi những cổ phiếu “con cưng” đang bị thất sủng trên thị trường chứng khoán như Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, để chuyển sang vị thế nắm giữ tiền mặt trước cuộc họp quan trọng của Fed vào tháng 3 tới. Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Meta Platforms giảm đến 34,7%.
Song, Cordero nhận định sự luân chuyển sang tiền mặt có thể không kéo dài. Ông nói một khi giới đầu tư hiểu rõ hơn về hướng đi lãi suất, họ sẽ điều chỉnh chiến lược và đầu tư vào những công ty bị định giá thấp hơn giá trị thực.
Edward Park, Giám đốc đầu tư tại Công ty Brooks Macdonald, đồng tình với nhận định này. Ông cho rằng xu hướng luân chuyển sang tiền mặt “không thể hiện quan điểm tin tưởng rằng tiền mặt sẽ mang lại lợi nhuận danh nghĩa hoặc lợi nhuận đã điều chỉnh lạm phát, mà chỉ là phản ánh mối lo ngại rằng giá cổ phiếu và trái phiếu có thể cùng giảm nếu động thái tăng lãi suất dẫn đến làn sóng bán tháo”.
Theo Financial Times