Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lúa ma cần được bảo vệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lúa ma cần được bảo vệ

TS. Dương Văn Ni

(TBKTSG) – Khi các cơn mưa đầu mùa đến, nước mưa hòa tan phèn nên lớp nước mặt rất chua. Trong điều kiện đó, hạt của các loài thực vật khác không thể nảy mầm, nhưng hạt lúa ma vẫn nảy mầm và rễ phát triển sâu trong đất.

Do cấu tạo địa chất và quá trình hình thành, đất phèn ở ĐBSCL có những đặc tính như mùa khô thiếu nước; mùa mưa ngập sâu và mực nước lên nhanh; độ chua trong đất cao và hàm lượng dinh dưỡng hữu dụng thấp. Trong điều kiện đó đã xuất hiện những loài sinh vật đặc biệt, gọi chung là loài chịu phèn. Chúng có những khả năng đặc biệt như nhu cầu sử dụng nước trong mùa khô thấp; rễ có cơ chế khử các chất gây chua hoặc có khả năng hòa tan chất dinh dưỡng khó tan trong đất; thích nghi với vùng nước ngập sâu và có khả năng tăng trưởng nhanh; củ hay hạt có sức sống lâu dài khi nằm trong đất hoặc chu kỳ sinh trưởng nhanh chỉ trong vài tuần lễ. Những khả năng đặc biệt này được lưu trữ trong gen của mỗi loài, vì vậy chúng có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ví dụ như cây lúa ma (Oryza rufipogon), khi các cơn mưa đầu mùa đến, nước mưa hòa tan phèn nên lớp nước mặt rất chua (pH<3). Trong điều kiện đó, hạt của các loài thực vật khác không thể nảy mầm, nhưng hạt lúa ma vẫn nảy mầm và rễ phát triển sâu trong đất. Rễ lúa ma có khả năng khử các chất gây chua, hút lấy dinh dưỡng và nước trong đất để sinh trưởng. Vì vậy, khi nước lũ tràn về, nhờ rễ đã bám chặt trong đất, nên cây lúa không bị nổi và có thể vượt rất nhanh theo nước, thân cây lúa tăng trưởng hơn 10 cen ti mét/ngày. Nước lên cao đến đâu thì cây lúa ma vươn theo đến đó. Đến tháng 10 thì lúa ma trổ và hạt lúa chín sau đó khoảng 10 ngày. Rồi hạt lúa rụng vào đất và chờ cho đến mùa mưa năm sau, nảy mầm và tiếp tục một vòng đời mới.

Có thể thấy là các đặc tính như chịu phèn, chịu hạn, vượt nước, chín nhanh và hạt giữ được sức nảy mầm lâu đều không có ở các giống lúa cao sản đang canh tác. Một số giống lúa cao sản gọi là “chịu phèn” hiện nay là do chúng đã được thừa hưởng “gen chịu phèn” của lúa ma, thông qua kỹ thuật cấy – ghép gen.

Từ những năm 1960, nhiều nước đã bắt đầu chương trình thu thập nguồn gen của các loài cây có giá trị kinh tế như bắp, đậu nành, mía, mè, lúa… trên khắp thế giới. Mục đích là nhằm sở hữu các nguồn nguyên liệu di truyền để sau này có thể tạo ra giống mới hay cải thiện chất lượng các giống đang có. Tuy nhiên, sau gần chục năm thực hiện, các nhà khoa học đã kết luận là việc lưu trữ mẫu trong các kho lạnh hay quy tập về trồng trong các trại thực nghiệm đã làm suy thoái các nguồn gen này.

Nhiều chuyên gia cho rằng cách tốt nhất là duy trì loài đó tại nơi tìm thấy chúng và tìm cách bảo vệ nguyên trạng cả hệ sinh thái đó. ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị mất rất nhiều loài đặc biệt trên đất phèn nặng do thời gian qua, chúng ta đã tìm mọi cách để cải tạo đất phèn thành đất nông nghiệp. Hệ thống kênh mương chằng chịt nhằm thoát lũ, tháo chua, xổ phèn đã khiến diện tích đất phèn nặng giảm nhanh. Đặc biệt, chế độ khô – ngập và chất lượng nước không còn theo quy luật tự nhiên đã khiến những loài vốn có khả năng thích nghi với môi trường khắc nghiệt dần bị biến mất.

Dù chúng ta đã rất nỗ lực trong việc bảo vệ những vùng đất phèn tự nhiên nhưng những bất cập trong mục tiêu quản lý đã làm tính đa dạng sinh học suy giảm rất đáng kể.

Trong hệ sinh thái đó, lúa ma đóng vai trò là loài chủ lực. Chúng là nguồn thức ăn quan trọng để duy trì sự sống cho các loài khác trong những giai đoạn đặc biệt khó khăn như khi nước ngập sâu hay lúc khô hạn. Rễ, thân, lá, hạt lúa ma là nguồn thức ăn cho rất nhiều loài trong lúc nước ngập mênh mông. Vì vậy, khi loài lúa ma bị biến mất thì chuỗi thức ăn của hệ sinh thái này sẽ bị xáo trộn trầm trọng và các loài sống nhờ vào lúa ma sẽ dần biến mất trước tiên. Ngoài ra, chúng ta cũng bị mất đi một nguồn gen quý có thể cấy – ghép vào các giống lúa cao sản nhằm tạo ra giống mới có khả năng thích nghi tốt với những vùng sinh thái khác nhau ở ĐBSCL.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới