Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lời ước ở thế kỷ 21

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lời ước ở thế kỷ 21

Danh Đức

Ruộng bậc thang ở Tây Bắc. Ảnh: Nguyễn Tâm.

(TBKTSG) – Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi, mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi, người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nghèo khó…

Nhạc sĩ của những tuyệt khúc đón xuân, Phạm Đình Chương, có tâm nguyện gì trong lời chúc Ly rượu mừng ấy? Đã 62 năm kể từ mùa xuân Nhâm Thìn ấy đến xuân Giáp Ngọ năm nay, ba giai tầng xã hội – gồm một giai cấp nông dân, một khối thương gia (kinh tế thị trường ban đầu) cùng một giai cấp công nhân – mà ông gửi lời chúc đến, đã chuyển biến, thăng hoa như thế nào? Có thể làm gì hơn không?

“Vui lúa thơm hơi, người thương gia lợi tức”

Năm 1952 ấy, chuyện nông dân thóc lúa đầy bồ không còn là một băn khoăn, mà là làm sao cho giá trị hàng hóa của gạo (xuất khẩu) cao hơn, nếu như có được những dòng lúa thơm ngon hơn. Xuân Giáp Ngọ này khi nghe lại “mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi”, ắt hẳn những ai quan tâm đến vấn đề phát triển nông thôn sẽ phải nhíu mày vì lời chúc “lúa thơm hơi” ấy của Phạm Đình Chương sao vẫn còn chưa thành sự thực.

Vấn nạn cho gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2013 vẫn y hệt vấn nạn cho gạo xuất khẩu của Đông Dương hơn một thế kỷ trước. Năm 1918, Capus Guillaume, khi phân tích về gạo xuất khẩu của Đông Dương đã từng viết: “Thương mại xuất khẩu gạo của Đông Dương từ lâu đã phải mất ăn đáng kể do yếu kém hơn so với các nước sản xuất những giống lúa gạo có giá cao hơn là Miến Điện, Mỹ, Ý, Nhật và Ấn Độ thuộc Hà Lan (Indonesia sau này – NV) cùng Ấn Độ thuộc Anh (tức Ấn Độ và Pakistan ngày nay – NV). Số thất thu này lên đến hàng triệu quan Pháp một năm, nhất là khi nay Đông Dương về mặt số lượng gạo xuất khẩu đứng thứ nhì trong số các nước sản xuất gạo, đạt 1,5 triệu tấn hàng năm, chỉ thua Miến Điện xếp thứ nhất. Những nguyên nhân của sự thua kém này đã được biết đến từ lâu, ghi nhận từ cách đây hơn 50 năm và bị tố cáo không ngừng như là một trở ngại cho việc bước vào cạnh tranh thương mại mọi mặt với các đối thủ trong các thị trường phương Tây. Ngay từ năm 1867, gạo của xứ Nam kỳ đem dự đấu xảo thế giới đã cho thấy chất lượng kém… Đến năm 1875, Giám đốc Sở Nội vụ Nam kỳ ghi nhận rằng loại nông sản hầu như là mặt hàng xuất khẩu duy nhất của chúng ta không còn có chỗ chen chân trừ phi chấp nhận giá thấp…” (1) .

Một thế kỷ sau, cũng vẫn tồn tại vấn nạn chất lượng gạo không sánh nổi các đối thủ truyền kiếp. Ai có thể làm gì hơn cho nông dân thoát khỏi cảnh “nghèo vẫn hoàn nghèo”? Câu trả lời xin nhường cho các nhà làm chính sách “phát triển nông thôn”. Trong khi chờ đợi xin kể một câu chuyện. Khi bắt đầu biết ăn và đòi ăn, tôi đã nghe người ta gọi mãng cầu xiêm, vịt xiêm, dừa xiêm; nay già rồi, lại phải nghe xoài Thái, nhãn Thái, me Thái, boòng boong Thái, chôm chôm Thái, sầu riêng Thái… Và thú thiệt, trái cây của Thái bự và ngon hơn của ta! Quái lạ, hết “xiêm” (Siam) nay là Thái! Tại sao giống má của ta cứ phải chào thua giống Thái ngay trên sân nhà vậy? Có công bằng không khi cứ bó tay để cho nông dân phải trồng những giống lúa giá bèo như IR50404 vì sợ thất mùa, vì năng suất cao… hay những giống cây ăn trái đèo đuột?

Nếu người nông dân cứ chưa chịu nghe theo cái mới, thì đó không phải là lỗi của họ, lẽ ra các nhà hoạch định chính sách phát triển nông thôn phải cùng “sống chết” với nông dân mà lôi họ theo và các nhà giáo dục và đào tạo phải thiết kế một hệ thống trung học cộng đồng bên cạnh các lớp cấp 3 phổ thông trung học để đào tạo nền tảng nông nghiệp, theo đặc điểm trồng trọt, nuôi trồng từng vùng miền, như là một hệ cấp 3 chuyên ngành “kinh tế nông thôn” – một loại trường trung học chuyên nghiệp mới.

Nhìn lại câu chuyện trên về hạt gạo xuất khẩu hay bất cứ nông sản, thủy sản nào khác ở Việt Nam có thể thấy người nông dân, ngư dân trực tiếp sản xuất sao cứ chỉ “vỗ béo” các doanh nghiệp thu gom, xuất khẩu! Thị trường thế giới lên hay xuống, cũng chỉ nông, ngư dân lãnh đủ. Nếu không điều chỉnh được mối quan hệ này, e rằng đứt gãy xã hội sẽ ở đó. “Người thương gia lợi tức” mà “người nông dân không vui lúa thơm hơi”, thì rõ ràng là không ổn.

Cấy lúa ở thượng du. Ảnh: Nguyễn Tâm.

“Người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nghèo khó”

Lời chúc trong bài ca mừng xuân từ năm 1952 e rằng đến nay vẫn còn là điều ước đối với một số công nhân. Không lúc nào trong năm mà người lao động thắm thía sự chênh lệch xã hội bằng mỗi dịp Tết đến. Trước Tết vài tuần khi báo chí đăng tin về các khoản tiền thưởng “trên không trung” của một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, cũng là lúc mà người lao động cám cảnh thân phận mình nhất. Năm ngoái, ở TPHCM, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Tỵ cao nhất gần 540 triệu đồng, thấp nhất 373.000 đồng, cá biệt, có doanh nghiệp thưởng Tết bằng xe hơi… Tính ra chênh lệch giữa hai khoản tiền thưởng đối cực này là đến 1.447 lần! Đã thế, còn có những doanh nghiệp không thưởng, có doanh nghiệp cho gần 700 công nhân ngừng việc.

Chênh lệch thu nhập là một tất yếu khi mà nền kinh tế thế giới đã bước vào thời đại kỹ thuật số. Các cuộc cách mạng công nghiệp dựa trên các nguồn nhiên liệu đã thuộc về dĩ vãng: cuộc cách mạng thứ nhất (1770-1850) với than đá, mà dấu ấn quan trọng nhất là xe lửa – cuộc cách mạng thứ nhì (1850-1914) với dầu hỏa, điện, và xe hơi. Ngay cả khái niệm tập đoàn công nghiệp hùng mạnh trung tâm của thế kỷ 20 nay cũng ra người thiên cổ trước làn sóng “thế giới phẳng”. Có một giai đoạn, giữa kỹ sư và công nhân tính liên đới, gắn bó là rất cao: các kỹ sư cố gắng nâng cao tay nghề của các công nhân, giúp đỡ họ bằng các “câu lạc bộ chất lượng”. Với “thế giới phẳng”, các tầng nấc của một tập đoàn công nghiệp trung tâm trước kia nay tan rã. Thay vì sản xuất từ A-Z, người ta sử dụng gia công bên ngoài cho những công đoạn không thiết yếu. Duy nhất còn tập trung là các kỹ sư trong các văn phòng nghiên cứu độc lập, mà ở đó chẳng có công nhân trực tiếp, thậm chí công việc phục vụ, bảo vệ thuê bên ngoài. Song song, cuộc cách mạng tài chính của những năm 1980 cũng đã làm thay đổi bộ mặt công ty. Nay không còn là lúc bảo vệ sự sống còn của người lao động mà là sự lời lãi của các cổ đông.

Daniel Cohen, một giáo sư kinh tế hàng đầu người Pháp, đã nhận xét: “Xã hội công nghiệp gắn bó một phương thức sản xuất với một phương thức bảo vệ. Qua đó, kết làm một bài toán kinh tế và bài toán xã hội. Xã hội “hậu công nghiệp” thì tách các vế đó ra. Xã hội hậu công nghiệp đó là xã hội dịch vụ” (2) .

Tờ The Economist ngày 29-5-2005 (3) loan báo số công việc làm trong ngành công nghiệp ở Mỹ nay chỉ còn không đầy 10% tổng số việc làm, và rằng tiếp sau Mỹ là Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức và Ý… Số liệu đó không gây sốc bằng lời bình luận kèm theo: “Sự sút giảm công ăn việc làm trong bất cứ lĩnh vực nào nghe qua cũng có vẻ như là một tin xấu. Song, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thì công việc làm bây nhiêu là do nền kinh tế mạnh khỏe, chớ không đau ốm”.

Tờ báo này giải thích: “Sự suy giảm của lĩnh vực sản xuất công nghiệp không phải là do sự tràn ngập hàng hóa “made in China” trên các quầy siêu thị. Sản lượng công nghiệp ở Mỹ từ năm 1991 vẫn tăng đều đều 4% và Mỹ vẫn là nhà sản xuất lớn nhất thế giới, sản xuất giá trị hàng hóa gần gấp đôi Trung Quốc… Đó là do các công ty của thế giới giàu có đã thay thế người lao động bằng những công nghiệp mới nhằm đẩy vọt năng suất và thay thế việc sản xuất các sản phẩm đòi hỏi nhiều lao động như hàng dệt may bằng các lĩnh vực kỹ thuật cao. Ngay trong nội bộ các xí nghiệp, các công việc ít kỹ thuật thì cứ thế mà đưa ra nước ngoài gia công. Trong khi R&D (nghiên cứu và phát triển), thiết kế và tiếp thị thì giữ chặt tại quê nhà”. Tờ báo này đặt câu hỏi: có phải do dịch vụ thì khó xuất khẩu mà Mỹ lại không sản xuất hàng hóa, nên phải nhập siêu? Câu trả lời là nước Mỹ vẫn cứ đều đều xuất khẩu dịch vụ, sở dĩ nhập siêu là do dân Mỹ tiêu xài quá thôi!

Nay, thì sự phân công lao động trên không còn gây ngạc nhiên nữa. Ngạc nhiên nếu có chính là làm thế nào mà từ khi Việt Nam mở cửa vào đầu thập niên 1990 đến nay, vẫn chỉ phát triển được có mỗi lĩnh vực cung cấp lao động gia công giản đơn cho các nhà đầu tư.

Tháng 4 năm nay, BBC (4) Lab UK công bố một kết quả nghiên cứu rộng rãi, theo đó, ở Anh hiện nay có bảy lớp xã hội, trong đó cao nhất là lớp tinh hoa ưu tú và chót hết là lớp vô sản có cuộc sống tạm bợ. Liên tưởng đến xứ mình, có thể thấy sự phân hóa xã hội qua thu nhập là tất yếu trong một nền kinh tế nông nghiệp “cổ truyền” với phương pháp và diện tích canh tác cùng một nền sản xuất gia công của hậu bán thế kỷ trước cộng sinh cùng một vài lĩnh vực dịch vụ đương thời mà tập trung chủ yếu ở một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Một vài lĩnh vực dịch vụ bung ra quá cỡ và “sống khỏe” (bằng những dịch vụ thiếu cân nhắc rủi ro, nên nay gãy đổ, tỷ như lĩnh vực ngân hàng, địa ốc và môi giới địa ốc)…, cùng một số lạm dụng trong một số tập đoàn quốc doanh lại càng làm cho sự phân hóa xã hội sâu sắc thêm.

Vấn đề đặt ra là làm sao tái cân bằng lực lượng lao động. Muốn thế phải xác định lại “xã hội công nghiệp” mà ta muốn tiến đến vào năm 2020 là như thế nào, gồm những lĩnh vực gì và ngành giáo dục đào tạo có thể được tham vấn gì trong đề án đó? Kinh nghiệm thất bại của năm lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn đã qua không chỉ trong thất bát mà trong cả việc cung ứng nhân lực cho các ngành công nghiệp đó đòi hỏi phải quan tâm hơn nữa đến lực lượng lao động cần thiết phải có. Bằng không, nếu cứ mãi ở chế độ gia công, e rằng sẽ có lúc không có cả hợp đồng gia công và cứ mãi ở giai đoạn mà kinh tế học gọi là “cất cánh kinh tế”. Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới có tên “Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam” cho thấy người sử dụng lao động hiện nay đang tìm kiếm không chỉ là các kỹ năng nhận thức cơ bản, mà họ ngày càng quan tâm đến các kỹ năng như tư duy phê phán, làm việc nhóm và giao tiếp. Người sử dụng lao động nói rằng sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ra trường thường bị thiếu các kỹ năng này (5) .

Chìa khóa của các vấn đề đó phần nào nằm trong tay Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mong là sang năm mới này không còn “ba chung” tuyển sinh nữa, nên có lẽ sẽ dành tài lực, trí lực mà tư duy thêm một chút cho bài toán nhân lực này.

____________________________________________

(1) Capus Guillaume,  “Les riz d’Indochine” in “ Annales de Géographie”, 1918, t. 27, n°145. pp. 25-42

(2) Daniel Cohen, Trois leçons sur la société post-industrielle

(3) The great jobs switch,The Economist, Sep 29th 2005

(4) http://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2013/11/29/vietnams-workforce-needs-new-skills-for-a-continued-economic-modernization-says-vietnam-development-report 2014

(5) Huge survey reveals seven social classes in UK, BBC, Apr 3, 2013

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới