(KTSG Online) - Lợi nhuận ròng tổng hợp của các doanh nghiệp niêm yết Nhật Bản đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái trong ba quí đầu của năm tài chính 2023 kết thúc cuối tháng 3. Một số công ty đại chúng đạt mức tăng lợi nhuận ròng 50-70%. Trong đó, ngành công nghiệp sản xuất ô tô được xem là động lực tăng trưởng chính.
Nhật Bản: doanh nghiệp niêm yết trước áp lực mua thôn tính
Nhật Bản buộc doanh nghiệp niêm yết công bố bằng tiếng Anh
Doanh nghiệp niêm yết Nhật Bản đương đầu áp lực bình đẳng giới
Các phân tích của Nikkei cho thấy, chính sách tăng giá trong nước và xuất khẩu của các doanh nghiệp Nhật cùng các yếu tố vững chắc của kinh tế Mỹ là hai yếu tố giúp các chỉ số lợi nhuận tăng.
Nikkei đã xem xét kết quả công bố đến hôm 7-2 của 285 công ty sản xuất niêm yết trên thị trường Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE). Tổng lợi nhuận ròng trong ba quí đầu năm tài chính 2023 đã tăng hơn 21% lên 12.210 tỉ yen (82,4 tỉ đô la). Đây là mức tăng trưởng cao trong giai đoạn kể từ mức 44% được ghi nhận vào năm 2017, ngoại trừ mức tăng 98% được thấy vào năm 2021 trong bối cảnh đại dịch phục hồi.
Công nghiệp xe là động lực tăng trưởng chính
Ngành công nghiệp xe đang hồi phục sau tình trạng thiếu chip là động lực chính cho tăng trưởng. Lợi nhuận của hãng xe và linh kiện tăng 95% lên 4.550 tỉ yen, chiếm khoảng 40% tổng lợi nhuận của ngành sản xuất.
Dòng xe lai (hybrid) và các mẫu xe lợi nhuận cao của Toyota chạy ở Bắc Mỹ và doanh số của riêng Toyota tăng 9%. Lợi nhuận ròng của Toyota Motor tăng gấp 2,1 lần lên 3.950 tỉ yen. Việc tăng giá dự kiến sẽ nâng lợi nhuận hoạt động của Toyota lên 990 tỉ yen cho cả năm tài chính kết thúc tháng 3 tới.
Ngành công nghiệp máy móc và thiết bị cũng hoạt động tốt với lợi nhuận tăng 33%.
Chuyên cung ứng máy móc thiết bị xây dựng và khai khoáng, Komatsu công bố lợi nhuận kỷ lục trong ba quí ở năm thứ hai liên tiếp với mức tăng 101,5 tỉ yen. Giám đốc tài chính Takeshi Horikoshi cho biết giá máy Komatsu đang tăng ở Bắc, Trung và Nam Mỹ.
Biên lợi nhuận ròng tổng hợp của các nhà sản xuất trong ba quí đầu năm tài chính 2023 đạt 6,8%, cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi giá nguyên liệu thô tiếp tục tăng, các nhà sản xuất đã mở rộng doanh số bán hàng, đặc biệt là ở Bắc Mỹ.
Trong 10 năm qua, biên lợi nhuận ròng trong lĩnh vực sản xuất - chiếm khoảng một nửa lợi nhuận của tất cả các công ty niêm yết. Với mức tăng trưởng dao động trong khoảng 4-5% nhờ doanh thu cao hơn trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và dịch Covid.
Tăng giá nhưng vẫn bán được hàng, lợi nhuận cao
Masahiro Ichikawa của hãng quản lý tài sản Sumitomo Mitsui DS Asset Management nhận định: “Các công ty đang tăng đều đặn khả năng kiếm tiền của mình dù họ phải đối mặt với chi phí gia tăng do lạm phát”.
Trong số 285 công ty, 52% có lợi nhuận tăng trong khoảng thời gian trên với mức tăng 47% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các hãng thực phẩm đạt mức lợi nhuận ròng đến 56%, các hãng kim loại màu tăng 21% và thiết bị điện 3%. Đồng yen mất giá cũng khiến lợi nhuận tăng. Tỷ giá hối đoái trung bình trong thời gian này là khoảng 143 yen cho 1 đô la Mỹ, mất giá khoảng 7 yen.
Giá tăng là một yếu tố chính, thúc đẩy lợi nhuận lên tổng cộng 1.400 tỉ yen của 18 nhà sản xuất có trong Chỉ số chứng khoán Nikkei đã tiết lộ tác động của việc tăng giá tính đến hôm 6-2.
Mitsubishi Heavy Industries đã tăng giá xe nâng, hệ thống sưởi và điều hòa không khí giúp lợi nhuận ròng tăng gấp đôi trong kỳ lên 138 tỉ yen. Panasonic Holdings báo cáo lợi nhuận ròng kỷ lục 399,1 tỉ yen, tăng gấp 2,5 lần do các linh kiện liên quan đến xe hơi tăng cao.
Lợi nhuận ròng trong ba quí của tất cả khoảng 610 công ty niêm yết, bao gồm cả các công ty phi sản xuất, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng các công ty phi sản xuất tăng 23%.
Ngành đường sắt và xe buýt có lợi nhuận tăng 72%, lợi nhuận ngành hàng không tăng gần gấp ba lần nhờ lượng hành khách và du khách đến Nhật Bản tăng sau khi Nhật Bản mở cửa từ tháng 3 năm ngoái.
Nhật Bản đón hơn 25 triệu khách nước ngoài trong năm ngoái, tăng hơn sáu lần con số của năm 2022. Nguồn khách từ Đài Loan và Hàn Quốc bù đắp cho sự vắng bóng của du khách Trung Quốc trong năm ngoái.
ANA Holdings, tập đoàn mẹ của hãng bay All Nippon Airways đã nâng dự báo lợi nhuận ròng cả năm của tập đoàn lên 130 tỉ yen, tăng 45% so với năm trước. Tháng 6 vừa rồi, ANA tăng giá vé máy bay nội địa. Hãng cũng đạt số khách kỷ lục trên các chuyến bay đến và đi Hawaii vào dịp nghỉ Tết Dương lịch.
Đánh giá lại các mảng kinh doanh ở Trung Quốc
Nikkei Asia nói các công ty có tỷ trọng doanh số bán hàng đáng kể sang Trung Quốc đang gặp khó khăn, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng và vốn đầu tư tại đại lục sụt giảm.
Hoạt động kinh doanh thiết bị điều khiển của hãng điện tử Omron sụt giảm do vốn đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến pin và các lĩnh vực khác ở Trung Quốc giảm. Lợi nhuận ròng cho năm kết thúc vào tháng 3 dự kiến sẽ giảm 98%. Chủ tịch Junta Tsujinaga của Omron nói rằng: “Chúng tôi phụ thuộc vào các ngành và thị trường cụ thể, như chất bán dẫn, pin và Trung Quốc”.
Lợi nhuận của Sumitomo Chemical suy giảm do sản xuất dư thừa các sản phẩm hóa dầu ở Trung Quốc. Cùng với sự yếu kém trong hoạt động kinh doanh dược phẩm, Sumitomo dự báo sẽ lỗ ròng 245 tỉ yen trong năm tài chính 2023. Masashi Akutsu của BofA Securities cho biết: “Ngành công nghiệp hóa chất đang bị Trung Quốc tấn công trực tiếp và không có dấu hiệu chạm đáy”.
Nhà đầu tư cổ phiếu cũng có nhiều lựa chọn hơn. Cổ phiếu của Toyota đã nhanh chóng đạt 3.364 yen, tăng 7% sau khi Toyota công bố kết quả kinh doanh. Toyota cũng thông báo sẽ điều chỉnh lại dự báo thu nhập của hãng, khiến nhà đầu tư thêm phấn thích.
Với tình hình sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc không chắc chắn, các doanh nghiệp Nhật Bản buộc phải xem xét lại chiến lược toàn cầu. Shingo Ide thuộc Viện nghiên cứu NLI cho biết: “Các công ty Nhật Bản sẽ tiếp tục rời xa hơn chuỗi cung ứng Trung Quốc, bao gồm cả việc đánh giá lại hoạt động sản xuất tại đại lục”.