(KTSG Online) – Các ngân hàng vẫn ghi nhận bức tranh sáng sủa trong lợi nhuận năm 2022, dù chịu áp lực rất lớn trong quí 4 vừa qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận được dự báo chậm lại đáng kể trong năm nay.
- Ngân hàng 2023 – nhiều thách thức đang chờ đón
- Nan giải tăng trưởng tín dụng
- Ngân hàng báo lãi lớn quí 3, đối mặt chi phí vốn tăng cao quí 4
Ngân hàng vào mùa báo lãi
Các ngân hàng bắt đầu bước vào mùa công bố lợi nhuận. Kết quả kinh doanh bắt đầu "hé lộ" ở nhóm ngân hàng quốc doanh. Trong đó ghi nhận đều vượt kế hoạch đặt ra hồi đầu năm.
Tính riêng BIDV, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ngân hàng này tăng mạnh đạt 23.190 tỉ đồng, tương ứng tăng khoảng hơn 70% so với năm ngoái. Vietcombank cho biết lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng đến hơn 39%. Tại Agribank, ngân hàng cũng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận (khoảng 20.000 tỉ đồng) nhưng chưa rõ con số chính thức. Còn Vietinbank lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ước tăng hơn 20% so với năm trước.
Còn trong báo cáo cập nhật dự báo kết quả kinh doanh mới đây, Công ty chứng khoán SSI dự báo một loạt các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm nay.
Ở khối ngân hàng tư nhân, VPBank vẫn nằm trong tốp đầu về quy mô lợi nhuận với ước tính khoảng với 25.000 tỉ đồng, tăng 73,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhóm ngân hàng tăng trưởng vượt trội gồm ACB, BIDV, Sacombank (quanh 35-50%). Một số khác tăng trưởng phổ biến quanh mức 20-35% như MSB, VIB, HDBank, TPBank.
Trong số này, có thể thấy sự phân hóa trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng ngày càng rõ rệt hơn. Chẳng hạn như MBB hay OCB được dự báo có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận âm.
Đáng chú ý hơn là mới đây, Hội đồng quản trị VietBank giảm kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 gần 27%, xuống mức còn 800 tỉ đồng. Trong báo cáo quí 3, Vietbank ghi nhận lợi nhuận 9 tháng đã đạt 536 tỉ đồng. Điều này cho thấy nhiều nhà băng quy mô nhỏ gặp khó khăn đáng kể trong quí 4 vừa qua.
Kết quả trong quí 4 tệ hơn được cho là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng giảm lãi đáng kể trong năm, dù lợi nhuận năm 2022 được thiết lập nền tảng ở mức cao trong nửa đầu năm ngoái, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt mọi kỷ lục của nhiều năm trước đó.
Tuy nhiên, từ tháng 7 trở đi thì tình hình vĩ mô xấu đi đột ngột. Thị trường không chỉ kẹt tín dụng mà còn kẹt thanh khoản vào quí 4, đặc biệt là với sự kiện ngân hàng SCB.
Nhưng ngược lại thị trường cũng ghi nhận nhiều ngân hàng vẫn báo lãi cao. Một trong những lý do là vì tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng cao, đặc biệt là nhóm ngân hàng quốc doanh.
Theo báo cáo tại hội nghị đầu năm, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư của BIDV tăng 19% trong năm ngoái, còn dư nợ tín dụng tăng 12,65% (cao hơn mức 11,8% của năm trước đó). Còn với Vietcombank, báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng lên đến 19%.
Kết quả kinh doanh của các mảng hoạt động khác cũng được ghi nhận tăng trưởng đáng kể. Như trường hợp Vietcombank, doanh số thanh toán quốc tế tăng 31,8%, thu nhập ngoài lãi tăng 9,2% giúp thu nhập lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39%. Đáng chú ý là ngân hàng này cũng báo NIM (biên lãi ròng, đo lường hiệu quả kinh doanh từ mức lãi suất đầu vào và đầu ra) tăng 0,24 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đạt 3,51%.
Nhìn chung, việc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng vào đầu tháng 12 đã giúp ngân hàng có không gian tăng trưởng tốt hơn đáng kể trong tháng cuối cùng của năm. Dù vậy, các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng mạnh khi lãi suất tăng lên, ảnh hưởng đến quy mô lợi nhuận.
Theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sự phân hóa vẫn đang xảy ra ở nhóm ngân hàng, đặc biệt là có xu hướng các ngân hàng lớn có xu hướng đạt lợi nhuận tốt hơn.
“Điều này vẫn phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi về sự phân hóa trong tăng trưởng lợi nhuận ngành trong năm 2022, chủ yếu do sự khác biệt về danh mục tài sản, tốc độ phục hồi của khách hàng, bộ đệm dự phòng và nền so sánh”, báo cáo chiến lược đầu năm của VDSC nhận định.
Theo kết quả điều tra tình hình kinh doanh các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố đầu năm 2023, đánh giá chung cho thấy nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quí 4 và năm 2022 tiếp tục cải thiện nhưng chưa đạt được mức kì vọng, trong đó nhu cầu vay vốn được nhận định cải thiện rõ nét nhất, đặc biệt là nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.
Các tổ chức tín dụng cũng cho rằng lợi nhuận trước thuế được cho là tiếp tục tăng trưởng nhưng chưa đạt được mức kỳ vọng. Thống kê cho thấy 87% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương.
Kỳ vọng gì cho 2023?
Sau khi thiết lập mức nền lợi nhuận cao trong năm 2022 và được dự báo sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đại hội cổ đông đầu năm đặt ra, bức tranh ngành ngân hàng năm 2023 được kỳ vọng sẽ chậm lại đáng kể.
Trong năm nay, các tổ chức tín dụng cũng tỏ ra thận trọng khi đưa ra dự báo. Có khoảng 95,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện thấp hơn so với năm 2022.
Khối phân tích của VDSC cho rằng áp lực lên ngành ngân hàng chưa kết thúc và hiệu quả kinh doanh ngân hàng có thể thu hẹp vì chi phí vốn tăng. Mặt khác, áp lực khác là thu nhập dịch vụ và thu nhập khác giảm tốc, đặc biệt là phần thu nhập từ hoạt động trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm và kỳ vọng tăng trưởng tín dụng thấp hơn
“Trong nửa đầu năm 2023, NIM khả năng cao vẫn suy giảm do những yếu tố trên nhưng từ giữa năm, có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động”, nhóm phân tích VDSC đánh giá.
Nhìn chung, kịch bản lợi nhuận ngân hàng hiện sẽ còn phụ thuộc lớn vào kịch bản vĩ mô. Các biến số không chỉ là lãi suất và thanh khoản hệ thống, mà còn là mức độ lạm phát và việc xử lý nợ xấu (có độ trễ), nên rất khó để nói được câu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Maybank IB, trong báo cáo mới nhất về ngành, kỳ vọng các ngân hàng Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình khoảng 13% trong năm 2023, tức thấp hơn nhiều so với mức bình quân 35% trong năm 2022 và 32% trong năm 2021.
“Chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại trong năm 2023 so với mức nền cao năm 2022 trước những áp lực đối với NIM và chất lượng tài sản trong trung hạn, trong bối cảnh lãi suất tăng, thị trường vốn và bất động sản thắt chặt hơn”, ông Thành nhận định.
Nắm 2023 tôi mong muốn lãi suất sẽ giảm
Những năm trước đây, hệ thống ngân hàng bị tác động bởi “ngoại thương” (tổn thương từ bên ngoài), ví dụ do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch covid, sự bất ổn từ bên ngoài… Nay thì ngược lại, hệ thống chủ yếu bị tác động bởi “nội thương” (tổn thương từ bên trong). Do vậy, để mặt bằng lãi suất có giảm được hay không, cần phải tập trung chẩn trị căn bệnh từ gốc, từ chính bên trong hệ thống trước đã.