Thứ tư, 30/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Lối thoát’ nào cho luồng tàu biển vào sông Hậu?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dự án luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu bị bồi lắng quá nhanh nên không phát huy được hiệu quả. Hướng giải cứu luồng tàu biển này nhằm khai thác trung tâm logistics vùng ở Cần Thơ vẫn chưa có lối ra.

Hàng hoá từ ĐBSCL vẫn phải trung chuyển lên TPHCM xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh

Dự án luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu được khởi công vào cuối năm 2009 và khánh thành đưa vào khai thác từ tháng 4-2017, cho phép tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải ra vào các cảng trên sông Hậu.

Theo đó, tại thời điểm triển khai, dự án được kỳ vọng khi hoàn thành có thể đáp ứng năng lực thông quan khoảng 22 triệu tấn hàng hoá mỗi năm, giúp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trực tiếp xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, thực tế khai thác không như kỳ vọng, hàng hoá của vùng vẫn phải trung chuyển về các cảng ở khu vực Đông Nam bộ để xuất khẩu.

Hơn 90% hàng hoá ĐBSCL phải xuất qua các cảng khác

Số liệu báo cáo gần đây của Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng), cho thấy tổng lượng hàng hoá qua cảng biển của vùng ĐBSCL mỗi năm đã vượt 20 triệu tấn, nhưng có chưa đến 2 triệu tấn đi trực tiếp từ cảng biển khu vực ĐBSCL, tức có trên 18 triệu tấn hàng hoá từ ĐBSCL phải qua các cảng biển bên ngoài, chủ yếu là ở TPHCM.

Con số nêu trên rõ ràng đã phản ánh được việc khai thác dự án luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu để giúp ĐBSCL xuất khẩu trực tiếp hàng hoá ra thế giới chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng đặt ra là thông quan khoảng 22 triệu tấn mỗi năm.

Tại buổi làm việc về các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm ở ĐBSCL của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Phùng Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) - đơn vị quản lý cảng Cái Cui ở thành phố Cần Thơ, thừa nhận việc khai thác luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu chưa đạt hiệu quả, thậm chí ngay cả những tuyến vận tải nội địa kết nối Cần Thơ cũng phải tạm ngưng sau vài chuyến hàng đầu tiên.

Theo đó, cuối năm 2016, sau khi dự án nêu trên được thông luồng kỹ thuật, SNP đã mở tuyến thủy nội địa Cần Thơ- Hải Phòng, nhưng đến tháng 9-2017 đã phải tạm ngưng sau 33 chuyến tàu. “Đến tháng 10-2022, chúng tôi và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, đơn vị quản lý cảng Cần Thơ, nằm liền kề cảng Cái Cui) đã liên kết khởi động tuyến Cần Thơ- TPHCM- Vũng Áng- Hải Phòng, nhưng đến tháng 6-2023 cũng đã tạm ngưng sau khi khai thác được 7 chuyến tàu”, ông Minh cho biết và thông tin thêm, hiện cảng Cái Cui chỉ khai thác bằng sà lan lên TPHCM để xuất khẩu, chưa thể đón được tàu đi trực tiếp từ cảng Cái Cui.

Lý do chính dẫn đến phải ngưng khai thác được Phó tổng giám đốc SNP nêu ra là độ sâu luồng tàu biển vào sông Hậu không đảm bảo, tức bị bồi lắng dẫn đến không đón được tàu container tải trọng lớn vào cảng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cảng Cần Thơ (đơn vị thuộc Vinalines), thừa nhận khai thác luồng hàng hải vào sông Hậu không hiệu quả, khiến chi phí logistics hàng hoá của ĐBSCL vẫn ở mức cao. “Độ sâu luồng hiện nay bình quân chỉ 3 mét, trong khi để đáp ứng cho tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải ra vào phải âm 6,5 mét”, ông Hà nêu thực trạng và cho biết, nếu giải quyết được khó khăn này sẽ giúp chi phí logistics cho hàng hoá ĐBSCL giảm thêm đáng kể.

Tàu container vào cảng Cái Cui qua luồng tàu biển vào sông Hậu ở thời điểm luồng này khánh thành. Ảnh: Trung Chánh

Luồng tàu biển vào sông Hậu bồi lắng quá nhanh

Doanh nghiệp khai thác dịch vụ logistics ở khu vực ĐBSCL xác định khó khăn lớn nhất gây cản trở đối với việc xuất nhập khẩu hàng hoá trực tiếp từ ĐBSCL là luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu bị bồi lắng quá nhanh.

Để giải quyết thực trạng nêu trên, ông Minh của SNP kiến nghị Thủ tướng, Bộ Xây dựng duy tu, nạo vét cửa luồng hàng hải vào sông Hậu, đảm bảo độ sâu theo thiết kế là âm 6,5 mét. “Đây là cơ sở để chúng tôi duy trì được các tuyến tàu nội địa cũng như khai thác tuyến nội Á và quốc tế”, ông Minh nhấn mạnh và dẫn chứng, ở thời điểm năm 2022, sau khi SNP kêu gọi, một hãng của Thái Lan có loại tàu phù hợp với tuyến vào sông Hậu, nhưng sau khi khảo sát do độ sâu luồng không đảm bảo nên đã quyết định không đưa tàu vào khai thác.

Ông Hà của Công ty cổ phần cảng Cần Thơ cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm nạo vét luồng hàng hải vào sông Hậu để khai thác hiệu quả Trung tâm logistics ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ (nằm cạnh cảng Cái Cui và cảng Cần Thơ). Bởi lẽ, việc nạo vét luồng hàng hải cho tàu lớn vào sông Hậu cần nguồn lực rất lớn nguồn lực, doanh nghiệp không thể đáp ứng.

Liên quan vấn đề khơi thông luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu, tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhấn mạnh nhà nước không thể lo mãi luồng lạch, trong khi lợi nhuận doanh nghiệp bỏ túi. “Vinalines chờ nhà nước nạo vét, Tân Cảng cũng chờ nhà nước nạo vét. Các anh, ông nào cũng muốn làm nhưng không muốn nạo vét, thì sao được?”, Thủ tướng dặt vấn đề.

Thủ tướng Chính phủ, đề nghị SNP và Vinalines phải bắt tay nhau làm, đồng thời lo chuyện khơi thông luồng vào sông Hậu nhằm giúp phát triển ĐBSCL. “Phải hợp tác lại với nhau để khai thác cảng cho hiệu quả, rồi cùng nhau duy tu luồng lạch để góp phần vào đấy”, Thủ tướng nói và gợi ý có thể thành lập pháp nhân mới trên cơ sở sáp nhập hai đơn vị trực thuộc SNP và Vinalines.

Liên quan gợi ý nêu trên, theo ông Hà, Vinalines có chủ trương mời SNP hợp tác, trong đó, Vinalines chiếm 65% vốn và SNP chiếm 35% để triển khai ngay phát triển dịch vụ logistics ở khu vực Cần Thơ và ĐBSCL.

Tuy nhiên, ông Minh cho biết sẽ báo cáo chủ quản để có câu trả lời sau bằng văn bản, nhưng ở góc độ quan điểm cá nhân, tại thời điểm này chưa hợp tác để thành lập pháp nhân mới.

Đứng trước vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trong tháng 5-2025, có sự tham dự của Bộ Xây dựng, thành phố Cần Thơ, SNP và Vinalines để đưa ra phương án phối hợp trong khai thác luồng hải cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu, có báo cáo cuối tháng 5-2025. “Bây giờ cảng, luồng chưa giải quyết xong, thì trung tâm logistics cái gì?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và khẳng định, nếu không hợp tác để giải quyết sẽ bế tắc mãi như hiện nay.

Cảng Trần Đề sẽ là lời giải “khơi thông” cho ĐBSCL?

Sau nhiều năm dự án luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu không phát huy được hiệu quả, việc đầu tư cảng Trần Đề ở tỉnh Sóc Trăng, trong đó, có cầu cảng ra hướng biển dài khoảng 18 km đã được quy hoạch triển khai. Đây được xem là dự án động lực giúp ĐBSCL hiện thực hoá việc xuất nhập khẩu hàng hoá trực tiếp, thay thế luồng tàu biển vào sông Hậu.

Liên quan dự án này, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết trước thời điểm sáp nhập các bộ ngành, địa phương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin hỗ trợ "vốn mồi" 19.000 tỉ đồng đầu tư cầu dẫn và nạo vét luồng của dự án cảng Trần Đề. Theo ông, hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến dự án, cho nên, kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo hỗ trợ để sớm thực hiện, bởi đến thời điểm hiện tại các bộ vẫn chưa có ý kiến.

Liên quan dự án nêu trên, ông Thi Ha, Chuyên gia đến từ Công ty Nippon Koei Co, Ltd (Nhật Bản), cho biết phải có sự tham gia của khu vực công, tạo “vốn mồi” để thu hút tư nhân. "Trung ương cần tăng đầu tư vào dự án, bao gồm cầu kết nối để giảm gánh nặng đầu tư cho khu vực tư nhân”, ông gợi ý.

Cơ sở để vị chuyên gia của Công ty Nippon Koei Co, Ltd đề xuất tăng đầu tư công tạo “vốn mồi” thu hút tư nhân tham gia xây dựng dự án cảng biển Trần Đề vì việc kết hợp đầu tư công tư (PPP) đã tạo ra những thành công nhất định ở một số dự án cảng biển như Lạch Huyện hay Liên Chiểu…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới