(KTSG Online) – Doanh thu, biên lợi nhuận của phần lớn doanh nghiệp niêm yết tại Mỹ vượt vượt mức cuối năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 ập đến nhờ đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ dựa vào sức chi tiêu bùng nổ của người dân.
Gần hai năm sau khi đại dịch xảy ra khiến nền kinh tế Mỹ chững lại, nhiều công ty đại chúng ở nước này đang ghi nhận các kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay với mức nhuận tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu của hầu hết doanh nghiệp niêm yết đều cao hơn so với trước Covid-19, và thường ở mức cao hơn hẳn.
Cuộc khủng hoảng thiếu tiền mặt mà nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại xảy ra trong năm 2020 đã không trở thành hiện thực, giúp các doanh nghiệp tích trữ được một lượng tiền mặt lớn. Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc năm 2021 ở mức điểm cao gần kỷ lục và ít công ty đại chúng nộp đơn xin phá sản hơn trong năm 2021 so với những năm trước đại dịch.
Lợi nhuận của nhóm 500 công ty đại chúng lớn nhất tăng mạnh
Nhìn chung, biên lợi nhuận trong 12 tháng qua của các công ty đại chúng của Mỹ tăng so với cuối năm 2019, ngay cả khi chi phí kinh doanh tăng, khiến họ phải tăng giá bán sản phẩm. Trong hai năm qua, tăng trưởng biên lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn cao hơn so với nhóm doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ. Theo ước tính của FactSet, lợi nhuận của 500 doanh nghiệp đại chúng lớn nhất Mỹ trong năm 2021 tăng hơn 45% so với năm 2020 và tăng 26% so với năm 2019.
Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng ở Công ty tư vấn Oxford Economics, cho biết thu nhập của người dân Mỹ tăng trong thời kỳ dịch bệnh nhờ các chương trình cứu trợ của chính phủ Mỹ cung cấp nguồn tài chính cho các doanh nghiệp đồng thời tăng trợ cấp thất nghiệp và phát trợ cấp trực tiếp cho người dân. Bà cho rằng điều đó đã thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, giúp doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp đại chúng tăng trưởng mạnh mẽ.
Lợi nhuận và doanh thu của nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn trong chỉ số chứng khoán S&P 500 bị ảnh hưởng ít hơn trong cơn suy thoái kinh tế vào thời kỳ ban đầu của đại dịch. Họ cũng phục hồi nhanh hơn so với nhóm doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ, ngay cả khi tình hình bất ổn ngày càng gia tăng do tốc độ lây lan nhanh của Covid-19, lạm phát tăng phi mã và các vấn đề khác trong chuỗi cung ứng.
Bostjancic nói nhóm doanh nghiệp lớn có thể vượt qua các vấn đề của chuỗi cung ứng dễ dàng hơn họ có quy mô và các nguồn lực bổ sung mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu.
Dữ liệu của Refinitiv cho thấy doanh thu tổng thể của ba nhóm doanh nghiệp đại chúng có quy mô lớn, vừa và nhỏ trên thị trường chứng khoán Mỹ trong quí gần đây đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Thậm chí, tăng trưởng lợi nhuận tổng thể của họ còn mạnh mẽ hơn so với trước đại dịch.
Các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ phục hồi chậm hơn so với nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn. Dù vậy, một số doanh nghiệp nhỏ có khả năng xoay trở rất nhanh để thích ứng với môi trường kinh doanh khó khăn.
Chẳng hạn, doanh thu của Công ty sản xuất đồng hồ nước Badger Meter, có trụ sở ở bang Wisconsin, sụt giảm mạnh ở giai đoạn đầu của đại dịch nhưng phục hồi rất nhanh ngay trong năm 2020 nhờ nhu cầu thiết bị theo dõi đồng hồ nước từ xa cũng như các dịch vụ tự động khác của nhóm khách hàng công ty cấp nước tăng mạnh.
Điều đó giúp biên lợi nhuận ròng của Badger Meter tăng lên mức 11,5% trong năm 2020 và tiếp tục lên mức 11,8% trong năm 2021 dù công ty gặp khó khăn trong việc tìm mua linh kiện điện tử cũng như vật liệu đóng gói. Sau khi nhận diện được các vấn đề trong chuỗi cung ứng nhựa dẻo, Badger Meter nhanh chóng thiết kế lại sản phẩm và tăng giá bán mà không cần phải qua nhiều tầng nấc trong quy trình ra quyết định.
Số doanh nghiệp phá sản giảm so với năm 2019
Ám ảnh bởi cuộc khủng hoảng thiếu dòng tiền xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, nhiều doanh nghiệp đại chúng của Mỹ đã đổ xô huy động tiền mặt sau khi đại dịch ập đến vào đầu năm 2020.
Các doanh nghiệp lớn đã phát hành trái phiếu nợ với trị giá trung bình 123,6 triệu đô la trong 12 tháng trước năm 2021. Năm trước đó, họ chỉ phát hành trái phiếu trung bình 6,4 triệu đô la mỗi doanh nghiệp. Theo dữ liệu từ FactSet, vào năm 2021, họ bắt đầu thanh toán các khoản nợ này, giúp giảm nợ trung bình 24 triệu đô la mỗi doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có vốn hóa trung bình cũng đẩy mạnh vay tiền trong năm 2020 nhưng mức vay thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp lớn. Riêng các công ty vốn hóa nhỏ đã không tăng phát hành trái phiếu nợ họ trong ba năm qua.
Brian Kloss, Giám đốc danh mục đầu tư của Công ty Brandywine Global, cho biết các doanh nghiệp phát hành nợ để đảm bảo có đủ thanh khoản giúp họ tồn tại trong 3-5 tới mà không cần khai thác thị trường nợ.
Giới phân tích cho biết các doanh nghiệp đại chúng đã bắt đầu trả nợ và tiêu tiền mặt, một dấu hiệu cho thấy họ tin rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 đã lùi lại phía sau.
Christopher Smart, Giám đốc chiến lược toàn cầu ở Công ty quản lý đầu tư Barings cho biết: “Điều đáng khích lệ là chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng chi tiêu vốn của các doanh nghiệp. Họ không chỉ mua lại cổ phiếu trên sàn hoặc trả cổ tức cho cổ đông, mà còn tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh, có thể là thông qua các hoạt động thâu tóm và sáp nhập”.
Số lượng doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản trong nhóm doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ và vừa ở Mỹ tăng mạnh trong năm 2020, theo dữ liệu của BankruptcyData. Tuy nhiên, con số này giảm đáng kể trong năm 2021 với số doanh nghiệp đại chúng nộp đơn xin phá giảm về mức tương đương 2/3 trong năm 2019.
Trong số các doanh nghiệp đại chúng có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đô la đến 1 tỉ đô la, có 38 công ty phá sản vào năm 2020, tăng gấp đôi so với hai năm trước đó.
Năm 2020, có 29 vụ phá sản trong số doanh nghiệp đại chúng có doanh thu hàng năm từ 1-10 tỉ đô la, bao gồm Công ty cho thuê xe Hertz, Công ty dầu đá phiến Chesapeake, hãng bán lẻ hàng bách hóa Neiman Marcus. Tuy nhiên, cả ba công ty này đã tái cấu trúc xong và trở lại hoạt động bình thường.
Phần lớn doanh nghiệp đại chúng lớn, có doanh thu hàng năm ít nhất 10 tỉ đô la/năm, tránh được phá sản trong đại dịch. Chỉ có 4 doanh nghiệp lớn nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong hai năm dịch bệnh gồm chuỗi bán lẻ J.C. Penney.
Theo Wall Street Journal