(KTSG Online) – Không chỉ đồng hành cùng nông dân trong sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn của Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế (SRP - Sustainable Rice Platform), Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời còn có nhiều hoạt động hướng tới phát triển cộng đồng.
Phát triển lúa gạo bền vững
Quy trình canh tác theo tiêu chuẩn bền vững của SRP được Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và Tổ chức nông lương Liên hiệp quốc (FAO) ban hành. Trong khi đó, Control Union và Global GAP là những tổ chức sẽ giữ vai trò chứng nhận.
Bộ tiêu chuẩn của SRP gồm 46 tiêu chí được đo lường theo rất nhiều các chỉ số khác nhau, trong đó, đặc biệt chú trọng đến các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường.
Cụ thể, đối với yếu tố về kinh tế, phải đảm bảo được năng suất và giá thành, trong khi yếu tố môi trường, thì chú trọng kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp. Còn với yếu tố xã hội, bộ tiêu chí này tập trung đảm bảo các vấn đề như: an toàn thực phẩm, an toàn sức khoẻ cho người lao động…
Ngoài ra, bộ tiêu chuẩn của SRP còn kiểm soát các yếu tố khác, bao gồm cả vấn đề nữ quyền và nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em…
Về phía người nông dân, áp dụng SRP sẽ mang lại cho họ nhiều lợi ích như: hướng người nông dân đến việc thực hành canh tác hiệu quả; tiếp cận được chuỗi cung ứng minh bạch hơn; thu nhập được nâng cao…
Đối với hoạt động chế biến, thực hiện theo SRP sẽ giúp nhà sản xuất kiểm soát được chất lượng sản phẩm, gia tăng mức độ thu hồi sản phẩm, qua đó, giúp hoạt động tiêu thụ được dễ dàng hơn nhờ sản phẩm làm ra có chất lượng, thương hiệu.
Ngoài 46 tiêu chí, bộ tiêu chuẩn này còn chú trọng đến 8 tiêu chuẩn, trong đó có quản lý đồng ruộng; sử dụng nước; quản lý dinh dưỡng; quản lý sâu bệnh; thu hoạch và sau thu hoạch…
Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên thế giới được đánh giá đạt 100 điểm trong triển khai SRP (SRP 100) trong ba năm liền, từ 2020-2022 với diện tích canh tác khoảng 250 héc ta mỗi năm do Tổ chức Control Union chứng nhận.
Để đạt được kết quả nêu trên, nông dân tham gia mô hình đã áp dụng kỹ thuật canh tác ngập, khô xen kẽ; sử dụng drone phun xịt thuốc bảo vệ thực vật; xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm trico; ghi chép nhật ký đồng ruộng và cập nhật trên nhật ký đồng ruộng điện tử.
Mô hình đã được chứng minh giúp mang lại hiệu quả bền vững hơn về môi trường khi giảm được lượng hóa chất sử dụng, giảm lượng nước tưới, xử lý rơm rạ đúng cách giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm đất, nước và không khí.
Trong khi đó, về mặt xã hội, mô hình cũng đã giúp tăng nhận thức của nông dân về bảo vệ môi trường, quyền lao động, quyền trẻ em, bình đẳng giới; giúp chuyển đổi tư tưởng từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ sản lượng cao sang công nghệ cao, sinh thái trách nhiệm và bền vững.
Từ kết quả đã đạt được, Lộc Trời đang tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư để cung cấp tín chỉ carbon cho thị trường, cả trong nước và quốc tế
Nhiều hoạt động vì cộng đồng
Không chỉ giúp phát triển lúa gạo bền vững, hàng năm Lộc Trời còn tổ chức chương trình “cùng nông dân bảo vệ môi trường” để thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và đem đi tiêu hủy đúng quy định, với tổng kinh phí thực hiện lên đến 2 tỉ đồng (năm 2022). Tháng 11- 2021, Lộc Trời đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Cục Bảo vệ thực vật để triển khai các chương trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2021-2025, có tổng trị giá lên đến 180 tỷ đồng.
Ngoài ra, Lộc Trời còn hợp tác, tài trợ nghiên cứu cho các viện, trường như: Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học An Giang; tài trợ cho các nghiên cứu phụ phẩm như: ống hút từ gạo, sản xuất gas từ rơm, phân bón hữu cơ từ tro trấu…
Từ năm 2006 đến 2022, Tập đoàn Lộc Trời cũng thực hiện chương trình “cùng nông dân chăm sóc sức khỏe” nhằm tăng cường bảo vệ sức khoẻ tốt hơn cho người nông dân.
Đặc biệt, trong năm 2022, Lộc Trời còn tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện và hỗ trợ an sinh xã hội, phát triển giáo dục trên phạm vi cả nước, với tổng giá trị tài trợ trên 7 tỉ đồng. Trong năm 2022, tập đoàn cũng đã tài trợ gần 100 tấn gạo cho 50 địa phương trong cả nước. Riêng tại Kiên Giang, tập đoàn đã tặng 18 nhà đại đoàn kết và một cầu giao thông nông thôn, kịp thời giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn và góp phần phát triển hạ tầng giao thông vùng sâu vùng xa.
Tập đoàn cũng thực hiện nhiều hoạt động tài trợ giáo dục, trong đó, tiêu biểu là chương trình tiếp bước đến trường, tài trợ sách giáo khoa cho hơn 1.000 trẻ em cấp tiểu học, trung học cơ sơ và 220 suất học bổng cho 22 trường học ở các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn và Châu Thành của tỉnh An Giang với trị giá gần 500 triệu đồng; triển khai dự án nước sạch học đường với giá trị hơn 1,2 tỉ đồng để mang nước uống tinh khiết đến 17 trường học trên địa bàn huyện Thoại Sơn và 150 triệu đồng tài trợ hoạt động gió dục STEM của Phòng giáo dục huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương…
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời nhấn mạnh, các hoạt động nêu trên thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. “Đây là những hoạt động luôn được triển khai song song với các hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn vì đây là một phần được thể hiện rõ trong sứ mệnh công ty chúng tôi”, ông cho biết.
Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, về mặt kinh doanh, các hoạt động nêu trên không mang hiệu quả trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với sứ mệnh “cùng nông dân phát triển bền vững”, các hoạt động sẽ có ý nghĩa về dài hạn.
Theo đó, sẽ xây dựng được ý thức của nhân viên và cộng đồng nông dân để cùng chung tay thực hiện các hoạt động có ý nghĩa như: bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ vùng nông thôn xanh và sạch. “Chương trình “cùng nông dân bảo vệ môi trường” được chúng tôi thực hiện qua các năm giúp bà con biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả cũng như nâng cao ý thức thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường sống ở nông thôn”, ông Thòn nhấn mạnh.