(KTSG Online) – Lợi nhuận của hãng điện tử Samsung (Hàn Quốc) suy giảm lần đầu tiên trong 3 năm trong một dấu hiệu cho thấy ngành chip đang bước vào cơn suy thoái khi nhu cầu các thiết bị điện tử suy yếu rõ rệt.
- Samsung xem điện thoại màn hình gập là 'chiến binh' trong cuộc đua smartphone
- Samsung sản xuất thử sản phẩm bán dẫn tại Việt Nam
Hôm 7-10, Samsung, nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới, ước tính lợi nhuận hoạt động trong ba tháng tính đến cuối tháng 9 đạt mức 10,8 nghìn tỉ won (7,7 tỉ đô la Mỹ), giảm 32% so với một năm trước đó, đánh dấu sự sụt giảm lợi nhuận đầu tiên kể từ năm 2020. Con số lợi nhuận theo ước tính của Samsung thấp hơn mức dự báo 12,1 nghìn tỉ won của Bloomberg.
Doanh thu của Samsung trong quí vừa qua đạt 76 nghìn tỉ won, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng.
Trong những tuần gần đây, các nhà sản xuất chip nhớ trên toàn cầu ghi nhận họ đang phải đối mặt với một thị trường khó khăn hơn khi hàng tồn kho tăng lên và các đơn đặt hàng đang bị cắt giảm bởi các trung tâm dữ liệu cũng như các khách hàng công nghệ tiêu dùng trong bối cảnh nhu cầu máy tính cá nhân và điện thoại thông minh (smartphone) yếu hơn dự kiến.
Micron Technologies của Mỹ và Kioxia Holdings của Nhật Bản đã thông báo cắt giảm chi tiêu để ứng phó tình trạng dư thừa nguồn cung. Hôm 6-10, Advanced Micro Devices (AMD), một nhà sản xuất chip khác của Mỹ, cũng cắt giảm ước tính doanh thu quí 3 khoảng 1,1 tỉ đô la Mỹ so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 8.
Giám đốc điều hành AMD, Lisa Su nói: “Điều kiện kinh tế vĩ mô xấu khiến nhu cầu máy tính cá nhân thấp hơn dự kiến, do vậy, hàng tồn kho bị điều chỉnh giảm đáng kể”.
“Tốc độ giảm nhu cầu đối với smartphone, máy tính cá nhân và tivi diễn ra rất nhanh vì những khó khăn của nền kinh tế vĩ mô. Và tốc độ giảm đơn đặt hàng chip còn nhanh hơn vì lượng hàng tồn kho cao ”, Choi Do-yeon, nhà phân tích tại Công ty Shinhan Securities, cho biết.
Tuy nhiên, Samsung vẫn chưa xem xét việc cắt giảm sản lượng chip nhớ, một lãnh đạo của Samsung cho biết vào đầu tuần này.
Kyung Kye-hyun, người đứng đầu mảng kinh doanh bán dẫn của Samsung, dự báo thi trường chip nhớ vẫn trì trệ cho đến cuối năm sau. Gần đây, ông đã nói với các nhân viên tại một sự kiện nội bộ rằng doanh thu mảng chip của Samsung trong nửa cuối năm sẽ thấp hơn 32% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4.
Theo Song Myung-sup, nhà phân tích của Công ty HI Investment & Securities, do nhu cầu yếu rõ rệt, khách hàng bắt đầu giảm hàng tồn kho từ cuối quí 2-2022. Ông lưu ý giá chip nhớ Nand và Dram đã giảm 15% trong quí 3. Ông nói: “Ngoại trừ một số công ty công nghệ lớn, khách hàng đang giảm đơn đặt hàng chip của họ dù giá đã giảm mạnh”.
Triển vọng kinh doanh ảm đạm đã khiến cổ phiếu Samsung giảm khoảng 30% trong năm nay.
Park Yuak, một nhà phân tích tại Công ty Kiwoom Securities, nói: “Ngành công nghiệp bán dẫn bị xáo động bởi sự điều chỉnh hàng tồn kho đột ngột của khách hàng trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng xấu. Giá chip trong nửa cuối năm sẽ thấp hơn nhiều so với mức dự kiến mặc dù việc điều chỉnh hàng tồn kho có thể sẽ kết thúc vào quí đầu tiên của năm tới”.
Các rủi ro địa chính trị là là mối âu lo khác của các nhà sản xuất chip. Washington dự kiến công bố những hạn chế mới đối với các nhà sản xuất chip nhớ ở Trung Quốc vào cuối tuần này nhằm hạn chế những tiến bộ công nghệ của Bắc Kinh.
Động thái đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty chip Hàn Quốc tại Trung Quốc, các nhà phân tích cho biết.
Samsung có một nhà máy sản xuất chip nhớ Nand ở TP. Tây An, trong khi SK Hynix điều hành một nhà máy chip Dram ở TP. Vô Tích và một nhà máy chip Nand ở Đại Liên mà công ty này đã mua lại từ Intel hai năm trước.
Các công ty Hàn Quốc gần đây đã công bố một loạt kế hoạch xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ để tận dụng các ưu đãi dành cho ngành công nghiệp trong Đạo luật CHIPS và Khoa học mà Tổng thống Joe Biden ký ban hành hồi đầu tháng 8
Heo Pil-Seok, Giám đốc điều hành Công ty Midas International Asset Management ở Seoul, nói: “Chu kỳ suy giảm của ngành chip không chỉ đơn thuần được thúc đẩy bởi các động lực cung và cầu điển hình. Điểm khác biệt so với các chu kỳ trước là các rủi ro địa chính trị. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của chính phủ Mỹ sẽ hạn chế hơn nữa doanh số bán hàng công nghệ thông tin của Mỹ ở Trung Quốc và sẽ khiến phần lớn nhu cầu chip suy yếu. Nếu các hãng chip của Mỹ như AMD, Nvidia không thể bán chip của họ ở Trung Quốc, thu nhập của họ sẽ còn giảm sút hơn nữa ”.
Dù vậy, các nhà phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley trong tuần này dự báo lĩnh vực bán dẫn sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023.
Theo Bloomberg, Financial Times