Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lòng thành và chiếc hòm công đức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lòng thành và chiếc hòm công đức

Nguyễn Vinh

Lòng thành và chiếc hòm công đức
Gìn giữ không gian văn hóa tâm linh trong lành giữa xã hội nhốn nháo hiện thời là việc khó khăn. Ảnh có tính minh họa, chụp tại một hội làng ở Hà Tây, năm 2005. Ảnh: Nguyễn Vinh

(TBKTSG Online) – Hôm nay, mùng 6 Tết (24-2-2015), nhiều nơi khai hội, bắt đầu cho mùa lễ hội tháng Giêng. Và cũng như mọi năm, câu chuyện về chiếc hòm công đức ở các điểm di tích lại là đề tài gây tranh luận…

Những “quan ngại” về việc chiếc hòm công đức như một hình thức mua thần bán thánh mọc lên như nấm ở trong không gian chùa chiền, đình miếu, điểm di tích vào mùa lễ hội xem ra là có lý khi mà nhiều năm qua, chúng là nơi phơi bày rõ nhất sự phản văn hóa, phản tín ngưỡng. 

Chiếc hòm công đức bị nhiều nhà nghiên cứu văn hóa xem là thứ biểu hiện của lòng thực dụng, cần dẹp bỏ. Dư luận lên tiếng, báo chí chỉ trích, phơi bày những cảnh nhố nhăng nhốn nháo của đám đông xoay quanh chiếc hòm tiền này. Mà đâu chỉ chiếc hòm chịu trận, cả đến chỗ ngồi của Thần, Phật cũng bị nhét đầy tiền, trong bàn tay buông xả của Thần, Phật cũng bị nhuốm hơi đồng, chẳng lẽ chúng ta dẹp luôn cả Thần, Phật?!

Mặc dù số người “xả” tiền vào hòm công đức và giúi tiền vào tay thần thánh lẫn số người lợi dụng đặt hòm công đức để tư lợi ở một số di tích không phải là tất cả, nhưng nhìn thấy cảnh những chiếc hòm công đức bị đặt camera giám sát, bị cơ quan nhà nước ban hành luật siết chặt quản lý, an ninh rải đầy các điểm di tích để quản lý lễ hội thì ít nhiều xót xa. Lễ hội đã eo sèo mất thiêng, nay lại càng có nguy cơ bị bóp méo bởi những quy định hành chính, những giải pháp giám sát máy móc, thiếu tự nhiên, nghĩ thật đáng tiếc.

Chiếc hòm công đức ở động Hương Tích. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trở lại vấn đề, từ đâu ra nông nổi này? Sự thực dụng của người đi hội (bỏ tiền ra để cầu Thần, Phật chấp nhận những ước nguyện), hay chủ quan là sự thực dụng của người quản lý di tích (là sư sãi, tu sĩ, là những người trị sự lễ hội… muốn dùng tiền dâng cúng của chúng sinh cho những việc “ngoài dầu đèn”)? Có lẽ là lỗi tại cả hai phía. Nếu người đi lễ chùa, lễ hội giữ lòng thành kính với thần thánh, thì chuyện “giọt dầu, nén nhang” là chuyện tế nhị, được “thực hành” một cách tự nguyện và tự nhiên không “thế tục” theo kiểu đưa lối lộ hay đút lót cho các đấng thiêng liêng để đạt được mong cầu. Nếu những người giữ chùa, giữ di tích coi việc “giọt dầu” của chúng dân đến vãn chùa, dự lễ là chuyện đích thực “dầu đèn” thì chắc cũng không quá chộn rộn chuyện tiền nong. Ở đây, tư duy “đút lót” hay “đưa – nhận mờ ám” ngoài đời đã xâm thực vào trong bối cảnh lễ hội và “xuyên tạc” mọi thứ theo chiều hướng không mong muốn.

Mùi thực dụng trần tục đi vào chốn linh thiêng lễ hội và làm cho các lễ hội trở nên biến chất, ngổn ngang. Nhưng biết sao được, bao đời nay, lễ hội văn hóa và tín ngưỡng cũng phản ánh phần nào hiện thực đời sống; cách nghĩ, cách hành xử với Thần, Phật cũng soi chiếu cái cách mà con người ta hành xử với nhau trong xã hội, cách người không quyền lực đối xử với người có quyền lực, cách người có chức sắc hành xử với dân chúng.

Khách hành hương về chùa Hương trong tháng Giêng. Ảnh: Nguyễn Vinh

Nghĩ vậy mà thấy thương cho những chiếc hòm công đức, vì chúng là thứ đồ vật vô tri một hôm bỗng chốc trở thành thứ biểu tượng xấu, trong khi từ thuở có chùa chiền, có hội làng là đã có chúng. Chúng từng là nơi thể hiện trách nhiệm của muôn người trong việc xây dựng tô điểm cho cơ sở vật chất, không gian tâm linh tốt đẹp, để chỗ ngự trị của thần thánh được đường hoàng, trong lành hơn.

Và cũng đáng thương cho thần thánh, khi, nói như một nhà nghiên cứu văn hóa, thần thánh đang bị đồng tiền vượt mặt.

Báo chí đặt câu hỏi cho các nhà nghiên cứu văn hóa đại khái, làm sao để chấn chỉnh tình trạng trên. Những câu hỏi hiện tượng sẽ chỉ tìm được những giải đáp hiện tượng. Vấn đề căn nguyên nằm ở chỗ một bầu khí hậu tâm linh đang biến đổi. Trải qua những dập vùi bởi sự cuồng tín ý hệ trong lịch sử, đời sống tín ngưỡng lành mạnh lại bị đặt trước một thử thách lớn khác: đồng tiền trong xã hội thị trường.

Sự phục hồi chỗ đứng của thần thánh, của tín ngưỡng nằm ở chỗ uốn nắn lễ thức hay đặt camera giám sát, ra quy định dẹp bỏ hòm công đức vẫn chỉ là bề mặt, cốt lõi vẫn nằm chỗ phải dựng lại một đời sống tâm linh lành mạnh trong tâm hồn mỗi con người, trong tâm thế xã hội, có khi rất giản đơn, từ việc thực hành sự tử tế và công minh mà con người hành xử với nhau hằng ngày.

Xem thêm:

Dành cả tháng để phát ấn đền Trần

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới