Thứ sáu, 17/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Long An sẽ hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 125.000 hecta 

Thành Tín

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Long An đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 60.000 hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp và đến năm 2030 là 125.000 hecta, tương đương khoảng 25% tổng diện tích trồng lúa của tỉnh hiện nay.

Trong ảnh là mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp được thí điểm ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh

Đây là thông tin được TTXVN trích dẫn từ Hội nghị triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” do UBND tỉnh Long An tổ chức ngày 29-5.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An, Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” theo Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Long An đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 60.000 hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp (chiếm 1/3 chỉ tiêu của toàn vùng ĐBSCL và đến năm 2030 hình thành vùng chuyên canh có tổng diện tích 125.000 hecta.

Theo Cổng thông tin điện tử Long An, tổng diện tích trồng lúa mỗi năm của Long An hiện nay đang dao động ở mức trên dưới 500.000 hecta. Như vậy, với mục tiêu trên thì thời gian tới diện tích trồng lúa bền vững của tỉnh chiếm khoảng 25% tổng diện tích trồng lúa mỗi năm.

Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, canh tác lúa bền vững sẽ giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/hecta, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng Xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” được triển khai tại 12 tỉnh gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Vùng chuyên canh này là cách làm đầu tiên trên thế giới, giúp thay đổi tư duy gắn sản xuất lúa gạo với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề án không chỉ từng bước hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo cả nước, mà còn hướng theo sản xuất xanh, giảm phát thải, chất lượng cao để trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

Thời gian thực hiện trong 5 năm, từ năm 2026-2031. Giai đoạn chuẩn bị dự án trong hai năm 2024 và 2025.

Tổng chi phí để triển khai dự kiến khoảng 375 triệu đô la Mỹ, tương đương 8.968 tỉ đồng, trong đó, 360 triệu đô la đến từ khoản vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) của Ngân hàng Thế giới, còn 15 triệu đô la Mỹ vốn đối ứng từ đóng góp của Chính phủ và địa phương.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới