Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lộc Trời sở hữu độc quyền hai giống lúa mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lộc Trời sở hữu độc quyền hai giống lúa mới

Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (CLRRI) ký kết hợp đồng chuyển giao độc quyền hai giống lúa mới cho Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời Group) hôm 12-4, giúp nâng giống lúa được tổ chức này chuyển giao cho doanh nghiệp lúa gạo lên 6 giống lúa.

Lộc Trời sở hữu độc quyền hai giống lúa mới
Một công đoạn của quy trình chọn tạo giống lúa. Ảnh: Lộc Trời cung cấp

Thông cáo báo chí của Lộc Trời gửi đến TBKTSG Online cho biết, hai giống lúa mới được đơn vị này nhận chuyển giao độc quyền từ CLRRI là OM 18 và OM 9577. Trước đó, Lộc Trời cũng đã nhận chuyển giao bốn giống lúa từ CLRRI, gồm OM 5451, OM 2514, OM 2517 và OMCS 2000.

Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng CLRRI cho biết đơn vị này sẽ được hưởng 200 đồng trên mỗi kí lô gam lúa giống được Lộc Trời bán ra và đơn vị này sử dụng độc quyền trong khoảng thời gian không quá 20 năm.

CLRRI chọn tạo được trên 180 giống lúa

Thông tin từ CLRRI cho biết, tính đến nay, đơn vị này đã chọn tạo và phát triển trên 180 giống lúa các loại. Trong đó, có ít nhất 82 giống được công nhận giống quốc gia và số còn lại là giống được công nhận tạm thời với nhiều giống có triển vọng.

Từ năm 2011 đến 2016, CLRRI đã chuyển nhượng bản quyền tác giả hoặc quyền khai thác độc quyền 14 giống lúa OM cho 7 đơn vị thuộc cơ quan nhà nước và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

Được biết, hai giống lúa OM 18 và OM 9577 đã được CLRRI tạo và đưa vào khảo nghiệm từ năm 2011. Nhóm tác giả gồm phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thị Cúc Hòa và kỹ thuật viên Huỳnh Thị Phương Loan đối với giống OM 18; riêng giống OM 9577 có thêm sự tham gia của tiến sĩ Phạm Trung Nghĩa.

Hai giống lúa nêu trên có đặc tính phù hợp để canh tác trong cả ba vụ/năm; thích hợp sản xuất trong các vùng có điều kiện bị xâm nhập mặn; có chất lượng gạo tốt, phù hợp để xuất khẩu. Cả hai giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận vào năm 2017 và cho phép sản xuất thử tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ.

OM 9577 là giống lúa cao sản, thời gian sinh trường khoảng 100-107 ngày, có khả năng chống chịu rầy nâu, bệnh đạo ôn (còn gọi là cháy lá) và chịu được mặn với nồng độ khoảng 4‰. Trong khi đó, giống OM 18 có khả chịu mặn ở ngưỡng 3-4‰, chất lượng gạo tốt, kháng sâu bệnh, nhất là đối với bệnh đạo ôn.

Trong bối cảnh xâm nhập mặn diễn ra ở ĐBSCL có xu hướng ngày càng gay gắt, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa ở ĐBSCL nói riêng, thì việc thương mại hóa giống lúa có khả năng chịu mặn như nêu trên sẽ mở ra hướng đi mới, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất lúa gạo đi theo hướng bền vững, giúp tăng thu nhập cho người nông dân.

Với việc ký kết chuyển giao độc quyền hai giống lúa nêu trên, Tập đoàn Lộc Trời cũng kỳ vọng sẽ giúp đáp ứng tốt nhu cầu lúa giống chất lượng cao của nông dân. Đặc biệt, khi thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học được bảo vệ và nhanh chóng đi vào thị trường sẽ góp phần thúc đẩy ngành giống phát triển và sản xuất nông nghiệp bền vững hơn.

Tập đoàn Lộc Trời đang là một trong những đơn vị dẫn đầu trong mảng kinh doanh hạt giống và chiếm khoảng 10% thị phần lúa giống tại ĐBSCL. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đang phát triển mạnh các loại giống cây trồng khác, bao gồm bắp lai, dưa hấu và rau màu.

Với việc sở hữu Trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống với diện tích khoảng 500 héc ta và có hơn 10.000 héc ta hợp tác sản xuất lúa giống với nông dân, Lộc Trời cung cấp cho thị trường khoảng 60.000-80.000 tấn lúa giống mỗi năm.

Năm 2017, doanh thu mảng kinh doanh hạt giống của Lộc Trời đạt 805 tỉ đồng trên tổng doanh thu của toàn đơn vị này là hơn 8.982 tỉ đồng. Trong đó, riêng mảng lúa giống đạt doanh số 488 tỉ. Năm 2018, đơn vị này đặt mục tiêu doanh số kinh doanh hạt giống đạt 974 tỉ đồng, trong đó, lúa giống đạt 663 tỉ đồng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới