Lu chống ngập là cái lu gì?
Minh Chí
(TBKTSG Online) - Sau “cái lon” thì tới “cái lu”... trở thành chủ đề hot (hấp dẫn) được nhiều lượt xem nhất trên báo chí cũng như cộng đồng mạng xã hội. Lu chống ngập là giải pháp mới được cộng đồng mạng nhắc tới từ chiều tối qua cho tới tận trưa nay. Phải chăng chúng ta có thể chống ngập bằng cái lu?
Ngập nước tại TPHCM là một trong nhóm vấn đề bức xúc trong nhiều năm qua và cho tới thời điểm này vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để “chống ngập”. Ảnh: Thành đoàn TPHCM |
Dùng lu để hứng nước mưa
Tại cuộc họp HĐND TPHCM chiều 12-7, trong phiên thảo luận về chuyên đề chống ngập tại TPHCM, một đại biểu HĐND (phó giáo sư, tiến sĩ) có ý kiến cho rằng “mỗi nhà nên có một cái lu để góp phần chống ngập”. Theo ý của đại biểu này, dùng lu để hứng nước mưa sẽ góp phần giảm bớt lượng nước mưa chảy ra đường phố gây ngập...
Sau khi phát biểu về “dùng lu chống ngập”, vị phó giáo sư tiến sĩ này có trao đổi thêm với báo chí rằng kinh nghiệm dùng “lu” chống ngập được học tập từ nước ngoài và họ đã áp dụng giải pháp này thành công.
Việc hiến kế “dùng lu chống ngập” tại cuộc họp HĐND đã gây ra cơn “bão” trên mạng xã hội, nhiều người đã phản ứng mạnh và cho rằng ý kiến này thật “không thể hiểu nổi”.
Cư dân mạng Đức Phúc mỉa mai về giải pháp “cái lu”: Lu chống ngập chị đại biểu đề xuất chính là cái lu đựng gạo, đựng nước mắm... trong nhà dân; chứ không phải lu “khổng lồ” ở Nhật Bản cũng như một số nước áp dụng để chống ngập nước cục bộ (PV: tích nước vào các bể nước lớn).
Một cư dân khác tên Mạnh Hải thì nhận xét rằng, chị đại biểu vừa đóng góp rất dễ thương; mỗi nhà trang bị một cái lu chắc chắn rẻ hơn giải pháp chống ngập 10.000 tỉ đồng của Nhà nước.
Một doanh nhân chỉ biết tặc lưỡi than: Tầm cỡ phó giáo sư tiến sĩ đã phát biểu rồi lại phải đính chính lần nữa mà “ngu dân” như tôi vẫn chưa hiểu được. Khổ thiệt, danh xưng giáo sư tiến sĩ bây giờ phát biểu đôi lúc không lọt lỗ tai bằng bà Tân vê-lốc (V-log) làm bánh tráng trộn thu hút cả triệu lượt view (lượt xem trên Youtube).
Trên thực tế, một số cư dân mạng cho biết, việc nước ngoài chống ngập cục bộ là họ dùng bể ngầm dưới đất chứa lượng nước mưa, nước ngập ngoài đường...; điều tiết lượng nước chảy ngoài đường/chống ngập. Chứ không chỉ đơn giản kiểu dùng lu chống ngập (thực ra dân gian xưa nay đặt lu hứng nước trước hiên nhà để sử dụng, chứ nào phải chống ngập gì đâu).
TPHCM xây dựng các cống ngăn triều, nằm trong dự án chống ngập. Ảnh: Lê Anh. |
Dùng lu chống ngập phải đúng cách
Nhưng trên mạng xã hội thực ra vẫn có ý kiến ủng hộ đại biểu về “lu chống ngập”...; thậm chí sáng nay (ngày 13-7) có báo đăng tải ý kiến ủng hộ giải pháp này.
Cư dân mạng P.X.Cần chia sẻ trên trang Facebook của mình: Từ mấy năm trước đã có nhiều ý kiến đề xuất việc này. Nếu hiểu "cái lu" theo nghĩa rộng là một phương tiện để chứa nước thì đây có thể là một sáng kiến rất khả thi. Tất nhiên là không phải nhà nào cũng có chỗ, hoặc có thể thu gom được nước mưa, nhưng nếu ở TPHCM các nhà dân, chung cư, cơ quan có bể chứa nước, có thể chứa được một triệu khối nước chẳng hạn, thì vấn đề ngập do nước mưa có thể được giảm thiểu không nhỏ. Đó là chưa kể nguồn nước đó cũng có thể phục vụ sinh hoạt hay phòng chữa cháy, tưới cây, rửa xe...
Một tờ báo đăng tải sáng nay về ý kiến ủng hộ dùng lu chống ngập của vị đại biểu HĐND với tiêu đề “Lu hoàn toàn có khả năng chống ngập“. Tuy nhiên, bản thân bài viết này cũng tự mâu thuẫn với tiêu đề vì không đơn giản chỉ đặt lu hứng nước là có thể chống ngập; còn phải có hệ thống giám sát, chi phí mua lu, chuẩn bị vị trí đặt lu...
Vì thế, đã xuất hiện nhiều ý kiến phản đối quan điểm của người viết bài kể trên. Một số ý kiến phản biện như: Nhà ở thành phố chật hẹp, rồi nhà chung cư... làm sao có chỗ để lu; hàng ngày ai sẽ vệ sinh lu nước để ngăn ngừa lăng quăng/chống muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết...
Một ý kiến trên mạng cho rằng: Thật ra ý tưởng chống ngập ở TPHCM bằng cách giữ lại một phần nước mưa đã được đưa ra cách đây hơn 20 năm với đề xuất là trước khi làm nhà phải xây bể ngầm (chứ phải lu).
Tóm lại, chuyện cái lu dài lắm kể sao cho hết; cỡ như tiến sĩ nhà ta còn chưa giải quyết được, người dân bình thường làm sao hiểu nổi. Hãy cứ để người dân chống ngập theo kiểu truyền thống, đặt chướng ngại vật (miếng gỗ, xây gạch...) chặn nước tràn vào nhà; lấy thau tát nước.
Mời đọc thêm