(KTSG Online) – Một số nhà kinh tế nhận định, đà tăng vọt của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài có tác dụng thắt chặt các điều kiện tài chính tương đương 2-3 đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Đó là lý do khiến họ tin Fed có thể đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất lịch sử.
- Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt, đe dọa thị trường chứng khoán
- Làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ trên toàn cầu chưa hạ nhiệt
Trong suốt hơn một năm qua, các quan chức Fed luôn cảnh báo họ có thể phải duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn các nhà đầu tư dự kiến để kiểm soát lạm phát.
Đà tăng nhanh chóng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, lên khoảng 5% từ mức 4% vào đầu tháng 8, cho thấy Phố Wall thể hiện sự đồng tình với quan điểm của Fed. Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, kéo tăng chi phí vay đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ theo những cách có thể cho phép Fed tạm dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ lịch sử.
Khi sự kiên cường của nền kinh tế Mỹ có nguy cơ kìm hãm những tiến bộ trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát gần đây, tác động từ lợi suất cao hơn của trái phiếu chính phủ đối với nền kinh tế Mỹ sẽ trở thành chủ đề nổi bật trong các cuộc thảo luận tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed bắt đầu vào ngày 31-10.
Sau khi nâng lãi suất chuẩn lên mức cao nhất trong 22 năm hồi tháng 7, Fed dự kiến không tăng lãi suất thêm trong tuần này. Kể từ tháng 3-2022, Fed đã tăng chi phí vay với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập niên để kiềm chế lạm phát dai dẳng.
Nhưng lợi suất cao của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể thắt chặt các điều kiện tài chính thông qua việc khiến mức định giá cổ phiếu thấp hơn, đồng đô la mạnh hơn và chênh lệch nới rộng hơn giữa lợi suất trái phiếu chính phủ và lãi suất cho vay tư nhân.
Mức độ lãi suất tăng cao hơn làm chậm nền kinh tế phụ thuộc vào lý do tại sao tăng. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có thể tăng vì nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ phải tăng chi phí vay thêm nữa để giảm lạm phát hoặc vì họ kỳ vọng lạm phát sẽ tăng.
Nếu lợi suất cao hơn đang thắt chặt các điều kiện tài chính vì nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ phải tăng lãi suất cao hơn, thì Fed sẽ phải hành động như vậy, nếu không, có nguy cơ khiến các điều kiện tài chính nởi lỏng, từ đó, có thể thúc đẩy lạm phát.
Nhưng các quan chức Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, không nghĩ đó là nguyên nhân dẫn đến đợt bán tháo trái phiếu gần đây trên thị trường (lợi suất tăng khi trái phiếu bị bán mạnh).
Điều đó cho thấy lợi suất tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng của cái gọi là phần bù rủi ro kỳ hạn (term premium), tức khoản lợi tức bổ sung mà nhà đầu tư yêu cầu khi nắm giữ các khoản đầu tư dài hạn. Powell thừa nhận, phần bù rủi ro kỳ hạn cao để nắm giữ trái phiếu chính phủ dài hạn có thể thay thế cho việc Fed tăng lãi suất ngắn hạn.
“Thị trường trái phiếu đang thực hiện chính sách thắt chặt mà Fed mong muốn. Điều này có nghĩa là Fed có thể thận trọng hơn một chút (khi xem xét có nên tăng lãi suất tiếp hay không)”, Shamik Dhar, nhà kinh tế trưởng của BNY Mellon Investment Management, bình luận.
Các nhà kinh tế của ngân hàng Deutsche Bank ước tính, với việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng kể từ tháng 9, các điều kiện tài chính đã thắt chặt đến mức khiến hoạt động kinh tế giảm 0,6 điểm phần trăm trong năm tới. Họ cho rằng mức giảm này tương đương với tác động của khoảng ba đợt tăng lãi suất, với 25 điểm mỗi đợt.
Một phân tích tương tự của Tilda Horvath, cựu chuyên gia kinh tế của Fed, hiện làm việc tại Công ty nghiên cứu Underlying Inflation, chỉ ra rằng sự gia tăng gần đây về phần bù rủi ro kỳ hạn có thể thay thế cho mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản cuối cùng mà hầu hết các quan chức Fed dự báo trong cuộchọp tháng 9.
Phân tích của Horvath cho thấy, phần bù rủi ro kỳ hạn cao hơn có thể khiến Fed giảm lãi suất trong hai năm tới nhiều hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với mức cắt giảm mà các quan chức Fed dự kiến hồi tháng 9.
Các quan chức Fed kiểm soát lãi suất ngắn hạn, nhưng thị trường quyết định lãi suất cho vay dài hạn. Vào thập niên 2000, Chủ tịch Fed khi đó là Alan Greenspan cho biết ông cảm thấy khó hiểu vì lãi suất dài hạn không tăng khi Fed tăng lãi suất ngắn hạn.
Ông Powell đã nhiều lần phải đối mặt vấn đề tương tự trong 15 tháng qua, thường là do các nhà đầu tư dự đoán lạm phát sẽ giảm nhanh hơn dự báo của Fed. Nghịch lý thay, điều này lại khiến các điều kiện tín dụng bị nới lỏng, làm suy yếu nỗ lực của Fed nhằm làm chậm lại nền kinh tế.
Các nhà chiến lược lãi suất chỉ ra bốn yếu tố khiến trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm bị bán tháo, dẫn đến lợi suất tăng mạnh trong những tháng gần đây. Đầu tiên, có những dấu hiệu cho thấy các hoạt động kinh tế của Mỹ kiên cường hơn trong mùa hè này, khiến các nhà đầu tư kết luận Fed sẽ cắt giảm lãi suất chậm hơn so với dự đoán trước đây.
Dhar nói: “Những gì chúng ta đã thấy trong tháng trước là nhận thức rằng lạm phát vẫn là một vấn đề khá khó giải quyết. Fed đã chỉ ra rủi ro này trong một thời gian dài, nhưng thị trường thực sự không coi trọng điều đó”.
Thứ hai, các yếu tố kỹ thuật có thể đã làm trầm trọng thêm tình trạng bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ. Giá trái phiếu và lợi suất di chuyển ngược chiều. Với lãi suất qua đêm của Fed cao hơn lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm kể từ cuối năm ngoái, các nhà đầu tư phải trả nhiều hơn số tiền lãi mà họ nhận được khi nắm giữ một chứng khoán kỳ hạn dài hơn, một điều kiện được gọi là lợi nhuận âm.
Các nhà đầu tư có thể sẵn sàng chấp nhận mức chênh lệch âm này trong 6 tháng nếu họ cho rằng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất ngắn hạn. Nhưng viễn cảnh lợi nhuận âm kéo dài 12 hoặc 18 tháng sẽ khiến nhà đầu tư ngần ngại hơn trong việc sở hữu trái phiếu có kỳ hạn dài.
Thứ ba, mối lo ngại về sự gia tăng nguồn cung trái phiếu chính phủ Mỹ có kỳ hạn dài xuất hiện đúng lúc nhà đầu tư kết luận rằng nhu cầu đối với những chứng khoán đó đang suy giảm. Điều đó thúc đẩy họ bán tháo trái phiếu dài hạn, dẫn đến lợi suất tăng vọt.
Cuối cùng, một số nhà đầu tư có thể cho rằng, ngay cả khi Fed và các ngân hàng trung ương khác có thể giảm áp lực giá cả trong ngắn hạn, biến động lạm phát lớn hơn sẽ khiến trái phiếu chính phủ Mỹ kém hấp dẫn hơn cổ phiếu với tư cách là tài sản phòng thủ lạm phát so với trước đây.
Theo WSJ