Lũ lụt tàn phá dữ dội
![]() |
Chạy lũ ở Ninh Bình. |
(SGTO-TTXVN) Sau cơn bão số 5, mưa lớn kéo dài đã gây nên một trận lũ lớn nhất trong vòng 45 năm qua tàn phá các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ; nặng nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái... Cho đến 8 giờ sáng nay (7-10) đã thống kê được ít nhất 55 người chết và mất tích...
Lũ dữ làm vỡ nhiều đoạn đê, đập thuỷ lợi, sạt lở đất đá làm ách tắc nhiều tuyến giao thông... ở các tỉnh này. Nhiều vùng dân cư ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Bình, Hoà Bình, Yên Bái, Sơn La... hiện vẫn bị ngập chìm trong nước. Tính đến 8 giờ sáng nay (7/10), đã có ít nhất 55 người chết, mất tích (Nghệ An 21 người; Thanh Hoá 11 người; Hoà Bình 10 người; Sơn La 10 người; Ninh Bình 1 người; Yên Bái 2 người).
Lũ đã cuổn trôi, làm sập đổ, ngập chìm hàng chục nghìn ngôi nhà, nhiều người dân ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Bình, Hoà Bình, Yên Bái... phải đi tránh lũ đang trong cảnh màn trời, chiếu đất. Nhiều xã ở các huyện Thạch Thành (Thanh Hoá); Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An); Nho Quan, Gia Viễn (Ninh Bình); Yên Thuỷ, Lạc Thuỷ (Hoà Bình) bị nước lũ cô lập, vẫn chưa liên lạc được. Lũ cũng làm sạt lở đất đá, làm ách tắc nhiều tuyến đường giao thông tại các địa phương miền núi phía Bắc và Trung Bộ, phải mất nhiều ngày nữa mới được khai thông.
Riêng tỉnh Nghệ An có số người thiệt mạng nhiều nhất trong trận lũ này, trong đó có 14 người dân ở xã Nậm Giải, huyện Quế Phong bị lũ quét cuốn trôi lúc 3 giờ sáng ngày 5/10. Lũ quét xuất hiện sau một cơn mưa dữ dội, tạo thành một thác nước lớn chưa từng có ở xã Nậm Giải. Sau cơn bão số 5, xã Nậm Giải là khu vực rất nguy hiểm, chính quyền địa phương đã sơ tán toàn bộ dân khỏi địa bàn này nhưng đến đêm, một số người dân chủ quan đã trở về nhà, trong đó có 14 người bị lũ cuốn. Các lực lượng chức năng và người dân địa phương đang nỗ lực tìm kiếm 14 người mất tích nhưng do nước sâu, lại bị chia cắt, đến 16h ngày 6/10, mới tìm thấy được 5 thi thể.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng 7/10, mực nước sông Cả tại Nam Đàn (Nghệ An) sẽ gần đạt mức báo động III; sông Mã tại Giàng có khả năng xuống dưới mức báo động III: 0,7m; sông Bưởi tại Thạch Thành vẫn còn trên mức báo động III là 2 mét; sông Hoàng Long tại Bến Đế trên mức báo động III 0,2 mét. Tình trạng ngập lụt sâu ở vùng trũng và đồng bằng ven sông các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá và Nghệ An còn khá nghiêm trọng.
Ngày 6/10, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã dùng 2 máy bay lên thẳng thả lương thực cung cấp cho những người dân bị ngập lũ ở huyện Thạch Thành (Thanh Hoá). Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng Đoàn công tác Chính phủ đã đi thị sát tình hình lũ lụt ở 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, chỉ đạo các biện pháp tiếp theo về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả đợt mưa lũ này.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ thị 2 địa phương phối hợp các lực lượng quân, dân tích cực và tập trung hộ đê, kiểm soát chặt, kịp thời xử lý các đoạn đê xung yếu; đặc biệt bổ sung 2.400 người thuộc các lực lượng công an, quân đội để triển khai, cung cấp đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, thuốc men, hóa chất làm sạch nước cho người dân vùng lũ lụt, kiên quyết không để dân đói. Các đơn vị cứu hộ bổ sung thuyền nhỏ tới các xã bị cô lập tổ chức giúp dân di dời khỏi nơi nguy hiểm.
(TTXVN)