Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đạt 7.000 tỉ đồng trong quí 1-2021

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đạt 7.000 tỉ đồng trong quí 1-2021

Hoàng Thắng

(KTSG Online) - Doanh thu và lợi nhuận sau thuế qúi 1-2021 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát lần lượt đạt mức 31.000 tỉ đồng và 7.000 tỉ đồng, theo ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn.

Lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đạt 7.000 tỉ đồng trong quí 1-2021
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: H. Thắng.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 của Công ty cổ phần Hòa Phát, ông Trần Đình Long cho biết doanh nghiệp ghi nhận doanh thu ở mức 31.000 tỉ đồng tính tới hết qúi 1-2021, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2020.

Còn lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp là 7.000 tỉ đồng, cao hơn ba lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 6.500 tỉ đồng, còn lợi nhuận từ thoái vốn công ty nội thất chỉ ở mức 500 tỉ đồng, theo ông Long.

Lý giải quyết định thoái vốn tại công ty nội thất, ông Trần Đình Long cho biết hiện hiệu quả kinh doanh của lĩnh vực này hấp hơn nhiều so với lĩnh vực sản xuất thép.

“Hoạt động kinh doanh, kiểm soát với ngành nội thất rất phức tạp do có hàng nghìn mã hàng, trong khi ngành thép chỉ có một vài mã hàng. Ngoài ra, lợi nhuận công ty nội thất năm vừa qua chỉ ở mức 200 tỉ đồng, còn công ty thép có lợi nhuận lên tới 20.000 tỉ đồng nhờ sở hữu máy móc và thiết bị công nghệ cao, dù cả hai cùng có 2.000 cán bộ nhân viên”, ông Long nói tại ĐHĐCĐ.

Với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 lần lượt ở mức 120.000 tỉ đồng và 18.000 tỉ đồng, Hòa Phát đã hoàn thành 25,83% kế hoạch doanh thu và 38,83% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Dự báo triển vọng kinh doanh năm 2021, ông Trần Đình Long cho biết lợi nhuận các quý sau sẽ "Tốt hoặc rất tốt", vì kết quả qúi 1 của Hoà Phát được ghi nhận trong bối cảnh tốc độ tiêu thụ sản phẩm trong tháng 1 và tháng 2-2021 ở mức thấp.

Với cổ tức, HĐQT Hòa Phát đã trình và được cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 40%, gồm: 5% tiền mặt, 35% cổ phiếu. Thời gian thực hiện chia cổ tức là qúi 2 và 3-2021.

Tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 dự kiến tương tự năm 2020.

Với dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, HĐQT Hòa Phát cho biết dự án có diện tích dự kiến 283,73ha, nằm trên địa phận xã Bình Đông và xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến là 85.000 tỉ đồng, gồm: 70.000 tỉ đồng vốn cố định, 15.000 tỉ đồng vốn lưu động – cao hơn 15.000 tỉ đồng so với mức dự kiến trước đó.

Công suất dự án dự kiến là 5,6 triệu tấn một năm. Trong đó, công suất dự kiến của sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) là 4,6 triệu tấn – tăng 1,3 triệu tấn so với mức dự kiến trước đó, còn công suất dự kiến của sản phẩm thép thanh, thép dây chất lượng cao là 1 triệu tấn.

Dự án được kỳ vọng sẽ xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng.

Lý giải điều này, ông Trần Đình Long cho biết sản lượng HRC của Việt Nam là khoảng 12 triệu tấn trong năm 2020, trong khi Hòa Phát và Formosa mới sản xuất được 8 triệu tấn. Vì vậy, HĐQT Hòa Phát quyết định thực hiện đầu tư giai đoạn 2 của dự án để tận dụng thời cơ kinh doanh.

“Hiện mỗi tháng Hòa Phát sản xuất 250.000 - 300.000 tấn HRC nhưng nếu có 1 triệu tấn cũng bán hết”, ông Long nhấn mạnh.

Về nguồn vốn đầu tư dự án, ông Trần Đình Long cho biết Hòa Phát đã đàm phán với hai tổ chức tài chính để thu xếp vốn.
"Cổ đông không phải bỏ thêm tiền ra đâu", ông Long nói.

Với lĩnh vực sản xuất container, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết Trung quốc hiện chiếm 90% sản lượng containier của thế giới. Việc Hòa Phát tham gia vào lĩnh vực này sẽ thuận lợi vì có sẵn nguồn nguyên liệu từ dự án Dung Quất với chi phí sản xuất hợp lý.

“Sản xuất vỏ chủ yếu 60-70% phụ thuộc vào thép đặc biệt, kháng thời tiết. Giá thép này sẽ 60% giá thành sản phẩm. Do đó, tập đoàn có thể tận dụng lợi thế từ Dung Quất trong dài hạn”, ông Long cho biết.

Với lĩnh vực nông nghiệp, HĐQT Hòa Phát đặt mục tiêu đạt sản lượng tối đa công suất thiết kế là 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi một năm, 500.000 đầu heo thương phẩm một năm, 250.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch một năm vào năm 2022. Điều này – theo đại diện doanh nghiệp – sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng quy mô lớn, hiện đại, an toàn sinh học và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Hòa Phát định hướng phát triển theo chuỗi 3F (Feed - Farm - Food), nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất.

Trước đó, bò Úc của Hòa Phát chiếm thị phần số một trên thị trường tỷ trọng hơn 50% tính tới cuối năm 2020. Tương tự, mặt hàng trứng gà sạch của doanh nghiệp dẫn đầu về sản lượng ở khu vực phía Bắc với 550.000 quả một ngày.

Với lĩnh vực bất động sản công nghiệp, HĐQT Hòa Phát rằng việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư sản xuất từ Trung Quốc và một số quốc gia khác đã, đang tạo ra cơ hội phát triển mới cho các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam. Theo đó, KCN Phố Nối A và Hòa Mạc đang đón các nhà đầu tư mới.

“Để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, KCN Phố Nối A đang thực hiện thủ tục đầu tư mỏ rộng về phía Đông, KCN Yên Mỹ II được mở rộng giai đoạn 2 thêm hơn 200ha”, HĐQT Hoà Phát cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới