(KTSG Online) – Lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất bán niên năm 2021 đã soát xét của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là 8,3 tỉ đồng, giảm 55% so với báo cáo tự lập.
Kết quả này được HAGL ghi nhận trong bối cảnh lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ đạt mức 108,3 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, giảm 74% so với cùng giai đoạn năm 2020 do không còn hợp nhất lợi nhuận của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) và các công ty con của doanh nghiệp này.
Với hoạt động tài chính, HAGL ghi nhận 90 tỉ đồng lợi nhuận. Trong đó, doanh tài chính của doanh nghiệp đạt mức 486,2 tỉ đồng, tăng 36% so với cùng giai đoạn nhờ ghi nhận hai khoản lãi, gồm: lãi từ thanh lý khoản đầu tư vào HAGL Agrico và lãi từ tiền cho vay. Chi phí tài chính của doanh nghiệp được ghi nhận ở mức 386,2 tỉ đồng giảm 13%.
Về chí phí, chi phí bán hàng của HAGL 48,3 tỉ đồng giảm 78% do không còn hợp nhất chi phí từ nhóm các công ty liên quan tới HAGL Agrico. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp là 142,6 tỉ đồng, giảm 90% do Ban Tổng giám đốc trích lập dự phòng các khoản nợ khó đòi lớn trong quý 2-2021.
Ngoài ra, HAGL còn có một khoản lỗ khác ở mức 216,2 tỉ đồng, tăng 211% do ghi nhận chi phí chuyển đổi một số vườn cây không hiệu quả sang trồng chuối.
Với khoản lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lần lượt ở mức 8,3 tỉ đồng và 18,2 tỉ đồng, lỗ lũy kế của HAGL chỉ còn 7.371,5 tỉ đồng tính tới 30-6-2021, trong khi cùng kỳ năm trước ở mức 7.389,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả nay vẫn khiến kiểm toán viên của Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (E&Y) bày tỏ nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
Bên cạnh khoản lỗ lũy kế, HAGL còn vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay. Cụ thể, diện tích trồng cao su và cọ dầu thực tế được HAGL sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trái phiếu trị giá 5.876 tỉ đồng tại BIDV đang thấp hơn cam kết trong hợp đồng tín dụng. Theo đó, diện tích cam kết lần lượt là 4.853 héc-ta cao su vào 7.102 héc-ta cọ dầu.
Ngoài ra, HAGL chưa tiến hành thanh toán lãi vay phải trả đã đến hạn với tổng giá trị 1.483 tỉ đồng tính tới 30-6-2021.
Phản hồi, ông Võ Trường Sơn – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai – cho biết doanh nghiệp đã có kế hoạch thanh toán những khoản nợ này. Cụ thể, doanh nghiệp đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo, bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai tại ngày lập BCTC hợp nhất.
Ngoài ra, HAGL đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay có liên quan. “Tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo”, ông Võ Trường Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, nguồn thu từ bán trái cây tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu năm 2021 của HAGL. Trong đó, doanh thu từ bán chuối đem lại nguồn thu tiền chính trong ngắn hạn do thời gian kiến thiết cơ bản ngắn, sản lượng thu hoạch cao, giá bán ổn định.
Với khoản lỗ luỹ kế hơn 7.300 tỉ đồng, Hội đồng quản trị (HĐQT) HAGL sẽ thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua phương án sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xử lý lỗ lũy kế. Theo đó, doanh nghiệp dự kiến sử dụng 3.264 tỉ đồng thặng dư vốn cổ phần - được hình thành qua các đợt tăng vốn điều lệ - sẽ được sử dụng để giảm số lỗ lũy kế tương ứng.