(KTSG Online) – Trái ngược với bức tranh sáng trong những tháng cuối năm ngoái, thị trường lúa gạo Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục xu hướng sụt giảm. Liệu đà suy giảm này có được “cắt đứt” trong những tháng cuối năm nay hay không?
Đà giảm kéo dài...
Từ sau thời điểm Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào tháng 7-2023, thị trường lúa gạo thế giới liên tục sôi động khi các nhà nhập khẩu đổ dồn tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu còn lại như: Thái Lan, Việt Nam và Pakistan nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Đơn cử, với Indonesia, năm ngoái quốc gia này đã vượt mặt Trung Quốc để vươn lên vị trí thứ hai về thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, với khối lượng đạt hơn 1,165 triệu tấn, kim ngạch đạt trên 640 triệu đô la Mỹ, tăng gấp 9,8 lần về lượng và 10,9 lần về kim ngạch so với năm 2022.
Nhu cầu thị trường tăng đột biến khiến giá xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng được đẩy lên rất mạnh, nhất là từ sau thời điểm Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo.
Theo đó, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nếu như tháng 1-2023, bình quân giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 512 đô la Mỹ/tấn, thì đến tháng 7-2023 (ngày 20-7-2023 Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo trắng non-basmati) đạt mức 549 đô la Mỹ/tấn. Liên tiếp các tháng sau đó, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam tháng sau cao hơn tháng được, đạt 593 đô la Mỹ/tấn vào tháng 8-2023, rồi lên 618, 640, 667, 688 đô la Mỹ/tấn ở các tháng tiếp theo của năm ngoái.
Đỉnh điểm là vào tháng 1-2024, bình quân giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức 707,17 đô la Mỹ/tấn. Đây là mức giá xuất khẩu bình quân rất cao của gạo Việt Nam, theo Tổng cục Hải quan.
Ngoài yếu tố các quốc gia nhập khẩu tăng cường mua gạo để đảm bảo an ninh lương thực, thì nguồn cung hạn chế trong những tháng cuối năm ngoái cũng chính là nguyên nhân “góp phần” đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, bao gồm cả ở thị trường nội địa trong thời điểm lúc bấy giờ.
Có thể nói, “cuộc chơi” thương mại gạo thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong những tháng cuối năm ngoái là “cuộc chơi” của bên bán hay nói cách khác bên bán “nắm quyền chi phối” trong các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, xu hướng trong những tháng đầu năm 2024 lại diễn biến theo chiều hướng ngược lại, nhất là sau thời điểm tháng 1-2024 khi nguồn cung của bên bán trở nên dồi dào hơn trong khi bên mua “tung” chiêu thức mua bán mới. Điều này, là một trong những lý do cốt lõi khiến giá gạo xuất khẩu lẫn thị trường nội địa của Việt Nam đều đi xuống, dù nhu cầu thị trường nhìn chung vẫn cao.
Tại một hội nghị ngành hàng lúa gạo mới đây, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) xác nhận, phương thức nhập khẩu gạo của Indonesia đã thay đổi.
Theo đó, trước đây, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) nhập khẩu theo hình thức đấu thầu cấp Chính phủ (G2G) với gói thầu có khối lượng lớn để chọn nguồn cung từ quốc gia có giá thấp nhất. Thế nhưng, các gói thầu gần đây, Indonesia cho mở từng gói nhỏ và chia ra nhiều quốc gia cùng trúng.
Một điểm đặc biệt từ chính sách mới của Indonesia, đó là doanh nghiệp có giá thầu thấp nhất vẫn chưa phải là đơn vị thắng, mà sẽ vào vòng đàm phán tiếp theo nhằm “ép giảm giá” tiếp.
Cụ thể, về nguyên tắc nếu bỏ giá thấp nhất là thắng, nhưng “luật chơi” mới của Indonesia là 3 đơn vị bỏ giá thấp nhất sẽ đi vào vòng đàm phán tiếp theo (đàm phán kín) để yêu cầu bên xuất khẩu giảm giá tiếp.
Với “luật chơi” vậy, các gói thầu bán gạo của Việt Nam cho Indonesia từ đầu năm đến nay đều bị ép giảm so với mức giá doanh nghiệp bỏ thầu. Điều này, cũng là một phần lý do đã tác động đến xu hướng giá chung của toàn ngành, nhất là khi giá thế giới cũng “hạ nhiệt”.
Cụ thể, theo Tổng cục hải quan, nếu tháng 1-2024, bình quân giá xuất khẩu là 707,17 đô la Mỹ/tấn, thì sang tháng 2-2024 còn 663,25 đô la Mỹ/tấn và giảm xuống mức chỉ còn 623 đô la Mỹ/tấn vào tháng 5-2024.
Riêng trong tháng 6-2024, bình quân giá xuất khẩu gạo của Việt Nam còn dự báo thấp hơn, bởi giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm rất mạnh và hiện dao động quanh mức 569-574 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm và 547-553 đô la Mỹ/tấn đối với phân khúc 25% tấm. Việt Nam cũng là quốc gia có giá chào xuất khẩu gạo thấp nhất hiện nay.
Vẫn còn nhiều ẩn số về giá xuất khẩu?
Câu hỏi được đặt ra, đó là xu hướng sụt giảm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có được “cắt đứt” hay không trong những tháng cuối năm 2024?
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV nhận định, thị trường lúa gạo Việt Nam ở thời điểm hiện nay đã “chạm đáy”, tức giá sẽ không giảm thêm trong thời gian tới.
Theo ông Thành, giá giảm khi vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào kỳ thu hoạch lúa Hè thu là câu chuyện mang tính thường niên, bởi đây là vụ sản xuất có điều kiện thời tiết không thuận lợi, khiến chất lượng gạo không tốt, nhà nhập khẩu không chuộng. “Nhưng hiện đây cũng là giá đáy rồi”, ông nói.
Có một yếu tố đặc biệt để đưa ra nhận định thị trường lúa gạo sẽ tiêu thụ tốt hơn, đó là sau thời gian ngắn cả bên bán lẫn bên mua “án binh bất động” chờ chính sách thuế mới của Philippines, thì việc đàm phán mua bán đã được nối lại khi quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chính thức thông qua việc giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống còn 15%, áp dụng từ ngày 5-7.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, chính sách thuế mới của Philippines có thể giúp doanh nghiệp nhập khẩu tiết kiệm khoảng 120 đô la Mỹ/tấn gạo, đưa giá bán gạo đến tay người tiêu dùng hợp lý hơn so với hiện nay.
Theo ông, việc giảm thuế không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng bán gạo, thậm chí có thể bán được giá cao hơn. Bởi lẽ, Việt Nam nâng giá bán thêm 10-20 đô la Mỹ/tấn, thì giá nhập khẩu của Phlippines vẫn thấp hơn so với thời điểm áp thuế 35%.
Thực tế, hiện doanh nghiệp Philippines đã quay lại hỏi mua hàng nhiều hơn, thậm chí mua số lượng lớn đối với phân khúc sản phẩm gạo chất lượng cao (Đài Thơm 8, OM18 và OM5451). Đây vốn là mặt hàng có lợi thế của Việt Nam ở Philippines.
“Thuế giảm sâu xuống còn 15% rõ ràng là lợi thế rất lớn cho gạo Việt Nam, nhất là khi chúng ta có ưu thế về sản phẩm tươi, chi phí thấp, giao nhận nhanh, đặc biệt người tiêu dùng Philippines rất ưa chuộng gạo Việt Nam”, ông Thành của Phước Thành IV cho hay.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tích cực như nêu trên, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vừa lên tiếng xem xét “nới lỏng” hạn chế xuất khẩu gạo hay nói cách khác đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đang xem xét cho xuất khẩu gạo trở lại.
Theo nhận định của những người trong cuộc, việc nối lại xuất khẩu gạo trắng non-basmati của Ấn Độ là hoàn toàn có thể xảy ra, bởi lượng hàng tồn kho của quốc gia này đã ở mức kỷ lục.
Theo tờ Knnindia.co.in của Ấn Độ, quốc gia này dư thừa khoảng 18 triệu tấn gạo được lưu trữ trong các kho của Tổng công ty lương thực Ấn Độ (FCI), tính đến cuối tháng 4-2024. Thậm chí, việc tồn kho quá lớn đã làm “cạn kiệt” tài chính của FCI khi phải bỏ ra một khoản chi phí lớn cho lưu kho và bảo quản.
Nếu Ấn Độ quay lại chắc chắn sẽ là áp lực rất lớn đối với các quốc gia xuất khẩu gạo còn lại, trong đó có Việt Nam. Điều này, có khả năng sẽ tác động đến xu hướng giá lương thực trên thế giới khi các quốc gia nhập khẩu có lý do để mặc cả trong các cuộc đàm phán.
Rõ ràng, xu hướng giá bán vẫn là yếu tố rất khó đoán khi phải phụ thuộc khá lớn vào chính sách của các nước có liên quan…