Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lối ra cho lương tối thiểu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lối ra cho lương tối thiểu

Đá Bàn

(TBKTSG) - (Nhân đọc chuyên đề “Lương tối thiểu và cuộc sống công nhân”, TBKTSG số ra ngày 20-1-2011)

Lương tối thiểu được hiểu là mức lương đủ đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu của người lao động. Thế nhưng, trên thực tế, lương tối thiểu và thực tiễn cuộc sống vẫn còn khoảng cách, dù những năm gần đây Nhà nước liên tục tăng mức lương này.

Hiện nay, vẫn còn sự phân biệt giữa lương tối thiểu của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo lộ trình, sự phân biệt này sẽ dần được xóa bỏ trong năm tới.

Vấn đề hiện nay là phải làm sao xây dựng mức lương tối thiểu phù hợp với nhu cầu thực tế ở thời điểm công bố như quy định tại điều 56 Bộ luật Lao động: “Mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng...”.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là, trong nền kinh tế thị trường, tiền lương không thể áp đặt mà phải theo hướng thị trường - hình thành trên cơ sở mức sống, quan hệ cung cầu lao động và thỏa ước lao động tập thể.

Để thoát ra khỏi giới hạn ngân sách khi quỹ lương hiện đã chiếm trên 30% tổng chi ngân sách và bằng 60% của chi thường xuyên là điều rất khó khăn (dù nhu cầu tăng lương cho cán bộ công chức là hết sức cấp bách) nhưng vẫn có thể thực hiện được.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải thu nhỏ bộ máy hành chính, cắt giảm biên chế những người ăn bám vào ngân sách đồng thời gia tăng năng lực quản lý các nguồn thu, chi ngân sách. Nếu làm được điều này, không chỉ sẽ thực hiện được việc tăng mức lương tối thiểu mà còn có thể giảm thiểu được sự nhũng nhiễu trong hàng ngũ cán bộ công chức.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn lương tối thiểu sát với thực tế. Theo lãnh đạo của Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM, hiện mức lương trung bình của người lao động ở đây đã trên 2 triệu đồng/tháng. Nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại đây vẫn muốn tăng lương tối thiểu. Lý do, doanh nghiệp muốn thắng trong cuộc cạnh tranh thu hút lao động thì phải tăng lương. Nhưng nếu tăng lương thì họ lại khó trả lời với công ty mẹ ở nước ngoài do lương tối thiểu quá thấp so với thực tế.

Ngoài ra, lương tối thiểu thấp hơn lương thực tế cũng là một bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước khi thương lượng bán hàng cho nước ngoài vì các đối tác thường dựa vào mức lương quy định chung của Nhà nước để tính ra đơn giá. Vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp đều mong muốn mức lương tối thiểu tiệm cận với mức lương thực tế mà doanh nghiệp đang trả.

Hiện lương tối thiểu đang áp dụng chung cho cả doanh nghiệp lẫn cả khối hành chính sự nghiệp nên mỗi khi tính toán tăng lương thì Nhà nước lại phải nghĩ đến chuyện thâm hụt ngân sách, dẫn đến việc lương tối thiểu trong doanh nghiệp cũng tăng chậm. Do đó, nên tách hai mức lương này để có thể linh hoạt hơn trong điều chỉnh, nếu vấn đề ngân sách chậm được giải quyết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới