Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lối ra nào cho các khiếu kiện về đền bù đất đai?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lối ra nào cho các khiếu kiện về đền bù đất đai?

Những vụ khiếu kiện vượt cấp của một số người dân có đất bị thu hồi, cuối cùng, lại được trả về cho các địa phương. Các cấp chính quyền sở tại cam kết sẽ giải quyết một cách hợp lý và công bằng yêu cầu của bà con. Cứ tin rằng chính quyền sẽ làm hết sức mình để giữ lời hứa; nhưng, trong khung cảnh pháp lý hiện tại, không có gì bảo đảm rằng người dân sẽ không lặp lại việc khiếu kiện vượt cấp, nhất là sau một thời gian “đối thoại” với nhà chức trách mà chẳng đi đến đâu.

Kịch bản của các cuộc đôi co giữa người đền bù và người được đền bù đã quá quen thuộc, trở nên đơn điệu: một bên cho rằng mình đã cố gắng đền bù thỏa đáng và đúng luật; bên kia thì cứ nằng nặc đòi hỏi sự sòng phẳng, công bằng trong việc đền bù, mà họ cho là chưa có.

Thực ra, chuyện những người đối mặt với nhau, trong quá trình trao đổi lợi ích, không tìm được tiếng nói chung là chuyện rất bình thường trong cuộc sống dân sự. Điều không bình thường chính là việc duy trì quá lâu cơ chế giải quyết rất luẩn quẩn, bế tắc đối với những bất đồng phát sinh trong lĩnh vực đền bù và giải tỏa. Chính cơ chế đó đã khiến nhiều người dân có cảm giác bị dồn ép, để rồi, đến khi bức xúc không chịu nổi, lại khăn gói đi tìm công lý ở cấp cao. Người dân không cần một quy tắc đẹp, nhưng vô nghĩa, thậm chí trái với luật chung kiểu như, theo một điều khoản của Luật Đất đai, “khu tái định cư… phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Vô nghĩa, bởi, không có căn cứ khách quan nào được xây dựng trong luật để đánh giá chất lượng của các phương án tái định cư, trong mối quan hệ so sánh với các điều kiện ăn ở trước đây của người được đền bù; trái với luật chung, vì luật chung chỉ cho phép người bị thiệt hại vật chất đòi trả lại cho mình những gì đã mất, không ít hơn, nhưng cũng không nhiều hơn.

Vả lại, thiệt hại phát sinh do việc thu hồi một vùng đất không phải là một thứ thiệt hại tập thể, cũng không phải là một tập hợp các thiệt hại của những cá thể có đất bị thu hồi, có tài sản bị giải tỏa. Người bị thiệt hại vật chất trước hết là một chủ thể độc lập, riêng biệt của quan hệ pháp luật. Có tài sản riêng, chủ thể, một mặt, có quyền thực hiện quyền sở hữu của mình, mặt khác, không có quyền tự ý can thiệp vào việc thực hiện quyền sở hữu của chủ thể khác. Tất nhiên, người bị thiệt hại có thể ủy thác cho người khác thay mặt mình kiện cáo hoặc thương thảo về việc bồi thường cho mình. Nhưng, nếu họ không thích, thì luật không thể buộc họ sử dụng quyền đó.

Cũng theo luật chung, người có trách nhiệm bồi thường phải thương lượng với những người được bồi thường, từng người một, về mức bồi thường dành cho mỗi người. Nếu người được đền bù chấp nhận đề nghị của người đền bù, thì việc bồi thường thiệt hại coi như thỏa đáng đối với người đó. Còn nếu người được đền bù không chấp nhận, thì việc bồi thường thỏa đáng phải là kết quả sự phân xử của một người thứ ba, vô tư và có đủ công tâm, đảm nhận chức năng trọng tài của hai bên, chứ không thể do bên kia chủ động áp đặt. Trong trường hợp có nhiều người được bồi thường không chấp nhận phương án do người bồi thường đề nghị với riêng mình, thì người thứ ba xem xét và xử lý từng vụ một, riêng biệt.

Rõ hơn, việc ấn định mức bồi thường trong trường hợp có tranh chấp phải là việc của tòa án. Trong nhà nước pháp quyền, chỉ cơ quan xét xử nhân danh nhà nước mới là người duy nhất được giao nói tiếng nói của công lý. Cơ quan này cũng là người duy nhất có thẩm quyền ra bản án, theo đúng thủ tục tố tụng, chỉ rõ ứng xử mà các bên phải theo và, bằng cách đó, buộc một xung đột bất kỳ trong cuộc sống dân sự phải dừng lại, chấm dứt, chứ không được kéo dài lê thê.

Trong luật hiện hành, mức đền bù được ấn định theo thủ tục hành chính và thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân. Có nhiều chủ thể tham gia vào thủ tục này, nhưng nhân vật trung tâm, có quyền hạn lớn nhất, là “tổ chức chịu trách nhiệm bồi thường và giải phóng mặt bằng”. Cả ủy ban nhân dân và tổ chức này đều là các cơ quan hành chính nhà nước và, trong chừng mực nào đó, được coi là đại diện người thụ hưởng việc thu hồi đất. Luật có nhắc đến vai trò của người được đền bù, hai lần, trong khuôn khổ thủ tục ấn định mức bồi thường: một lần, thông qua người đại diện, họ tham gia xây dựng phương án bồi thường; lần thứ hai, với tư cách người dân, họ góp ý đối với phương án bồi thường được công bố. Cả hai lần, người được đền bù đều được trông đợi góp phần hoàn thiện toàn bộ phương án bồi thường, chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi những gì liên quan đến thiệt hại của riêng mình.

Chưa bàn tới chuyện không có một biện pháp nào được luật dự kiến nhằm bảo đảm sự nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân. Phải nói ngay rằng việc buộc người dân cử đại diện tham gia xây dựng phương án bồi thường là sự vi phạm các quyền cơ bản của chủ thể trong quan hệ ứng xử xã hội; còn việc để người dân góp ý cho phương án bồi thường, cho thấy người làm luật đã không nhận ra được tính chất độc lập, riêng biệt của những thiệt hại vật chất mà mỗi người dân gánh chịu do việc thu hồi đất.

Không hẳn người làm luật đất đai đã đứng về phía người thụ hưởng việc thu hồi đất khi xây dựng chế độ pháp lý về đền bù và giải tỏa. Song ít nhất, có thể nói người làm luật đất đai đã không tôn trọng các nguyên tắc của luật chung khi xây dựng các chuẩn mực điều chỉnh mối quan hệ của những người có liên quan trong khuôn khổ thủ tục ấn định mức bồi thường.

Việc người dân quay lưng và đi gõ cửa kiện cáo không đúng chỗ, suy cho cùng, chỉ theo logic phản ứng tự nhiên của một người không có tiếng nói trong cuộc tranh chấp lợi ích.

TS. Nguyễn Ngọc Điện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới