Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lợi nhuận từ “lướt sóng” chứng khoán chỉ là nhất thời!

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhà đầu tư cần lưu ý rằng những doanh nghiệp có lợi nhuận lớn không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi thì thường chỉ mang tính thời điểm và thiếu tính bền vững.

Trong quí 3-2021, Công viên nước Đầm Sen đã bán khoảng 1,24 triệu cổ phiếu VietABank đưa doanh thu tài chính công ty lên gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái với gần 21 tỉ đồng. Ảnh: H.P

Lãi lớn không phải từ hoạt động cốt lõi

Khép lại quí 3-2021, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng và kéo dài, các chỉ số kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy vậy, có một điểm đáng chú ý trong bức tranh chung là khá nhiều doanh nghiệp đã dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư chứng khoán và thu về mức lãi hàng trăm tỉ đồng, bù đắp cho sự sụt giảm nghiêm trọng của lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Trường hợp điển hình đầu tiên là Công viên nước Đầm Sen (DSN). Số liệu tài chính cho thấy tình hình kinh doanh của DSN đã lao dốc mạnh từ năm 2020 nhưng sang quí 3-2021, do dịch Covid-19 nghiêm trọng phải đóng cửa xuyên suốt, doanh thu trong kỳ của công ty này chỉ đạt 420 triệu đồng trong khi vẫn phải đóng hàng loạt chi phí khiến mảng kinh doanh chính thua lỗ nặng nề.

Dù vậy, điểm sáng của DSN trong quí 3 đến từ doanh thu tài chính, cao gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái với gần 21 tỉ đồng. Nhờ đó, DSN vẫn báo lãi trước thuế 14,7 tỉ đồng và lãi sau thuế 12,6 tỉ đồng. Tính đến thời điểm 30-9-2021, DSN đang sở hữu 878.000 cổ phiếu VietABank trong khi con số đầu quí 3 là 2,12 triệu đơn vị. Như vậy, trong quí vừa qua, DSN đã bán ra khoảng 1,24 triệu cổ phiếu VietABank. Giá gốc của số cổ phiếu này chỉ là 3.340 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá trên sàn hiện nay khoảng 17.000 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư vẫn nên lựa chọn doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt, sức khỏe tài chính lành mạnh, có lợi thế cạnh tranh hoặc đầu ngành, định giá cổ phiếu không quá cao, thay vì lướt sóng các mã cổ phiếu mà kết quả kinh doanh đột biến vì các yếu tố mang tính ngắn hạn.

Điều này diễn ra tương tự tại Công ty cổ phần Sam Holdings (SAM) - một doanh nghiệp chuyên sản xuất, mua bán các loại cáp, vật liệu viễn thông, vật liệu dân dụng với sản phẩm là dây đồng, ống nhựa các loại và kinh doanh bất động sản, sân golf…

Trong quí 3, SAM ghi nhận 381,2 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 27%; lãi gộp 7,2 tỉ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 98,6 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ nên SAM lãi ròng 48 tỉ đồng, tăng 16%. Tại thời điểm cuối tháng 9, chứng khoán kinh doanh của SAM ghi nhận hơn 193 tỉ đồng, gấp gần 3 lần hồi đầu năm. Trong đó, SAM đang đầu tư các mã cổ phiếu lớn như VHM, FPT, HSG, HPG, HCM và ba cổ phiếu ngành ngân hàng là ACB, CTG, STB (đầu năm không ghi nhận các khoản đầu tư này).

Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) mới đây cũng công bố kết quả kinh doanh quí 1 niên độ tài chính 2021-2022 (1-7-2021 đến 30-6-2022) với lãi ròng 195 tỉ đồng, tăng 98% so cùng kỳ. Kết quả đi lên phần nhiều nhờ khoản thu tài chính cao bất thường 346 tỉ đồng. Theo thuyết minh của SBT, khoản thu tài chính cao bất thường 346 tỉ đồng phần lớn do công ty lãi kinh doanh hợp đồng tương lai đến 241 tỉ đồng (cùng kỳ không có khoản này).

Hay như Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Công ty cổ phần (Seaprodex - SEA), báo cáo tài chính công ty mẹ quí 3 ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm gần 50% so với quí 3-2020, xuống 22,1 tỉ đồng; lợi nhuận gộp giảm 32,5%, chỉ còn 7,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, SEA ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính chủ yếu là cổ tức và lợi nhuận được chia 160 tỉ đồng, tăng mạnh 3 lần so với con số của cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp lớn nhất là việc SEA nhận cổ tức từ công ty liên kết - Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc với giá trị 156 tỉ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế đạt 162 tỉ đồng, gấp 15,5 lần cùng kỳ.

Sự đột biến chỉ mang tính thời điểm!

Có thể nói, trong hai năm trở lại đây chứng khoán đã trở thành từ khóa đầu tư phổ biến trong tâm lý của người Việt Nam, bên cạnh vàng và bất động sản. Không chỉ định tính, số liệu định lượng cũng minh chứng cho điều này khi số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường liên tục phá kỷ lục.

Nếu như năm 2020, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến 400.000 tài khoản mở mới, thì sang chín tháng đầu năm 2021 đã chứng kiến kỷ lục mới với 1 triệu tài khoản, vượt cả số lượng tài khoản mở mới trong 19 năm qua. TTCK theo đó liên tục bứt phá về thanh khoản, dù có nhiều biến động nhưng VN-Index cũng lần lượt chinh phục những mốc mới. Trong bối cảnh sôi động của thị trường, việc nhiều doanh nghiệp dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư và ghi nhận khoản lãi không nhỏ từ danh mục của mình là điều không quá bất ngờ.

Việc tận dụng thị trường chứng khoán để kiếm lời trong bối cảnh sản xuất bị đình trệ do những lần giãn cách xã hội kéo dài theo chỉ thị 15, 16 cũng được xem là bước đi nhanh nhạy, kịp thời, giúp nhiều doanh nghiệp trụ vững qua mùa bão Covid-19. Song, tham gia TTCK thực tế không phải dễ dàng, có nhiều đơn vị vẫn chưa hái “quả ngọt” từ danh mục của mình. Đơn cử, từng lãi đậm và có sự chuyển đổi khẩu vị trong quí 3 năm nay, Vĩnh Hoàn (VHC) phải trích lập dự phòng hơn 7 tỉ đồng. VHC hiện nắm giữ hai mã cổ phiếu CTG của VietinBank với giá gốc gần 29 tỉ đồng và DXS của DatXanh Services với giá gốc hơn 38 tỉ đồng. So với thời điểm quí 2, VHC đã bán toàn bộ số lượng cổ phiếu KBC.

Gây chú ý nhất phải kể đến Thaiholdings (THD). Danh mục của đơn vị này vào thời điểm cuối quí 3 đang “gồng lỗ” gần 124 tỉ đồng khi toàn bộ danh mục ngắn hạn đều là cổ phiếu ngành ngân hàng gồm LPB, STB, CTG, MBB. Trong đó, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank có tỷ trọng lớn nhất với hơn 955 tỉ đồng theo giá gốc (chiếm 98%).

Báo cáo cũng cho biết giá trị hợp lý của số cổ phiếu này là gần 833,3 tỉ đồng, tức nhóm Thaiholdings lỗ hơn 122 tỉ đồng riêng với khoản đầu tư vào LPB. Tính theo giá đóng cửa ngày 30-9 (21.650 đồng/cổ phiếu), lượng cổ phần LPB do nhóm Thaiholdings đạt xấp xỉ 38,5 triệu đơn vị, tương đương gần 3,2% vốn LienVietPostBank. Trong đó, công ty mẹ sở hữu 22,4 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 1,86%.

Trên thực tế, việc “lướt sóng” cổ phiếu và thu được các khoản lợi nhuận lớn là điều đáng khích lệ đối với doanh nghiệp. Tuy vậy, đối với các nhà đầu tư, cần lưu ý rằng những doanh nghiệp có lợi nhuận lớn không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi thì thường chỉ mang tính thời điểm và thiếu tính bền vững. Do đó, các nhà đầu tư vẫn nên lựa chọn doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt, sức khỏe tài chính lành mạnh, có lợi thế cạnh tranh hoặc đầu ngành, định giá cổ phiếu không quá cao, thay vì lướt sóng các mã cổ phiếu mà kết quả kinh doanh đột biến vì các yếu tố mang tính ngắn hạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới