Lúa gạo giảm giá mạnh những ngày cận Tết
Trung Chánh
Giá lúa gạo nội địa sụt giảm mạnh trong những ngày cận Tết. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh |
(TBKTSG Online) - Sau khi tăng mạnh vào thời điểm Việt Nam trúng thầu bán hơn 140.000 tấn gạo cho Indonesia, giá lúa gạo thị trường nội địa trong những ngày cận Tết Nguyên đán bất ngờ sụt giảm mạnh.
Trao đổi với TBKTSG Online, bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Yến Ngọc cho biết, gạo thơm nguyên liệu tại thị trường chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang hiện được giao dịch quanh mức 9.000-9.300 đồng/kg; gạo thơm thành phẩm là 11.000-11.300 đồng/kg, giảm 800-1.000 đồng/kg so với mức giá được ghi nhận vào thời điểm Việt Nam trúng thầu bán hơn 140.000 tấn gạo cho Indonesia, tức cách nay khoảng 20 ngày.
Gạo nguyên liệu của giống IR 50404 hiện có giá 7.600-7.800 đồng/kg và gạo thành phẩm chế biến thành gạo 5% tấm là 8.900-9.000 đồng/kg, giảm 300-400 đồng/kg so với mức giá cách nay khoảng 20 ngày.
Trong khi đó, lúa thơm thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp trên thị trường hiện được giao dịch quanh mức 5.700-5.800 đồng/kg so với mức giá giao dịch 20 ngày trước đó là 6.200-6.300 đồng/kg. Còn lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt liên hợp ở khu vực giáp ranh biên giới Việt Nam- Campuchia (thuộc địa phận tỉnh Long An) có giá 5.100-5.200 đồng/kg, giảm 200-300 đồng/kg so với mức giá cách nay 20 ngày.
Theo bà Yến, nếu thị trường tiếp tục ảm đạm do giá lúa gạo giảm mạnh sẽ đẩy không ít thương nhân kinh doanh gạo rơi vào tình trạng thua lỗ. “Bởi, hầu hết diện tích lúa trên đồng đều được thương lái đặt cọc mua lúa non trước đó”, bà giải thích.
Nói về lý do giá lúa gạo giảm mạnh, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi (Tiền Giang) cho biết có 3 lý do. Thứ nhất, hiện tại là những ngày cận tết nên nhu cầu mua vào của doanh nghiệp giảm; thứ hai, Cơ quan phát triển kinh tế quốc gia Philippines đã quyết định hoãn ban hành kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn gạo được dự kiến trước đó; thứ ba, lượng gạo trúng thầu hơn 140.000 tấn gạo bán cho Indonesia khi phân bổ bình quân cho các doanh nghiệp thì không phải là con số lớn.
Trong khi đó, theo bà Yến, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu gạo thơm giảm “ăn hàng”, nhất là với thị trường Iraq cũng đã có tác động kéo giá lúa gạo thị trường nội địa đi xuống.
Tuy nhiên, nhiều khả năng thị trường Philippines sẽ sớm ra quyết định nhập khẩu 250.000 tấn gạo để bổ sung nguồn dự trữ. Bởi, theo thông tin từ Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA), lượng gạo tồn kho của cơ quan này chỉ còn 65.200 tấn, đủ dùng trong 2 ngày, trong khi quy định của quốc gia này lượng tồn kho phải đủ tiêu dùng trong 15 ngày vào bất kỳ thời điểm nào.
Mời xem thêm:
Nhu cầu tăng đẩy giá lúa gạo tăng vọt