Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Lỗi kỹ thuật” – chuyện nhỏ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Lỗi kỹ thuật” – chuyện nhỏ?

Vũ Tiến Phúc

(nguồn ảnh: VnExpress)

(TBKTSG) – Trong khi dư luận bức xúc trước phong trào “lai căng” văn hóa và ngôn ngữ, sự lạm dụng quá đáng tiếng Anh trong các hoạt động văn hóa xã hội ở nước ta, đặc biệt trong giới trẻ, thì đối với các hoạt động chính thức ở những nơi và những lúc cần phải dùng tiếng Anh chuẩn mực, không ít trường hợp chúng ta lại gặp phải một thứ tiếng Anh dưới chuẩn mực, không những làm hạn chế kết quả công việc, giảm hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, mà có khi còn phản tác dụng.

Hôm 12-4-2010, báo mạng VN Express đăng ảnh và đưa tin “Lỗi tiếng Anh sơ đẳng trên biển chào khách quốc tế” – đến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội – thay vì viết đúng là “Welcome to ASEAN Vietnam” thì biển chào mừng khổ lớn hàng chục mét vuông treo tại cửa ngõ thủ đô dọc đường Phạm Văn Đồng (nối từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội) lại mắc lỗi sơ đẳng khi viết là “Well come to…”.

Trên mục ý kiến bạn đọc của tờ báo trên về sự kiện này, một bạn đọc, ký tên Thế Hà, viết “Xấu hổ với bạn bè quốc tế quá đi mất, không lẽ không có bộ phận kiểm tra? Muốn làm được việc lớn hãy cẩn thận từ những việc nhỏ nhất”.

Tôi cũng không ít lần từng cảm thấy “xấu hổ với bạn bè quốc tế” như suy nghĩ của bạn Thế Hà, khi chứng kiến cảnh một số “diễn giả” người Việt “múa rìu qua mắt thợ” – trước các quan khách quốc tế – bằng một thứ tiếng Anh “chẳng giống ai” mà không cần biết đến phản ứng của người nghe ra sao.

Vài năm trước, tại hội nghị quốc tế các nhà tài trợ cho Việt Nam tổ chức tại Đà Lạt, khi một quan chức Việt Nam bắt đầu thuyết trình đề tài “Chi tiêu công” (bằng tiếng Anh), thì trên màn hình cũng chiếu bản tóm tắt nội dung để minh họa (bản tài liệu in sẵn cũng đã được phát trước đó cho các đại biểu).

Vừa nhìn thấy tên chủ đề xuất hiện trên màn hình, lập tức các vị khách quốc tế ngồi quanh tôi đều cố nhịn cười khi nhìn dòng chữ “Pubic Expenditure!!” (thay vì viết đúng là “Public Expenditure”). Lúc đó tôi chỉ muốn bật khóc vì xấu hổ cho dân mình, chứ không cười nổi như các quan khách quốc tế.

Giờ giải lao, tôi vội tìm gặp vị quan chức và cầm theo bản tài liệu để chỉ cho ông thấy cái lỗi mà theo tôi là “chết người” này. Lạ thay, ông ta thản nhiên nói: “Lỗi kỹ thuật ấy mà, do đánh máy thiếu một chữ “l” thôi, chứ có gì to tát đâu?”. Tôi hỏi: “Thế anh có biết “pubic” trong tiếng Anh có nghĩa là gì?”. Ông ta lắc đầu. Phải chi ông chịu khó tra từ điển chắc sẽ không dửng dưng như thế và sẽ hiểu vì sao khách quốc tế họ phì cuời khi ông viết thiếu chữ “l” đó!” (Trong tiếng Anh, “public” nghĩa là “công cộng”, còn “pubic”- có nghĩa là “mu” – thuộc về “chỗ kín” trên cơ thể !!!).

Người Anh quả là có lý khi họ có câu tục ngữ “A little knowledge is a dangerous thing” (tạm dịch là “Dốt đặc hơn hay chữ lỏng”) – nghĩa là biết nửa vời về một vấn đề thường tai hại hơn không biết gì hết. Người Việt cũng có câu chí lí: “Điếc không sợ súng”.

Hiện tượng “hay chữ lỏng” nói trên chỉ là một biểu hiện nhỏ của một nhược điểm lớn của người Việt , đó là thiếu “tính chuyên nghiệp” và thói “nửa vời” trong các hoạt động chuyên môn. Điều đáng nói là nhược điểm và thói quen xấu này lại được coi là “chuyện nhỏ” và thường được bỏ qua dưới cái vỏ bọc “lỗi kỹ thuật”- cứ như đó không phải là lỗi do sự yếu kém của con người gây ra. Chẳng thế mà “lỗi kỹ thuật”, như một tế bào ung thư không bị diệt ngay từ đầu, đã lặng lẽ thâm nhập sang tất cả các bộ phận lớn nhỏ trong toàn xã hội.

Hàng ngày chúng ta nhức nhối chứng kiến không xuể các “lỗi kỹ thuật” xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ các công trình đồ sộ như nhà máy lọc dầu, đường cao tốc, cho đến các lĩnh vực quản lý đô thị, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường… kể cả việc xây dựng các trang web của các cơ quan nhà nước.

Nguyên nhân do đâu? Từ lâu đời, người Việt đã có tư tưởng “nhất sĩ”, nghĩa là chỉ coi trọng việc “làm quan”, “làm thầy”, mà coi thường các nghề nghiệp chuyên môn thuần túy. Nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã từng viết (trong “Tỉnh quốc hồn ca”):

Người mình đủ vụng về trăm thức

Lại khoe rằng nhất sĩ tứ dân

Người khanh tướng, kẻ tấn thân

Trăm nghề, hỏi có trong thân nghề nào?”

Từ đó cụ khuyên:

Mau mau học lấy một nghề

Học rồi, ta sẽ đem về dạy nhau”.

Hơn một trăm năm kể từ khi cụ Phan Châu Trinh đưa ra lời khuyên nói trên, người Việt không chỉ học một trăm nghề như mong muốn của cụ, mà là hàng trăm, hàng ngàn ngành nghề mới theo sự phát triển của thời đại. Tuy nhiên, tư tưởng cũ “nhất sĩ”- trọng “quan”, trọng bằng cấp, dù chỉ là hữu danh vô thực, hơn là trọng các nhà chuyên môn thực thụ – vẫn cứ tồn tại dai dẳng trong xã hội. Vì thế, đa số vẫn chạy theo bằng cấp, để “chạy chức”, “chạy quyền” chứ ít người nuôi chí đeo đuổi nghề nghiệp chuyên sâu đến cùng. Hậu quả là xã hội luôn trong tình trạng vừa thừa và thiếu, “thừa thầy, thiếu thợ”, thừa cử nhân, tiến sĩ “dỏm” mà thiếu thợ lành nghề, chuyên gia thực sự tinh thông nghề nghiệp.

Bài học rút ra từ câu chuyện này là: muốn đuổi kịp các dân tộc có trình độ văn minh phát triển hơn chúng ta, thì mọi người không phải chỉ “học lấy một nghề” mà phải thực sự tinh thông nghề nghiệp chuyên môn của mình, và đừng có xem thường “chuyện nhỏ” gọi là “lỗi kỹ thuật”, và hơn nữa, phải biết xấu hổ trước những sai lầm dù “nhỏ” do mình gây ra, như bạn Thế Hà đã viết, vì nếu không làm như vậy thì hãy nhớ đến lời khuyên của Mạnh Tử, nói cách đây hơn 2000 năm: “Không bằng người mà không xấu hổ, thì bằng người sao được”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới