Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lỗ vì chuyển giá?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lỗ vì chuyển giá?

Tấn Đức

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Sau hơn 20 năm mở cửa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động và hiện đang trở thành đầu tàu tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực kinh tế này cho ngân sách quốc gia lại khác hẳn. Đó là một kết quả đáng thất vọng.

Thống kê của Cục Thuế TPHCM về kết quả kinh doanh năm 2009 của doanh nghiệp FDI trên địa bàn cho thấy, gần 60% số doanh nghiệp báo cáo thua lỗ. Đây hoàn toàn không phải là kết quả bất thường so với những năm trước đó, nên khó đổ lỗi cho hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Năm 2008, tỷ lệ doanh nghiệp FDI ở TPHCM thua lỗ cũng chiếm tới 61,3% và trước đó, năm 2007, năm hưng thịnh của kinh tế Việt Nam, vẫn có gần 70% doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế này lỗ. Kết quả trên đồng nghĩa với TPHCM không thu được một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp từ những công ty này.

Có thể nói, thua lỗ là xu hướng chung của doanh nghiệp FDI, không chỉ ở TPHCM, mà trên cả nước. Nó được phản ánh qua tỷ lệ đóng góp cho ngân sách quốc gia của khối này (không kể dầu thô) khá thấp. Trong các năm 2005-2008 chỉ dao động quanh 9-10% tổng thu ngân sách của quốc gia.

Riêng năm 2009, phần đóng góp của doanh nghiệp FDI giảm 11,2% so với kế hoạch, trong khi khu vực tư nhân trong nước chỉ giảm 4,4%, còn doanh nghiệp nhà nước tăng 6,2%. Có thể thấy, mức đóng góp cho ngân sách của doanh nghiệp FDI đã không tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và quy mô về giá trị sản xuất công nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ lệ thua lỗ cao bất thường của doanh nghiệp FDI không hẳn tại khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn do nhiều công ty thực hiện chính sách chuyển giá ra nước ngoài, nhằm trốn thuế ở Việt Nam.

Năm 2007, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh xác nhận có hiện tượng chuyển giá, nhưng ông cũng thừa nhận là “Chính phủ đã cố gắng kiểm soát nhưng không kiểm soát được. Vì người ta chuyển giá từ bên ngoài, qua thiết bị, máy móc, giá nguyên liệu… và hợp thức từ công ty mẹ chuyển sang”.

Trên thực tế, vấn đề này đã được nhiều doanh nghiệp trong nước nghi ngờ từ cách nay hơn 15 năm, khi họ nhận thấy những dự án của nước ngoài có chi phí đầu tư ban đầu cao bất thường. Chẳng hạn như, cùng với số vốn đầu tư ban đầu như nhau, nhưng Công ty Pomina xây dựng được một nhà máy thép (thiết bị, công nghệ của Ý) có công suất lớn gấp đôi hai công ty FDI khác ở Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu. Cũng vậy, suất đầu tư của nhà máy dầu thực vật Bình An chưa tới một nửa những công ty liên doanh khác và có thể kể ra hàng loạt ví dụ khác trong các ngành bao bì, nhựa, sản xuất điện…

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt, nói: “Với suất đầu tư ban đầu cao như vậy, hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài có lẽ sẽ chẳng bao giờ có lãi”. Ông nói tiếp: “Những năm trước, hầu như doanh nghiệp thép trong nước nào cũng có lãi, thậm chí lãi khá lớn, nhưng một công ty nước ngoài hoạt động ở Bình Dương, suốt mười mấy năm hoạt động, ngành thuế hầu như không thu được một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào”.

Ngoài việc khai quá mức vốn đầu tư ban đầu, hoạt động chuyển giá còn có thể thực hiện cả trong quá trình nhập khẩu nguyên liệu và xuất thành phẩm. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng mặc dù ông không thể chỉ đích danh công ty nào làm ăn gian dối như vậy, nhưng có những trường hợp cơ sở ở Việt Nam chỉ là một xưởng sản xuất cho công ty mẹ ở nước ngoài. Họ không quan tâm đến chuyện lãi lỗ, mà chủ yếu đến Việt Nam để khai thác lợi thế về nhân công giá rẻ, còn hiệu quả kinh doanh chủ yếu được tính cho công ty mẹ ở nước ngoài.

Hiện tượng chuyển giá, không chỉ làm ngân sách quốc gia bị thất thu một số tiền lớn, mà nó còn có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho cả nền kinh tế (xem thêm bài “Gian nan kiểm soát chuyển giá” tr.12).

Hiện nay, Bộ Tài chính đã có những quy định hướng dẫn chống chuyển giá. Theo nhận xét của đại diện Công ty Kiểm toán KPMG, hướng dẫn này cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thể ngăn chặn thủ thuật chuyển giá này. Ngoài việc chưa có biện pháp xử phạt đủ sức răn đe, trình độ chuyên môn của cán bộ kiểm tra chuyên ngành và thiếu cơ sở dữ liệu để hỗ trợ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động chống thủ thuật chuyển giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới