Thứ Tư, 1/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ trên toàn cầu chưa hạ nhiệt

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Làn sóng bán tháo gần đây trên thị trường trái phiếu toàn cầu đang tăng tốc, đẩy lợi suất lên mức cao nhất trong hơn một thập niên khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho một thời kỳ dài của chính sách tiền tệ thắt chặt.

Trái phiếu của các chính phủ bị bán tháo trên toàn cầu, đẩy lợi suất tăng vọt. Hôm 4-10, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm lần đầu tiên chạm mức 5% kể từ năm 2007. Ảnh: ftchinese

Hôm 4-10, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm lần đầu tiên chạm mức 5% kể từ năm 2007 (lợi suất tăng khi giá trái phiếu giảm do bị bán mạnh). Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm tăng lên 3%, cao chưa từng thấy kể từ năm 2011. Tại Nhật Bản, hợp đồng hoán đổi chỉ số qua đêm (OIS) kỳ hạn 10 năm, một thước đo về kỳ vọng lãi suất, tăng lên 1% lần đầu tiên kể từ tháng 1.

Các nhà đầu tư đang yêu cầu mức lợi suất cao hơn bao giờ hết để nắm giữ nợ dài hạn sau khi các ngân hàng trung ương lớn ở Mỹ và châu Âu tuyên bố họ khó có thể sớm nới lỏng chính sách tiền tệ do lạm phát dai dẳng. Những lo ngại về việc chính phủ Mỹ tăng cường phát hành trái phiếu để bù đắp cho mức thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, cũng gây áp lực lên giá trái phiếu dài hạn.

“Lợi suất trái phiếu Mỹ đang ở mức cao nhất trong năm, bắt đầu gây xáo trộn lớn đối với các lĩnh vực khác trong mảng tài sản thu nhập cố định toàn cầu”, nhà chiến lược Steven Major của ngân hàng HSBC viết trong một báo cáo gửi khách hàng.

Sự biến động đó đã lan sang cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, với ít nhất hai doanh nghiệp đã hoãn phát hành nợ vào hôm 3-9 khi lợi suất trái phiếu trung bình của trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng đầu tư lên cao nhất năm 2023 là 6,15%.

Một quỹ hoán đổi danh mục đầu tư (ETF) theo dõi trái phiếu cấp độ đầu cơ lớn nhất bị ảnh hưởng bởi cú sụt giảm lớn nhất trong hai ngày trong năm nay.

“Những chuyển động này đang bắt đầu gây lo ngại ở tất cả các hạng mục tài sản”, James Wilson, nhà quản lý tiền tệ của Jamieson Coote Bonds, bình luận.

Giá trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh vào hôm 3-10 sau khi dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy số lượng việc làm đăng tuyển dụng trong tháng 8 bất ngờ tăng vọt. Điều này củng cố suy đoán rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất. Phần bù kỳ hạn của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên chuyển sang dương kể từ tháng 6-2021. Phần bù này đo lường mức chênh lệch lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm so với trái phiếu kỳ hạn một năm.

Chỉ số theo dõi trái phiếu chính phủ toàn cầu hiện đã giảm 3,5% trong năm 2023, trong khi đó, chỉ số BofA MOVE của ICE, theo dõi biến động trái phiếu chính phủ Mỹ, tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5 vào hôm 3-10.

Lợi suất trái phiếu ở châu Âu đang tăng cao hơn. “Trái phiếu chính phủ Mỹ và các chính phủ ở châu Âu có mối tương quan với nhau. Lợi suất trái phiếu của chính phủ Mỹ cao hơn cũng sẽ đẩy lợi suất nợ có chủ quyền của châu Âu, bất chấp các hoạt động kinh tế của khu vực này ngày càng trì trệ”, Althea Spinozzi, nhà chiến lược thu nhập cố định cấp cao tại Ngân hàng Saxo, nói.

Lợi suất của một số trái phiếu tại thị trường mới nổi ở châu Á cũng được kéo lên cao hơn do chịu tác động của lợi suất tại Mỹ. Lợi suất chuẩn trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Indonesia chạm gần mức cao nhất trong 7 tháng, tăng thêm 2,5 điểm cơ bản, lên 6,996%.

Tuy nhiên, trái phiếu kỳ hạn ngắn nhất của Mỹ vẫn có vẻ hấp dẫn đối với một số nhà đầu tư. Đợt bán trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 1 năm hôm 3-10 đã thu hút nhu cầu kỷ lục từ những bên mua không phải là đại lý chẳng hạn như ngân hàng, vì các nhà đầu tư muốn chốt mức lợi suất hơn 5% cho năm tiếp theo.

James Wilson của Jamieson Coote Bonds cho biết, mức lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hiện tại sẽ “hút vốn khỏi các loại hạng mục tài sản rủi ro hơn”.

Làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đưa lợi suất thực tế (sau khi trừ lạm phát) lên mức cao nhất trong nhiều năm, với lợi suất thực của trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Mỹ tăng vượt 2,4%, bằng mức vào năm 2007 ngay trước khi chứng khoán Mỹ đạt đỉnh.

Amy Xie Patrick, người đứng đầu chiến lược thu nhập của Pendal Group ở Sydney, nhận định, lợi suất thực tăng mạnh luôn dẫn đến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán khi giới đầu tư nhận thấy không cần phải mạo hiểm đầu tư vào cổ phiếu để kiếm lợi nhuận. Thay vào đó, họ có thể đầu tư vào các quỹ thị trường tiền tệ chuyên đầu tư vào các tài sản an toàn bao gồm các trái phiếu Mỹ kỳ hạn ngắn và bảo đảm mức sinh lời 5% mỗi năm.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới