Thứ tư, 21/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lựa chọn bất lợi và rủi ro đạo đức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lựa chọn bất lợi và rủi ro đạo đức

Phạm Phú Quốc (*)

(TBKTSG) - Thường để giảm cầu (cung) người ta tăng (giảm) giá. Tuy nhiên, trong thị trường tín dụng và sức lao động nếu áp dụng nguyên tắc đó thì có khi “lợi bất cập hại”.

Đối với thị trường tín dụng, do tình trạng thông tin không cân xứng (asymmetric information), nếu ngân hàng đối phó với nhu cầu vay vượt khả năng cho vay bằng cách tăng lãi suất (giá của khoản vay) để làm giảm nhu cầu vay, thì có thể bị thiệt vì gặp phải vấn nạn “lựa chọn bất lợi” (adverse selection) và “rủi ro đạo đức” (moral hazard).

Lựa chọn bất lợi xảy ra vì ngân hàng không thể hiểu khách hàng bằng chính khách hàng (thông tin không cân xứng) cho nên nếu ngân hàng tăng lãi vay để hạn chế nhu cầu vay thì khách hàng tốt sẽ không vay; nhưng khách hàng xấu vẫn sẽ cố vay cho bằng được vì họ biết rằng nếu có vay được chỗ khác (ví dụ vay chợ đen) thì lãi suất rất cao, thậm chí không vay được. Như vậy, khi tăng lãi suất để hạn chế nhu cầu vay của khách hàng thì ngân hàng có khả năng tích lũy khách hàng xấu và đuổi khách hàng tốt.

Rủi ro đạo đức cũng có nguồn gốc từ thông tin không cân xứng. Vì ngân hàng không thể nắm rõ hoạt động kinh doanh của khách hàng bằng họ, cho nên sau khi vay xong, nếu lãi suất cao hơn lãi suất họ muốn, khách hàng có thể thay đổi mục đích sử dụng tiền vay để tăng thêm lợi nhuận nhằm bù cho phần lãi suất cao hơn đó. Mục đích sử dụng tiền vay có lợi nhuận cao hơn như thế thường có rủi ro cao hơn cho nên làm cho khả năng trả nợ của khách hàng cũng bị ảnh hưởng xấu.

Do đó, trong thị trường tín dụng giá cả không phải lúc nào cũng có thể dùng để hạn chế nhu cầu vay của khách hàng.

Trong thị trường lao động, nếu giảm lương để đối phó với dư thừa lao động thì có thể cũng gặp hai vấn nạn nói trên. Người giỏi sẽ nghỉ, còn người dở sẽ ở lại, vô tình làm cho người thuê lao động tích lũy nhân lực tồi (lựa chọn bất lợi). Ngoài ra, người ở lại có thể làm gì đó có lợi cho mình bất chấp quyền lợi của người thuê lao động nhằm bù đắp lại lương thấp (rủi ro đạo đức).

Nếu các ngân hàng giảm lương nhân viên và Bộ Tài chính (có ý định) giảm lương tối thiểu thì phải để ý vấn đề trên chứ không khéo ngân hàng lại càng rủi ro và Nhà nước thì càng khó chống tham nhũng, đồng thời chất lượng dịch vụ công lại càng tệ hại hơn.
_____________________

(*) Ph.D. Đại học Monash

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới