Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Loa phường và tổ dân phố

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Có thể nói trong những giờ phút cao điểm của đại dịch Covid-19 quét qua TPHCM vừa qua, một trong những hình ảnh “vệ tinh” hoạt động xung quanh “hạt nhân”, đội ngũ nhân viên y tế, không gì khác hơn là những người làm việc dưới danh nghĩa của hệ thống tổ dân phố.

Những anh dân phòng giữ trật tự tại các điểm tiêm vaccine hay các bác tổ trưởng dân phố kiên nhẫn chia nhu yếu phẩm được tiếp tế sẽ là hình ảnh khó phai nhòa khi nhắc đến cơn đại dịch khủng khiếp đó. Tuy nhiên, theo chủ trương sắp xếp tổ dân phố, tổ nhân dân từ nay đến hết quí 1-2025, mô hình tổ dân phố tại TPHCM sẽ không còn nữa, thay vào đó là cấp khu phố (cho khu vực thành thị) hay ấp (cho khu vực nông thôn).

Theo mô hình mới, TPHCM sẽ thu gọn số lượng đơn vị dưới cấp xã - phường từ 27.400 xuống chỉ còn 5.200 khu phố(1). Số người hoạt động “bán chuyên trách” cho hệ thống này (như tổ trưởng dân phố) cũng giảm từ 64.000 người xuống 26.000 người. Tương ứng, tổng phụ cấp dành cho họ cũng vậy, giảm từ 527 tỉ đồng xuống 483 tỉ đồng - giúp tiết kiệm khoảng 44 tỉ đồng mỗi năm.

Mô hình tổ dân phố, tổ nhân dân đã tồn tại gần 40 năm và đã có những tác dụng thực sự, điển hình như đã thấy trong đại dịch thời gian qua. Do vậy, một đợt cắt giảm nhân sự đáng kể nêu trên hẳn sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động điều hành trên thực tế ở địa phương vốn đã quen với mô hình tổ dân phố. Điều này cũng dễ hiểu khi xét đến nhân sự chính thức cho một phường ở TPHCM hiện nay. Trung bình khoảng 30 nhân viên tại một phường quản lý cả trăm ngàn nhân khẩu. Vì vậy, bộ máy hành chính ở nhiều địa phương phải dựa rất nhiều vào hệ thống tổ dân phố. Xóa bỏ hệ thống này không phải là một vấn đề đơn giản tại một số nơi. Đó là lý do một số phường đề nghị nên giữ lại mô hình tổ dân phố.

Thế nhưng, trong tình hình mới xuất hiện nhiều công cụ hiện đại, như số hóa, giúp hình thành chính phủ điện tử, đã đến lúc thực hiện việc chấm dứt vai trò của tổ dân phố theo mô hình cũ. Tuy số tiền tiết kiệm được từ ngân khoản dành cho người hưởng phụ cấp tham gia điều hành khu phố theo mô hình mới (không còn tổ dân phố) không phải là lớn (chỉ khoảng 44 tỉ đồng/năm) so với tổng chi ngân sách ở TPHCM [khoảng 84.000 tỉ đồng năm 2020(2)], ý nghĩa của sự thay đổi này lớn hơn nhiều.

Báo mạng vnexpress.net dẫn lời TS Thái Thị Tuyết Dung, khoa Luật thuộc Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, cho biết bà đồng tình với việc xóa bỏ mô hình tổ dân phố ở TPHCM. Bà cho rằng dù không dễ thay đổi một mô hình đã vận hành từ lâu, điều này là một động lực để chính quyền thành phố “thay đổi cách thức quản lý, chuyển từ thủ công sang số hóa”(3). Đồng thời, theo bà Dung, chính người dân cũng có thể chủ động trong thực hiện các hoạt động liên quan đến chính quyền địa phương thay vì dựa nhiều vào tổ dân phố như mô hình cũ.

Theo một số chuyên gia, phần lớn dân cư tại nhiều khu vực ở TPHCM tiếp cận được với công cụ số cũng như không quá lạ lẫm với các thủ tục hành chính. Như vậy, mô hình tổ dân phố ở đó không thực sự cần thiết.

Các chuyên gia cũng nêu một vấn đề trong thực hiện mô hình mới, chính quyền cũng cần lưu ý đến thực trạng là ngay cả tại TPHCM không phải bất kỳ người dân nào cũng có điều kiện hay có khả năng tiếp cận được với các công cụ số. Vì thế, trong vai trò cầu nối giữa người dân và chính quyền sở tại, chức năng của người điều hành khu phố cần bao gồm cả nhiệm vụ này.

Trên thực tế, các tổ dân phố không biến mất ngay hiện nay ở TPHCM mà theo một lộ trình đến đầu năm 2025. Hy vọng thời gian còn lại đủ để chính quyền giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở cấp phường và người dân làm quen với mô hình mới.

Thiết nghĩ, xóa bỏ cấp trung gian tổ dân phố cũng nên được nhìn nhận tương tự như cách tiếp cận vấn đề nên giữ hay không giữ “loa phường” trước đây. Có người cho rằng loa phường là “không thể thay thế được”. Tuy nhiên, khi công cụ mới đã có trong tay, điều kiện mới đang thôi thúc bên ngoài, rất khó và rất không hợp lý nếu khăng khăng với cái cũ cho dù nó đã tồn tại lâu đời. Nguyên tắc cao nhất là thực tế đời sống. Loa phường cũng vậy, tổ dân phố cũng thế.

----------

(1), (3)https://vnexpress.net/tp-hcm-cat-giam-38-000-can-bo-to-dan-pho-ra-sao-4540192.html

(2)https://vneconomy.vn/ngan-sach-cho-tp-hcm-nguoc-doi-boi-thu-va-boi-chi.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Loa phường, tổ dân phố, bây giờ dự kiến khu phố – ấp… Mọi thứ đều có lý do tồn tại của nó, chỉ khác nhau là bối cảnh cụ thể. Những mô hình này thường gắn liền với mô hình tổ chức chính trị xã hội đoàn thể theo từng thời kỳ. Cách tiếp cận mới hiện nay không nên dựa vào mô hình tổ chức, trên sao dưới vậy, mà cần dựa vào yêu cầu thực tiễn phát sinh hàng ngày hàng giờ tại địa bàn mà cuộc sống dân cư đang diễn ra rất sinh động và phức tạp. Những vấn nạn kinh niên về sinh kế, nhà ở, vệ sinh môi trường, trật tự xã hội, an toàn giao thông, học đường, y tế giáo dục… là những vấn đề sát sườn nhất cần phải được xử lý, chứ không phải là mô hình này nọ nhưng mãi vẫn không giải quyết thấu đáo những gì dân nghĩ và dân cần.

  2. Tổ dân phố nơi tôi ở, định kỳ họp dân, luôn có tiết mục báo cáo về thành tích “xóa đói giảm nghèo”. Tuy nhiên, có những hộ không thể liệt kê vào dạng đói hoặc nghèo, kể cả không thể “phấn đấu giảm đói nghèo” được, bởi vì họ là diện bị mất sức lao động, bệnh nặng kéo dài. Dân kiến nghị đưa những hộ này vào diện “cứu tế xã hội”, nhưng mãi vẫn chưa thấy cấp nào trả lời ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới