Thứ Sáu, 2/06/2023, 07:14
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Long An đề xuất đầu tư hàng loạt công trình giao thông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Long An đề xuất đầu tư hàng loạt công trình giao thông

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Long An nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, địa phương cửa ngõ miền Tây này đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải đầu tư và bổ sung đầu tư hàng loạt công trình giao thông trọng điểm.

Long An đề xuất đầu tư hàng loạt công trình giao thông
Ông Nguyễn Văn Thể (đứng), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trình bày tại buổi làm việc hôm nay, 25-3. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi tại buổi làm việc của Bộ Giao thông Vận tải với UBND tỉnh Long An diễn ra ở địa phương này vào hôm nay, 25-3, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, mạng lưới giao thông đường bộ của địa phương hiện nay bao gồm tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đang xây dựng và 4 tuyến quốc lộ, gồm 1, 50, 62, N2 và 50 tuyến tỉnh lộ.

Trong khi đó, mạng lưới giao thông đường thủy, đang khai thác trên địa bàn tỉnh khoảng 2.835km với các tuyến chính là sông Vàm Cỏ, sông Rạch Cát – Cần Giuộc, sông Bến Lức…

Theo ông Cần, dù hệ thống giao thông thủy – bộ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương và vùng ĐBSCL nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Tăng trưởng kinh tế Long An giảm dần

Báo cáo của UBND tỉnh Long An cho thấy, tăng trưởng kinh tế của địa phương đã sụt giảm dần trong những năm gần đây.

Cụ thể, giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng kinh tế địa phương đạt 11,8%; đến giai đoạn 2011-2015 mức tăng trưởng này chỉ còn 11,25% và giai đoạn 2016-2018 đạt khoảng 9,6%.

Quy mô tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 đạt 75.887 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 68,6 triệu đồng; thu ngân sách năm 2018 đạt 14.814 tỉ đồng.

Toàn tỉnh hiện có 10.822 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 272.305 tỉ đồng; tỉnh có 969 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký trên 6,1 tỉ đô la.

Long An hiện có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích trên 3.862 héc ta với tỷ lệ lấp đầy 82,55% và 22 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 86,55%.

Cụ thể, các tuyến đường quốc gia đi qua tỉnh kết nối với 12 địa phương vùng ĐBSCL được đầu tư quá chậm; quy mô đường nhỏ, mặt đường xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển như quốc lộ N2, 50, 62.

“Điểm kết nối giữa TPHCM với Long An tại quốc lộ 1 và 50 thì quá nhỏ hẹp, trong khi lưu lượng giao thông lớn dẫn đến tắc đường thường xuyên”, ông Cần cho biết.

Ngoài ra, theo ông Cần, đường vành đai 3 và vành đai 4 – TPHCM, đường sắt TPHCM – Cần Thơ dù đã quy hoạch lâu, nhưng vẫn chưa có kế hoạch và nguồn vốn đầu tư.

Trong khi đó, sông Soài Rạp, nơi có cụm cảng số 5 của quốc gia và cảng quốc tế Long An đã đi vào hoạt động, nhưng bị bồi lắng nên độ sâu rất nông, làm hạn chế việc đi lại, đặc biệt là đối với các tàu vận tải công suất lớn.

“Chính những bất cập nêu trên đã làm cản trở sự phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL nói chung và Long An nói riêng”, ông Cần nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ cùng Bộ Giao thông Vận tải nên quan tâm "xóa" những điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là tại Long An.

Cụ thể, tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tham mưu Chính phủ bổ sung quy hoạch trục động lực TPHCM – Long An – Tiền Giang vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam. Bởi đây là tuyến đường rất quan trọng trong việc phát triển hạ tầng đô thị, kết nối giao thông và phát triển kinh tế xã hội.

UBND tỉnh Long An cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn giải phóng mặt bằng để chi trả người dân và bố trí nguồn vốn trung hạn 2021-2025 để triển khai đầu tư và đưa vào khai thác tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành – Đức Hòa).

Đối với tuyến quốc lộ N1 nối Long An – Đồng Tháp – An Giang, UBND tỉnh Long An đề nghị cho chủ trương chuẩn bị dự án đầu tư trong giai đoạn 2019-2020 và bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương 2021-2025 để thực hiện đầu tư.

Còn dự án quốc lộ 62 (nối quốc lộ 1 đến cao tốc TPHCM – Trung Lương về quốc lộ lộ N2 – N1 và cửa khẩu Bình Hiệp), đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho chủ trương chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2019-2020 và bố trí ngân sách trung ương 2021-2025 để thực hiện xây dựng theo đúng ý đã chỉ đạo của Thủ tướng vào năm 2016.

Song song đó, UBND tỉnh Long An còn kiến nghị cho chủ trương đầu tư, bố trí vốn đối với hàng loạt dự án khác, gồm đường vành đai 3 và vành đai 4 -TPHCM; nâng cấp mở rộng quốc lộ N2, đoạn Đức Hòa – Mỹ An – Cao Lãnh; dự án nạo vét sông Soài Rạp; dự án nâng cấp cầu qua cống Bắc Đông và cầu cống Rạch Chanh…

Liên quan đến những đề xuất ở trên, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu để bộ quyết định đối với từng dự án cụ thể. “Với những dự án thuộc thẩm quyền của bộ thì bộ quyết, còn những dự án thuộc thẩm quyền Chính phủ, thì phải tham mưu để trình Chính phủ quyết định”, ông cho biết.

Chẳng hạn, với đề xuất bổ sung quy hoạch, xây dựng trục động lực TPHCM – Long An – Tiền Giang, ông Thể chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Vụ Kế hoạch Đầu tư xem xét, nghiên cứu đề xuất của địa phương. “Cần thiết, các anh có thể xuống làm việc trực tiếp với địa phương về vị trí, quy mô, lợi thế của trục động lực này”, ông gợi ý và cho rằng nếu xác định đề xuất của địa phương thật sự có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thì phải bổ sung quy hoạch để có định hướng lâu dài, hình thành trục mới.

Hay việc đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành – Đức Hòa), ông Thể đề nghị Vụ Kế hoạch Đầu tư cùng Vụ Đối tác công tư đánh giá kỹ lại dự án. “Tôi nghĩ, đường này nên đầu tư công vì mang ý nghĩa chính trị rất lớn”, ông nói và yêu cầu cần có nghiên cứu kỹ để tham mưu bộ trình Chính phủ quyết định.

Mời xem thêm:

3 phương án đầu tư tuyến đường 36 km Long An – TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới