Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lũ trên Facebook

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lũ trên Facebook

Nguyễn Vĩnh Nguyên

(TBKTSG) – “Mày đợi vài phút, tao ra ngoài đường chụp hình post lên cho coi!”- thằng bạn nói.

Chỉ vài phút sau những bức ảnh đầu tiên về cơn lũ đang quét qua quê nhà xuất hiện trên Facebook. Cảnh nước tràn bờ đê sông Dinh, cảnh những chỗ ngập nặng của thành phố Phan Rang, cảnh nước lên sát lòng cầu Đạo Long, rồi cảnh người dân chạy lũ… đều được cập nhật đầy đủ.

Có kẻ đồng hương, coi ảnh xong, cảm thán viết lên giao diện: “Gọi cho bà già, nghe nói “không đi đâu được, ăn mì gói ba ngày rồi”. Thương cho ông già, vốn kén ăn mà phải ăn mì gói, chắc rầu lòng lắm!”.

Rồi thì: “Thương quá quê nhà, hồ Phước Trung đã vỡ, quốc lộ qua tỉnh chia cắt nhiều nơi, nhà mình cũng ngập sau hơn mười mấy năm nước không vô nổi!”. Có đứa lại thắc mắc với người chụp hình: “Ê, cho hỏi, nước có ngập vào bệnh viện không? Đứa em gái tao sắp sinh…”. Rồi một chị làm thơ ở Sài Gòn cũng nhảy vào: “Sài Gòn được vài ngày đẹp trời thì nơi quê bạn phải chịu biết bao mất mát!”.

Thông tin về trận lũ đi trên trang Facebook của thằng bạn sống động, truyền cảm và nhanh hơn cả những tờ báo mạng. Và cảm xúc về cơn lũ cũng đã được cộng hưởng trên trang mạng xã hội nhanh hơn bất kỳ một tờ báo điện tử nào.

Phía bên dưới có bức ảnh không đề tên tác giả, chụp cảnh nước ngập trắng phố, có đoạn comment: “Mọi hàng quán đều đóng cửa, hồi trưa ăn cá khô với nước mắm nè mày”, “Theo ông cụ 91 tuổi (ông nội tui): chưa bao giờ thấy mưa dài, dai và to vật vã như vậy!”.

Nhiều người bấm vào dòng “like this”. Nhiều người lại đòi hỏi được thông tin thêm: “Mày kiếm chỗ nào khô ráo, mở máy post thêm ảnh nữa đi!”.

Người chụp hình, chủ nhân của trang Facebook kia, chẳng bao giờ nghĩ là mình đang “làm báo”, vậy mà, trong mắt những đứa làm báo rù rờ như tôi, thì đó chính là một nhà báo thứ thiệt, tác chiến vô cùng lợi hại trong trận lũ này. Chỉ bằng những tấm ảnh với trình độ chụp tay ngang và vài câu ghi chú rất sơ sài, nhưng đúng thời điểm, đúng tính chất sự vật và truyền đi một thông tin có sức lay động mãnh liệt, lay động nhân tâm. Trong khi chúng tôi, cánh phóng viên tự cho là chuyên nghiệp của những tờ báo thành phố lại không có cách thả mình vào rốn lũ vì những lý do: đường sá bị chia cắt, giao thông không thuận tiện, có khi, đơn giản là… không biết bơi!

Mạng xã hội không chỉ mở ra một kênh thông tin, mà đã tự do hóa một xã hội thông tin ở mức độ cơ bản: người ta ở khắp nơi có nhu cầu được biết những sự kiện, biến động, xảy ra xung quanh thế giới mình đang sống và ngược lại, muốn chia sẻ thông tin, thông điệp trong đời sống đang diễn ra với mọi người.

Nhu cầu nhận được thông tin, nắm bắt thông tin là ngang bằng với mọi người dân. Cái điều hối thúc anh bạn tay ngang chuyển sang làm một “nhà báo” xuất sắc trong một buổi chiều đó là bởi anh muốn truyền đi một sự kiện đang xảy ra tai ngay chính căn nhà, thành phố mình đang sống: lũ về. Và, người xem cũng được thuyết phục bằng việc, chính anh ta cũng đang là người chạy lũ cùng với cả cái thành phố khốn khổ của mình, không nhập vai, không tưởng tượng. Anh ta, với những bức ảnh và suy nghĩ của mình trong bài báo chính là nhân vật đắt giá để người đọc hiểu được mức độ cơn lũ đang tràn qua cái thị xã nhỏ bé ấy.

Những bức ảnh nóng hổi thời sự, có bố cục không ổn lắm, với chất lượng độ phân giải thấp của chiếc điện thoại di động (hay máy ảnh du lịch?) của thằng bạn có sức mô tả hơn những con số được đọc vô cảm trên truyền hình tối hôm đó, hay những mô tả bằng ngôn từ dài dòng trích từ các báo cáo, hay những bức ảnh chụp tuy ấn tượng thật đấy, nhưng đã nguội ngắt tính thời sự trên mặt những tờ nhật báo sáng hôm sau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới