(KTSG) - Đâu đó chúng ta vẫn nghe các bậc phụ huynh ca thán về con cái rằng, tụi nhỏ bây giờ đầy đủ quá, chỉ có học thôi mà không giỏi được thì… Tôi thì lại nghĩ khác, những đứa trẻ của chúng ta đang lớn lên trong bao nỗi khó khăn.
- Phụ huynh Trung Quốc lo lắng cho tương lai con em trước các cải cách giáo dục
- Nhà trường- phụ huynh: ai là bên yếu thế?
Tôi bị ám ảnh mãi về những cô bé cậu bé chọn cách kết thúc cuộc sống của mình khi bị cha mẹ ép học quá mức. Xung quanh chúng ta, những đứa trẻ lớn lên ở thành phố trong những ngôi nhà hình hộp, sáng thức dậy sớm đến trường, chiều học bán trú hoặc tá túc tạm bợ ở trung tâm nào đó. Tan sở phụ huynh đến đón, những đứa trẻ lại tất bật với lịch học võ, học đàn, học vẽ, Anh văn… Những đứa trẻ ngủ trên lưng cha mẹ, uể oải với hộp sữa trên tay hoặc hộp thức ăn nhanh ấy đang gánh trên mình trọng trách thực hiện ước mơ của cha mẹ chúng.
Có người ví von đứa trẻ như một cái cây nhưng phải nở ra nhiều hoa thơm, nhiều loại trái ngọt khác nhau. Bảng thành tích học tập của con phải làm bố mẹ hãnh diện khi đem khoe trên mạng xã hội. Nay là tháng 4, cũng sắp tới mùa các bố mẹ khoe giấy khen, chứng chỉ và giải thưởng - những thứ tự lúc nào đã lấy hết phần tuổi thơ của những đứa trẻ.
Theo Tiến sĩ tâm lý Howard Gardner, trẻ em có đến tám loại trí thông minh, và tùy theo con mình có loại trí thông minh nào các bậc phụ huynh cần hiểu biết để có thể định hướng phát triển khả năng của trẻ. Giúp trẻ có năng lực vượt trội ở lĩnh vực đó.
Điều này cũng có thể hiểu rằng, trẻ không thể vượt trội ở tất cả các lĩnh vực và cha mẹ không nên và không thể ép con cái mình học quá nhiều kiến thức lẫn kỹ năng cùng một lúc, vì chúng khiến trẻ luôn ở vào trạng thái căng thẳng, quá tải.
Thực tế còn chỉ ra là bản thân các bậc cha mẹ đầy mâu thuẫn. Họ kỳ vọng con cái bản lĩnh dũng cảm nhưng lại bao bọc con quá mức, không cho phép con phạm sai lầm. Họ muốn con thông thái nhưng lại không đủ kiên nhẫn nhìn con chập chững khi bắt đầu, muốn con khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhưng không chịu cho con ra ngoài trời vận động. Muốn con có cá tính, độc lập nhưng không chịu nỗi khi đứa trẻ phản biện mà vội cho rằng con ương bướng.
Ở nhà là vậy, đến trường học thì sao? Trừ trường quốc tế, hầu hết các trường học đều quá tải. Lớp học một cô giáo với khoảng 40-50 học sinh, chương trình học dù được cải tiến mãi vẫn dài không cần thiết, thiếu không gian cho các hoạt động trải nghiệm trong lớp. Đấy là chưa kể đến nhà vệ sinh rất kém vệ sinh, những giờ học thể chất diễn ra trên sân bê tông cháy nắng thiếu bóng cây xanh.
Trường học quá tải, bệnh viện cũng quá tải, tôi đã từng chứng kiến những đứa trẻ ốm lay lắt trong tay cha mẹ trên những chuyến xe đò liên tỉnh để lên thành phố chữa bệnh. Đường xa mệt mỏi, lại mòn mỏi chờ khám bệnh, mòn mỏi chờ có giường trống, chờ phòng ở hành lang bệnh viện những ngày nắng nóng, những đêm mưa giông. Bọn trẻ thành phố cũng vậy, gặp mùa dịch cũng chung cảnh nằm sàn, vạ vật ngoài hành lang. Cũng không khác gì mấy!
Edward Hallowell - bác sĩ tâm thần người Mỹ và là tác giả của cuốn sách The Childhood Roots of Adult Happiness, xuất bản lần đầu vào tháng 10-2002, cho biết những đứa trẻ được nuông chiều quá mức, được chơi đồ chơi đắt tiền hay được bảo vệ khỏi cảm xúc khó chịu lại có nhiều khả năng trở thành những thanh thiếu niên buồn chán, hoài nghi và không vui vẻ.
Xem ra, hạnh phúc của con trẻ đôi khi không chỉ là những thứ mà chúng nhận được từ cha mẹ mà là những điều chúng nhận ra. Điều trẻ nhận được chỉ đem lại niềm vui chốc lát nhưng điều trẻ nhận ra lại có ích suốt đời. Những bậc cha mẹ kiên nhẫn, linh hoạt trong suốt quá trình nuôi dạy trẻ sẽ tạo nền móng vững chắc để đứa trẻ trưởng thành sau này.
Trẻ con bây giờ được đầy đủ về đời sống vật chất so với thời của cha mẹ chúng nhưng về mặt tinh thần thì phải xem xét lại. Chúng cũng đang phải chật vật lớn lên trong nhiều áp lực từ gia đình, nhà trường và xã hội.