Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lúa mùa nổi sẽ giúp cải thiện môi trường châu thổ sông Cửu Long

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Do không sử dụng phân thuốc hoá học, lúa mùa nổi đã chứng minh là một trong những mô hình khả thi giúp cải thiện môi trường cho vùng đất châu thổ sông Cửu Long. Đặc biệt, đây là hướng đi không chỉ tạo được sản phẩm thuần tự nhiên, mà còn góp phần tạo nền tảng giúp đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi cho người nông dân.

Lúa mùa nổi của Tổ hợp tác mô hình lúa mùa nổi – cá ở khóm 2, phường An Bình B, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Lúa mùa là loại lúa truyền thống đã được người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sản xuất trước những năm 1985. Với đặc tính nước đến đâu, cây lúa vươn lóng vượt lên khỏi mặt nước đến đấy, cho nên, đây là loại cây lương thực đã được người dân vùng lũ khá chuộng và được gọi là “lúa mùa nổi”.

Thế nhưng, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng lương thực gia tăng, ngoài việc đầu tư mạnh cho hệ thống thuỷ lợi để cải tạo đất, thì các giống lúa cao sản cũng đã được chọn tạo nhiều hơn để phục vụ mở rộng diện tích sản xuất. Đặc biệt, việc lạm dụng phân, thuốc hoá học để tăng năng suất trên đồng ruộng cũng ngày càng trầm trọng hơn. Điều này, đã khiến cây lúa mùa nổi ở ĐBSCL cũng bị thu hẹp diện tích tối đa, thậm chí có lúc tưởng chừng đã tuyệt chủng.

Tuy nhiên, ngay trong mùa lũ năm 2022 này, ở ĐBSCL vẫn còn một vài địa phương canh tác lúa mùa nổi. Đây là mô hình canh tác hoàn toàn tự nhiên, cho nên, không chỉ tốt cho môi trường sinh thái, mà sản phẩm còn rất an toàn cho người tiêu dùng.

Không hoá chất, năng suất và chất lượng “thuận tự nhiên”

Ông Nguyễn Văn Nào, nông dân 67 tuổi sản xuất 6,5 héc ta lúa mùa nổi ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết, ruộng lúa mùa nổi của ông đã xuống giống vào ngày 6 tháng 6 âm lịch (tức ngày 4-7-2022) và dự kiến sẽ thu hoạch vào tháng Chạp.

Theo ông Nào, trường hợp nước dâng cao, nông dân sẽ sử dụng khoảng 5 kg phân lạnh (đạm)/công (1.000 m2) để “tiếp sức” cho cây lúa vượt theo con nước, ngược lại thì không cần sử dụng. “Sản xuất lúa mùa nổi, bón phân “lơ mơ” là hư liền, bởi có nước lúa sẽ vượt lên tốt, nhưng ngược lại cây lúa sẽ bị đổ ngã, hư hết”, ông nói.

Ông Nguyễn Văn Nào (phải), nông dân sản xuất mô hình lúa mùa nổi – mì ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: Trung Chánh

Ông Nguyễn Đức Trung, 62 tuổi, Tổ trưởng Tổ hợp tác mô hình lúa mùa nổi – cá ở khóm 2, phường An Bình B, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, đây là vụ đầu tiên các thành viên của tổ hợp tác sản xuất lúa mùa nổi. “Sản xuất lúa hai vụ (mỗi năm) đơn thuần lợi nhuận không cao, cho nên, chúng tôi chuyển đổi sang mô hình lúa mùa nổi – cá để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn”, ông Trung giải thích lý do chuyển sang mô hình mới.

Theo ông, kết quả phải chờ đến kỳ thu hoạch vào cuối năm nay mới rõ, nhưng cái lợi ban đầu là nông dân không sử dụng phân thuốc hoá học. “Trong khi đó, ruộng lúa vẫn nhận lũ nên chắc chắn môi trường, đất đai sẽ được cải tạo độ màu mỡ”, ông cho biết.

Ông Lâm Quốc Tuấn, 46 tuổi, Tổ viên Tổ hợp tác mùa nổi – cá ở khóm 2, phường An Bình B, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp thì cho rằng, chi phí sản xuất lúa lúa cao sản quá cao, trong khi giá bán không như mong đợi, cho nên, khi Nhà nước có hướng hỗ trợ, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu (15.000 đồng/kg) nên quyết định triển khai. “Đây là mô hình “thuận thiên” hoàn toàn”, ông Tuấn nhấn mạnh và giải thích, ruộng lúa thì không phân thuốc hoá học, trong khi cá nuôi lớn lên nhờ dẫn dụ cá con bên ngoài vào theo dòng nước lũ.

Việc sản xuất lúa mùa nổi là “thuận thiên”, cho nên, năng suất và chất lượng cũng hoàn toàn tự nhiên, không có bất kỳ tác động nào bởi yếu tố nhân tạo. “Sản xuất lúa mùa nổi phụ thuộc ông trời, nước về kịp thì “êm” lắm”, ông Nào nói.

Ông Nguyễn Phước Xuân, chuyên viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, đơn vị bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa mùa nổi ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết, năng suất phụ thuộc vào nước và thời tiết khi lúa trổ. “Ví dụ, khi lúa trổ gặp mưa, thì hạt sẽ bị lép nhiều, trong khi lúa mùa nổi là lúa sạch, không phun xịt thuốc nên tỷ lệ hạt lúa vô gạo vốn đã kém”, ông dẫn chứng.

Mô hình lúa mùa nổi- cá của Tổ hợp tác lúa mùa nổi – cá ở khóm 2, phường An Bình B, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Sản xuất lúa mùa nổi lấy rơm phát triển cây màu

Như đã nêu ở trên, hiệu quả của vụ lúa mùa nổi năm nay phải đợi đến cuối năm mới biết chính xác kết quả. Thế nhưng, theo ông Nào, năng suất ở vụ mùa năm ngoái đạt khoảng 1,2 tấn/héc ta. “Với mức giá được bao tiêu của năm ngoái là 16.000 đồng/kg, nông dân thu được 19,2 triệu đồng/héc ta, tương đương đạt 1,92 triệu đồng/công”, ông tính toán.

Tuy không phải tốn chi phí phân thuốc, nhưng theo ông Nào, chi phí đầu tư cho mỗi công lúa lúa mùa nổi là khoảng 670.000 đồng, bao gồm xới đất 100.000 đồng, giống 160.000 đồng, thu hoạch (thu hoạch bằng tay) 350.000 đồng và tuốt lúa là 60.000 đồng. “Như vậy, mỗi công lúa mùa nổi nông dân đạt lợi nhuận khoảng 1,25 triệu đồng”, ông Nào tính toán.

Tuy nhiên, điều quan trọng của việc sản xuất lúa mùa nổi, đó là nông dân tận dụng được nguồn rơm rạ (rơm rạ lúa mùa nổi bền, có thể đậy cho đất rẫy được 6-7 tháng, trong khi lúa thần nông chỉ 2-3 tháng) nhằm phát triển cây màu cho thu nhập cao hơn rất nhiều.

Rơm từ cây lúa mùa nồi có độ bền cao nên được sử dụng để trồng cây màu cho hiệu quả cao. Ảnh: Trung Chánh

Cụ thể, với vụ khoai mì năm 2021, ông Nào cho biết, năng suất đạt 30 tạ/công (1 tạ tính là 72 kg), có giá bán 300.000 đồng/tạ, tức đạt 9 triệu đồng/công. Trong khi đó, chi phí đầu tư mỗi công là khoảng 2,5 triệu đồng, bao gồm tiền mì giống 720.000 đồng, nhân công trồng 300.000 đồng, phân bón 1 triệu đồng, thuốc diệt cỏ 100.000 đồng, thu hoạch 370.000 – 380.000 đồng. Như vậy, sau vụ lúa mùa nổi, vụ mì nông dân thu được khoảng lợi nhuận khoảng 6,5 triệu đồng/công, cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận của cây lúa mùa nổi.

Ông Tuấn, tổ viên của Tổ hợp tác mô hình lúa mùa nổi – cá ở khóm 2, phường An Bình B, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho rằng, do đây là vụ đầu tiên tổ hợp tác sản xuất nên chưa biết doanh thu, lợi nhuận như thế nào. “Nhưng, hiệu quả từ con cá sẽ cao hơn lúa là chắc chắn”, ông dự báo.

Ông Nguyễn Văn Kiền, Cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn (RCRD) thuộc Trường Đại học An Giang từng chỉ ra rằng, đối với mô hình sản xuất ba vụ lúa/năm (lúa cao sản) tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, nông dân thu được một khoản lợi nhuận khoảng 4,8 triệu đồng/công, tỷ suất lợi nhuận thu được trên đồng vốn đầu tư bỏ ra là 0,71. Còn mô hình lúa – lúa – bò, nông dân thu được một khoản lợi nhuận 13,9 triệu đồng/công, tỷ suất lợi nhuận là 0,56.

Trong khi đó, đối với mô hình lúa mùa nổi – khoai mì được sản xuất tại xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, người dân thu được khoản lợi nhuận trên 4,4 triệu đồng/công, nhưng tỷ suất lợi nhuận đến 1,81. Với mô hình lúa mùa nổi – ớt, người dân thu được 17,67 triệu đồng/công với tỷ suất lợi nhuận là 2,68. Còn mô hình lúa mùa nổi – củ kiệu cho lợi nhuận đến 24,9 triệu đồng/công với tỷ suất lợi nhuận là 1,68.

Lộc Trời bao tiêu gần 300 héc ta lúa mùa nổi ở ĐBSCLÔng Nguyễn Hữu Tho, Phó giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, đơn vị này đã và đang triển khai các vùng liên kết sản xuất và bao tiêu cho bà con nông dân canh tác lúa mùa nổi tại 3 tỉnh vùng ĐBSCL, gồm An Giang, Đồng Tháp và Long An với tổng diện tích gần 300 héc ta. “Tại đây, Lộc Trời không chỉ đảm bảo đầu ra mà còn áp dụng các chính sách hỗ trợ bà con nông dân như: tặng giống đầu vào (ở mô hình lúa mùa nổi – cá- PV), tặng dịch vụ sạ giống bằng máy bay không người lái (drone)…, giúp nông dân giảm chi phí, tiết kiệm công lao động và tăng hiệu quả mùa vụ”, ông Tho cho biết.Tuy nhiên, theo ông Tho, hiện tại Lộc Trời chưa thương mại hóa sản phẩm gạo từ giống lúa mùa nổi. “Dù vậy, đội ngũ nhân viên của Lộc Trời vẫn đang nỗ lực từng ngày để sớm đưa sản phẩm từ gạo này đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, ông cho biết và nói rằng, định hướng của đơn vị này là phát triển vùng liên kết sản xuất rộng khắp các vùng nguyên liệu canh tác lúa mùa nổi tại ĐBSCL.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới