Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lộc Trời đặt mục tiêu giảm 50% chi phí thức ăn gia súc cho nông dân

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngoài lĩnh vực sản xuất lúa gạo, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đang mở mảng sản xuất thức ăn cho gia súc với mục tiêu giảm khoảng 50% chi phí so với nhập khẩu.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Trung Chánh

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, trao đổi tại buổi một buổi thảo luận trực tuyến về xây dựng chuỗi cung ứng lương thực mạnh mẽ và bền vững vào chiều 26-11, cho biết bên cạnh cây lúa, đơn vị có một hoạt động khác đang triển khai là hoạt động sản xuất thức ăn cho gia súc (trâu, bò).

Hiện Việt Nam có 8 triệu con trâu, bò với khả năng tiêu thụ thức ăn 40 kg/con trưởng thành/ngày. “Lộc Trời tham gia thị trường cung cấp thức ăn cho trâu bò với mục tiêu tiêu giảm chi phí thức ăn xuống khoảng trên 50% so với giá nhập khẩu là 7.000 đồng/kg, tức còn dưới 3.000 đồng/kg”, ông Thuận nói.

Theo tính toán của ông Thuận, lấy lượng tiêu thụ thức ăn xanh khoảng 25-40 kg/ngày, nhân với 8 triệu con, nhân với 365 ngày sẽ ra một lượng thức ăn cho gia súc mỗi năm rất lớn. “Nếu lấy lượng đó nhân với 3.000 đồng tiết kiệm được thì nó sẽ là con số vô cùng lớn đối vớ bà con nông dân”, ông cho biết và nói rằng một con bò trong 100 ngày vỗ béo từ bò tơ lên bò trưởng thành, sẽ giúp nông dân tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng.

Không chỉ mở thêm mảng sản xuất thức ăn cho gia súc, ông Thuận cho biết đơn vị này cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý các khâu trồng trọt, bảo quản, chế biến và lưu thông.

Đơn vị này có 3.600 lao động, trong đó có 1.200 kỹ sư cấm chốt trên đồng ruộng, nhưng rất mỏng so với diện tích canh tác nông nghiệp hiện nay đơn vị này đang tham gia. “Nếu chỉ dựa vào sức người thì không cách gì quản lý được”, ông Thuận nhấn mạnh.

Chính vì vậy, lãnh đạo Lộc Trời cho biết từ năm 2019 đơn vị này đã ứng dụng công nghệ SAP (công nghệ hệ thống quản trị SAP- PV) làm nền tảng trong quản lý, điều hành tất cả các khâu của quá trình trồng trọt, bảo quản, chế biến và lưu thông.

Theo ông Thuận, công nghệ giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Ví dụ, xuất khẩu một tấn gạo xuất đi thị trường châu Âu, doanh nghiệp không thể đợi phòng xét nghiệm của họ lấy mẫu, đánh giá đạt thì cho thông quan, không đạt trả về là quá rủi ro. Do đó, Lộc Trời đã xây dựng quy trình để ghi nhận thông qua sổ nhật ký đồng ruộng điện tử, đảm bảo giúp người mua châu Âu biết được gạo đó được sản xuất ngày nào, giống gì, gen đúng đăng ký châu Âu hay không; sử dụng đúng bộ sản phẩm có được châu Âu cho phép hay không…

Ông Thuận nhấn mạnh, nếu sản xuất nông nghiệp không ứng dụng công nghệ số thì không thể nào cam kết được chất lượng nông sản với người tiêu dùng và càng không thể cam kết được chất lượng và hình ảnh sản phẩm nông sản Việt Nam với thị trường quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới