Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Long Hưng và nỗi lo giải tỏa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Long Hưng và nỗi lo giải tỏa

Quang Chung

Long Hưng và nỗi lo giải tỏa
Khu tạm cư của dự án Long Hưng. Ảnh: QUANG CHUNG.

(TBKTSG) – Những ngày cuối tháng 5 này mưa nhiều nên cây trái vùng Long Hưng mượt màu xanh mơn mởn. Trái lại, lòng dạ người dân Long Hưng thì vàng như lá úa vì nỗi lo giải tỏa đè nặng bởi dự án khu đô thị kinh tế mở Long Hưng.

Xóa sổ cả một xã!

Xã Long Hưng là mảnh đất nằm lượn bên bờ sông Đồng Nai thơ mộng – bên hông thành phố Biên Hòa, cách trung tâm TPHCM khoảng 25 cây số. Hơn nữa, Long Hưng còn nằm cạnh đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, quốc lộ 51, sân bay Long Thành… Do đó, từ năm 2006, tỉnh Đồng Nai cũng như các nhà đầu tư bất động sản đã để mắt đến miếng đất màu mỡ này.

Năm 2007, tỉnh Đồng Nai cho Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) lập quy hoạch và làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng với quy hô trên 1.000 héc ta – tức toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Long Hưng. Thế là một đơn vị tư vấn của Úc đã được chủ đầu tư thuê để vẽ nên một khu đô thị hoành tráng với số vốn đầu tư 12 tỉ đô la Mỹ.

Thực hiện dự án đồ sộ này coi như cả xã Long Hưng sẽ bị giải tỏa trắng – gần 1.000 hộ dân với 6.000 nhân khẩu – trong đó có hơn 650 héc ta đất trồng lúa nước sẽ biến mất. Thay vào đó là một khu đô thị hiện đại với những tòa nhà cao tầng chọc trời. Donacoop đã liên kết với các đối tác trong và ngoài nước như tập đoàn Keppel Land, VinaCapital, Công ty An Phú Long… để thực hiện dự án.

Đến thời điểm này, nhà đầu tư đã mở đường, làm cầu cũng như giải tỏa và xây tạm lại trụ sở UBND xã, bưu điện xã, trường học, nhà tái định cư tạm… Chính quyền địa phương cũng đã ban hành hàng trăm quyết định thu hồi và cưỡng chế nhà đất đối với người dân. Tuy nhiên, phần lớn người dân Long Hưng không đồng tình với dự án này vì tương lai sinh kế của họ không rõ sẽ đi về đâu.

Chỉ riêng về giá đền bù giải tỏa mà nhà đầu tư áp dụng cho dự án (theo bảng giá đất tỉnh Đồng Nai năm 2008) cũng đã thấy phần thua thiệt ngả về phía người dân. Thực tế mỗi mét vuông đất ở được bồi thường 200.000-500.000 đồng, mỗi mét vuông đất nông nghiệp chỉ 60.000 đồng (hộ trực tiếp canh tác được hỗ trợ thêm 1,5 lần).

“Nếu nhận khoản tiền này, người dân sẽ mua đất ở đâu – tương tự như ở Long Hưng – được với giá đó?”, ông Nguyễn Văn Thuần, nguyên cán bộ trạm y tế xã Long Hưng, bức xúc. Tuy giá đất tái định cư của dự án này chưa được nhà đầu tư công bố, nhưng ông Thuần cho rằng, ở khu vực này, tối thiểu giá cũng phải 3 triệu đồng/mét vuông. 

Điều đáng quan tâm là trong khi chủ đầu tư chưa công bố giá đất ở tái định cư, địa điểm tái định cư… thì chính quyền đã ra quyết định thu hồi đất, cưỡng chế… dù người dân chưa đồng tình. Nếu theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư phải thương lượng với người dân về giá đền bù (Nghị định 69). Và điều khiến người dân bức xúc nữa là hầu hết người dân ở đây xây nhà trên đất nông nghiệp nhưng không được xem xét bồi thường thỏa đáng (do đặc điểm văn hóa, lịch sử họ không chuyển mục đích sử dụng khi xây nhà cho con cái lúc lớn khôn).

Giá bồi thường và nỗi lo sinh kế

Ông Phan Văn Hoa cất chòi ở tạm tại khu đất ruộng nằm trong dự án nhưng chưa giải tỏa. Ảnh: QUANG CHUNG.

Ông Phan Văn Hoa, số 7-8 ấp An Xuân, Long Hưng, có quyền sử dụng gần 2.000 mét vuông đất ở, đất vườn, ao cá và khoảng 1,3 héc ta đất ruộng. Từ nhiều năm nay ông Hoa và các con sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi (ba ba, heo, nhím…). Từng được tỉnh Đồng Nai tuyên dương là nông dân điển hình, tuy nhiên, cuối năm ngoái, căn nhà bề thế trị giá hàng trăm triệu đồng cùng trang trại chăn nuôi của ông đã bị cưỡng chế giải tỏa để thực hiện dự án nói trên.

Gia đình ba thế hệ của ông Hoa bị đưa vào khu tạm cư. Nhận thấy không thể sống được ở nơi này, gia đình ông Hoa đã kéo nhau về thửa ruộng hơn 1,3 héc ta (cũng nằm trong dự án nhưng chưa giải tỏa) làm chòi sinh sống. Trong căn chòi dột nát, dưới cơn mưa chiều xối xả, ông nói như mếu: “Tiền đền bù như bố thí. Mình không đồng ý thì họ gửi tiền vô ngân hàng, bắt nhốt cả nhà, rồi đập phá… Mình là nông dân, giờ mất  đất, làm gì sống đây? Lo quá!”.

Cũng ở ấp An Xuân, ông Trần Văn Đạo đầy tâm trạng. Tuy chưa bị cưỡng chế như ông Hoa nhưng ông Đạo lòng như lửa đốt. “Cả đại gia đình sống dựa vào hơn bốn công đất ruộng và hơn một công đất vườn, ao. Giờ, nếu bị cưỡng chế, vào khu tạm cư thì biết làm gì!”. Chưa kể đến nỗi lo việc ông cất bốn căn nhà cho con ông trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích, giờ nếu bị thu hồi cũng không được xem xét giải quyết suất tái định cư…

Ông Hứa Hòa Thuận, Mai Văn Phước, bà Nguyễn Thị Lũy… ở ấp Phước Hội, Long Hưng, cũng đang hết sức lo lắng khi các quyết định thu hồi đất đã được chính quyền địa phương gửi đến nhà. Nhìn cảnh mấy chục hộ đang sống trong khu tạm cư thì họ không thể không lo được. Hơn 300 hộ dân ở Long Hưng đã cùng ký đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng…

Dù chủ đầu tư “thưởng” cho những hộ giao đất vào khu tạm cư 20 triệu đồng cùng với lời hứa về hỗ trợ đào tạo việc làm, lo kế sinh nhai cho họ trong tương lai nhưng những gì đang diễn ra ở khu tạm cư này lại không nói lên điều đó. Ông Trần Văn Thành, 73 tuổi, một trong những hộ vào khu tạm cư sớm nhất, rơm rớm nước mắt: “Bao đời nay gia đình tôi ở nơi thông thoáng quen rồi, giờ vào ở trong mấy chục mét vuông với bốn bức tường này như ở tù vậy”.

Được biết khi giải tỏa ba căn nhà của ông Thành và các con ông, chủ đầu tư hứa với gia đình ông Thành là hãy vào khu tạm cư hai năm, sau đó sẽ được cấp đất tái định cư để xây nhà. Nhưng, ông Thành ở tạm cư đã 2,5 năm rồi mà vẫn chưa biết khu tái định cư sẽ được xây ở đâu, khi nào mới có…

“Hơn 300 mét vuông đất ở và ba căn nhà mặt chợ được đền bù chưa đến 350 triệu đồng, tôi chia cho mỗi đứa con một ít, còn lại ăn dần. Tiền đã cạn mà không biết khi nào mới được nhà đầu tư giao nền… mà chắc đến lúc có nền thì cũng hết tiền xây nhà!”, ông Thành nói.

Đó là chưa nói đến điều kiện sinh hoạt, điện nước trong khu tạm cư rất kém. Ông Thành cho biết nước uống phải đi mua vì giếng đóng ở đây có mùi không thể sử dụng. Nhưng ông Thành buồn nhất là “đất của ông bà nhiều đời để lại đến đời mình thì không giữ nổi. Đại gia đình với chín đứa con và chục đứa cháu giờ tứ tán vì nhà tạm cư quá nhỏ, phải đi thuê chỗ trọ. Nhiều khi nghĩ đến căn nhà hai tầng khang trang trước đây mà tôi buồn”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới