(KTSG XUÂN) - Văn minh, lịch thiệp, tử tế, không vỗ mặt nhau được xem là những chuẩn mực giao tiếp và ứng xử thông thường trong xã hội loài người. Đây là điều mà con người hướng đến trong lịch sử phát triển của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, để đạt được nó thì không hề đơn giản. Nhìn vào bản chất của con người và những gì đang xảy ra trên thế giới, có thể thấy con đường đi đến văn minh như mong đợi của loài người vẫn còn ở phía trước rất xa.
- Ngành bán lẻ Việt Nam xây dựng mô hình lai
- Người Việt có thể chi khoảng 14 triệu đồng/chuyến du lịch Tết
Nhìn nhận về bản chất của con người
Tranh luận con người vì cái chung hay vì mình đã được bắt đầu từ khi loài người có nhận thức và tư duy. Aristotle có thể xem là người đầu tiên phân tích bản chất của con người đầy đủ nhất. Ông đã viết trong “Chính trị luận” cách đây 2.500 năm rằng: “Mọi người chủ yếu nghĩ cho mình, hầu như không nghĩ cho cái chung”. Tuy nhiên, ông lại mâu thuẫn khi đưa ra các mô hình nhà nước tốt được cai trị bởi những người vì lợi ích chung. Những nền tảng về nhà nước do ông đưa ra đã được loài người cố gắng xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, loài người vẫn đang loay hoay để tìm ra được một mô hình nhà nước của dân, do dân và vì dân đúng nghĩa.
Con người, nhất là những người làm trong khu vực công, vì cái chung đã trở thành giả định trung tâm trong khoa học chính trị cho đến thế kỷ 20. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng con người chỉ vì lợi ích riêng đã dần xuất hiện trong khoa học chính trị từ thế kỷ 16. Trong “Của cải của các quốc gia”, xuất bản vào năm 1776, Adam Smith đã phân tích vấn đề một cách mạch lạc, tường minh. Quan điểm chủ đạo của ông, mà nó trở thành nền tảng của kinh tế học cũng như chính trị học hiện đại, là con người chỉ vì lợi ích riêng của mình. Ông cho rằng con người tìm kiếm lợi ích riêng, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh thì sẽ tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực xã hội.
Lòng trắc ẩn, sự vị tha, tinh thần vì cái chung sẵn sàng hy sinh là những đặc tính tốt đẹp của loài người. Chúng làm cho xã hội loài người ngày càng tiến bộ. Tuy nhiên, các bằng chứng thực nghiệm và thực tế cuộc sống cho thấy những đặc tính này chỉ có thể xảy ra trong những bối cảnh với những điều kiện cần thiết. Ví dụ, khi con người không phải quá bận tâm đến miếng cơm, manh áo hàng ngày hoặc trong những khoảnh khắc cho chủ nghĩa anh hùng như chiến tranh, thiên tai và thảm họa. Nghĩ cho cái chung, cho xã hội, cho người khác không phải là một đặc tính hay tư duy thường trực của loài người. Trái lại, một cách tự nhiên, con người thường nghĩ cho bản thân và mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân mình.
Thêm vào đó, con người không phải luôn duy lý và hành xử sáng suốt. Trong “Tư duy nhanh và chậm”, Kahneman, nhà kinh tế được trao giải Nobel về khoa học hành vi, đã chỉ ra hai hệ tư duy của con người gồm tư duy nhanh (cảm tính) và tư duy chậm (lý tính). Sự cảm tính của con người cũng rất thường xuyên. Do vậy, ngoài các chuẩn thị trường mà chúng dựa vào sự sáng suốt của con người theo đuổi lợi ích riêng của mình trong môi trường cạnh tranh, thì chúng ta cũng cần các quy chuẩn xã hội với mục tiêu là làm sao để nguồn lực của cả xã hội được phân bổ hiệu quả và công bằng nhất. Những quy chuẩn xã hội, những bài học đạo đức là hữu dụng ở khía cạnh này.
Thực tế của xã hội loài người
Hướng thiện là điều hướng đến hay con đường phía trước của xã hội loài người. Con người cần sống theo cộng đồng hay sống chung với nhau. Nhà nước và các tổ chức cộng đồng là cơ chế để loài người cùng hợp tác giải quyết những vấn đề chung của mình.
Thị trường hoạt động dựa trên nguyên tắc vì lợi ích riêng và cạnh tranh. Tuy nhiên, những khuyết tật hay thất bại của thị trường xảy ra làm cho nguồn lực xã hội không được phân bổ tối ưu và những khía cạnh về công bằng không được quan tâm. Do vậy, vai trò quan trọng của nhà nước là cải thiện hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực và cải thiện công bằng. Nhà nước của dân, do dân và vì dân là sứ mệnh được đặt ra.
Tuy nhiên, sự thật thì trần trụi hơn. Vai trò của nhà nước là để sửa chữa những vấn đề của xã hội do lòng tham và sự vị kỷ của con người gây ra. Tuy nhiên, vận hành nhà nước cũng là những người thông thường và họ hành động chủ yếu là vì các lợi ích cá nhân. Do vậy, những trục trặc của khu vực công thường xuyên xảy ra. Điều mà con người chứng kiến là những trục trặc của nhà nước và không đáp ứng nguyện vọng của số đông. Thất cử của chính quyền hiện tại là điều thường xuyên xảy ra.
Thị trường và nhà nước không thể giải quyết những trục trặc của xã hội loài người. Do vậy, các thiết chế cộng đồng đã hình thành. Tuy nhiên, vai trò của các tổ chức và cơ chế cộng đồng cũng có những vấn đề của nó. Trên thực tế, trong các hoạt động tập thể thì quyền lực và lợi ích thường song trùng. Do vậy, các thiết chế cộng đồng cũng không tránh khỏi những vấn đề.
Tựu trung lại thì con người cần hợp tác với nhau để giải quyết những vấn đề của mình. Tuy nhiên, khi cùng nhau làm việc thì lại tạo ra quyền lực và lợi ích cho những người có vị trí vận hành các thiết chế này và mâu thuẫn lại xảy ra.
Điều nghịch lý của loài người là muốn cùng hợp tác với nhau để hướng đến cái tốt đẹp, những lợi ích chung. Tuy nhiên, những gì xảy ra trong thực tế lại không được như vậy. Những cá nhân được giao vị trí lại thường xuyên có những việc làm đi ngược lại lợi ích chung và nhiệm vụ được giao phó.
Vấn đề của nước Mỹ và hiện tượng Donald Trump
Có thể nói nước Mỹ là một thế giới thu nhỏ. Việc ông Donald Trump hai lần đắc cử tổng thống Mỹ cho thấy sự lựa chọn cũng như mâu thuẫn của người Mỹ nói riêng, loài người nói chung. Số đông người Mỹ đã lựa chọn sự thật trần trụi và quan tâm đến lợi ích riêng của mình hơn là những giá trị được xem là tốt đẹp mà loài người đã theo đuổi.
Điều này bắt nguồn từ niềm tin vào các thiết chế công của công chúng Mỹ đã bị xói mòn. Theo thăm dò của PEW, từ năm 1958 đến nay, niềm tin của người dân Mỹ vào chính quyền đạt đỉnh điểm vào năm 1964 với 77% người được hỏi bày tỏ tin tưởng vào nhà nước. Kể từ đó, cho dù cũng có lúc thăng, lúc trầm nhưng xu hướng chung là đi xuống. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có 22% người trả lời bày tỏ tin tưởng vào nhà nước. Trong cuộc thăm dò gần nhất, 85% cho rằng họ không tin rằng những người được bầu quan tâm đến những gì mà người dân muốn họ nghĩ đến.
Niềm tin vào những thiết chế được xem như nền tảng của xã hội khác như nhà thờ, Tối cao Pháp viện cũng có những mức sụt giảm rất lớn. Cách đây mấy thập niên, đa phần người Mỹ có niềm tin vào các thiết chế này. Tuy nhiên, trong cuộc thăm dò gần nhất của Gallup, chỉ có 31% dân chúng bày tỏ niềm tin vào nhà thờ và các tổ chức tôn giáo, 25% đối với Tối cao Pháp viện, 23% đối với tổng thống, và 7% đối với quốc hội.
Thực tế những gì người dân Mỹ thấy rất khác với những gì mà họ kỳ vọng đối với các thiết chế công. Việc làm không đi đôi với lời nói dẫn đến thói đạo đức giả. Niềm tin của công chúng vào những thứ được coi là chuẩn mực, những điều tốt đẹp bị xói mòn. Phải chăng cứ huỵch toẹt mọi thứ ra và thể hiện đúng bản chất vốn có của con người sẽ hay hơn?
Ông Trump đã làm điều này. Lúc ban đầu, trong bối cảnh của chính trị Mỹ cách đây gần một thập niên, rất ít người coi việc ông Trump ra tranh cử là nghiêm túc và tin rằng ông ấy sẽ thắng cử. Theo những chuẩn mực thông thường và được xem là quy ước chung của xã hội loài người, đối với gần như tất cả những người trước đó, chỉ cần dính vào một cái phốt như ông là coi như sự nghiệp chính trị tiêu tan.
Tuy nhiên, việc truyền thông đăng tải những “thói hư tật xấu” lại trở thành phương tiện hữu hiệu để công chúng biết đến ông Trump và ông có được sự ủng hộ của số đông. Những bất cẩn của ông Trump với đại dịch Covid-19 làm ông phải trả giá. Tuy nhiên, việc chiến thắng một cách giòn giã ở nhiệm kỳ bầu cử vào cuối năm 2024 cho thấy rõ khuynh hướng và sự lựa chọn của xã hội Mỹ.
Điều mà số đông người Mỹ quan tâm là miếng cơm manh áo, những vấn đề sát sườn của cuộc sống hơn là những chuẩn mực xã hội. Những vấn đề quốc tế cần có giải pháp thẳng thừng hơn là những lời lẽ ngoại giao tốt đẹp. Ông Trump có những điều không hay, nhưng với số đông người Mỹ đó là lựa chọn tốt nhất. Chủ nghĩa dân tộc lên ngôi sẽ làm cho những vấn đề quốc tế trở nên phức tạp.
Tóm lại, với những gì đang xảy ra trên thế giới, việc người Mỹ chọn ông Trump (một người đã bị tòa án kết tội với rất nhiều “thói hư tật xấu”) làm tổng thống cho thấy một ngã rẽ của loài người. Những giá trị tốt đẹp là điều chúng ta hướng đến. Nhưng tương lai sẽ như thế nào và làm thế nào để đạt được chúng là điều đang rất mù mờ với nhân loại.