(KTSG Online) – Mô hình của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có triển vọng thu hút nông dân khi lợi ích tăng cao so với phương thức canh tác truyền thống. Tuy nhiên, đề án vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là không kỳ vọng sẽ bán tín chỉ carbon…
Kết quả thí điểm 7 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở 5 địa phương vùng ĐBSCL, bao gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang một lần nữa khẳng định hiệu quả trong gia tăng kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường…
Vấn đề "cốt lõi” là mang đến hiệu quả
Trao đổi với KTSG Online khi tham quan mô hình thí điểm đề án nêu trên, ông Lâm Hoàng Hưng, Giám đốc hợp tác xã Mỹ Thuận, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, muốn nông dân tham gia, vấn đề “cốt lõi” là phải mang lại hiệu quả cho người nông dân.
Theo ông, trước dịch Covid-19, số lượng thành viên hợp tác xã Mỹ Thuận liên tục tăng cao, nhưng từ sau dịch số lượng ngày một sụt giảm mạnh.
Giải thích vấn đề này với KTSG Online, ông Hưng cho rằng, trước dịch Covid-19, giá vật tư, phân bón trên thị trường liên tục tăng cao, trong khi hợp tác xã ký hợp đồng giá cố định trong hai năm với Công ty Lộc Trời từ trước có giá thấp hơn nên nông dân xin tham gia để được hưởng lợi. Tuy nhiên, tình hình sau đó diễn biến ngược lại, tức giá ký hợp đồng cố định hai năm tiếp theo của hợp tác xã cao hơn thị trường nên nông dân xin ra khỏi hợp tác xã ngày càng tăng.
Từ câu chuyện nêu trên có thể thấy muốn nông tham gia, yếu tố “cốt lõi” cần có là hiệu quả mang lại phải cao hơn về mặt kinh tế. Điều này cũng đã được chứng minh qua thực tế, có nhiều mối quan hệ hợp tác thời gian qua đi đến thất bại cũng vì… “tính hiệu quả”.
Tuy nhiên, với mô hình 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đang có nhiều cơ hội thu hút nông dân tham gia vì đang chứng minh được hiệu quả.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, ban đầu thực hiện thí điểm, nhiều nông dân không tham gia vì nghi ngại quy trình canh tác mới không đảm bảo năng suất khi phải giảm giống, phân bón. “Nhưng, khi thấy hiệu quả rồi thì tất cả đều xin tham gia, xung phong đăng ký làm mô hình. Đây là điều hiếm thấy đối với ngành nông nghiệp”, ông nhấn mạnh.
Thực tế, tại hội nghị sơ kết thực hiện 7 mô hình thí điểm vụ thứ nhất thuộc đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, các chỉ số về năng suất của mô hình đều cao hơn bên ngoài. Trong đó, bình quân năng suất mô hình vụ hè thu 2024 đạt gần 6,5 tấn/héc ta, cao hơn khoảng 0,5 tấn/héc ta so với bên ngoài.
Về kinh tế, theo ông, các mô hình cho lợi nhuận tăng cao hơn từ khoảng 4-7,5 triệu đồng/héc ta so với phương thức canh tác truyền thống của nông dân. “Thu nhập tăng thêm từ nâng cao năng suất lúa, giá bán tốt hơn, trong khi chi phí giảm do giảm lượng phân, thuốc đầu vào. Đây là con số thực tế từ mô hình, chứ không phải con số chúng tôi xử lý”, ông Tùng nhấn mạnh.
Còn về kết quả giảm phát thải khí nhà kính, ông Nam cho biết, khi áp dụng mô hình canh tác bền vững của đề án, bình quân các mô hình sẽ giảm 5 tấn Co2e (Co2 tương đương) so với phương thức canh tác truyền thống.
Từ kết quả đã đạt được, theo ông Tùng, vụ đông xuân 2024-2025, 5 địa phương thí điểm sẽ mở rộng diện tích thí điểm lên 3.344 héc ta, năng suất bình quân dự kiến đạt gần 7,3 tấn/héc ta, với sản lượng khoảng 24.343 tấn.
Trong khi đó, ông Nam cho biết, từ kết quả hiện tại cũng như vụ đông xuân 2024-2025 tới, các địa phương vùng ĐBSCL sẽ mở rộng diện tích đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL lên 200.000 héc ta trong năm 2025.
Còn nhiêu vấn đề phải giải quyết
Kết quả thực tế đã chứng minh mô hình có hiệu quả khi nhiều nông dân mong muốn tham gia, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải có giải pháp giải quyết trong thời gian tới.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho biết, bên cạnh hướng dẫn cụ thể về chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp tham gia đề án, cần có nhãn hiệu cho gạo giảm phát thải để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. “Các doanh nghiệp thu mua từ thời điểm này về trước chưa tiếp cận được (thị trường gạo phát thải thấp) nên cần hỗ trợ các địa phương gắn nhãn hiệu gạo giảm phát thải để tiêu thụ”, ông kiến nghị.
Theo ông Nghiêm, một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả của đề án, đó là thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng. Tuy nhiên, lấy rơm ra để trồng nấm, thì 1 triệu héc ta rất lớn, cho nên, Cục trồng trọt cần có đề án làm căn cứ sử dụng rơm rạ hiệu quả hơn.
Liên quan việc xử lý rơm rạ, “cha đẻ” giống gạo ST25, ông Hồ Quang Cua cho rằng, Trường Đại học Cần Thơ đã chọn được những dòng nấm Trichoderma có thể giúp phân huỷ tốt rơm rạ kể cả trong vụ hè thu. “Kết quả này đã được chúng tôi thử nghiệm liên tục 5 năm nay và mỗi năm chúng tôi sử dụng 0,5-1 tấn nấm trichoderma”, ông cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp kiến nghị, các doanh nghiệp cơ giới hoá khâu gieo sạ cần tiếp tục cải tiến thiết bị khi vận hành. Bởi khâu cơ giới hóa gieo sạ vẫn còn tình trạng không đều, nông dân phải làm lại, nhất là với ruộng có điều kiện đất lầy.
Ông Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị này đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và một số Tổ chức tài chính quốc tế để cung cấp vốn cho các bên tham gia đề án theo hình thức mô hình liên kết, tức giải ngân tín chấp trong mối liên kết giữa doanh nghiệp đầu vào, hợp tác xã và đầu ra. Bộ cũng đã xây dựng tiêu chí để huy động các doanh nghiệp tham gia, trong đó, giao cho Hiệp hội ngành hàng lúa gạo huy động các doanh nghiệp, đảm bảo việc liên kết, mới hướng tới vấn đề giải ngân.
"Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh “không bàn tới” vấn đề bán tín chỉ các bon. Tôi nhắc rất nhiều lần là đề án giảm chi phí, tăng năng suất và tăng thu nhập, không phải nhằm mục đích bán tín chỉ carbon”, ông nhấn mạnh.
Theo ông, đơn vị này có thoả thuận với Ngân hàng Thế giới (WB), từ Quỹ tài chính carbon chuyển đổi (TCAF), trong vụ hè thu 2025 hoặc đông xuân 2025-2026 sẽ chi trả thí điểm khoảng 20 triệu đô la Mỹ. Bộ đã thỏa thuận với TCAF của WB và đang hoàn chỉnh các thủ tục, từ đó Bộ mới xây dựng cơ chế để trình Chính phủ chi trả thí điểm tín chỉ carbon. Đây là chi trả thí điểm, chứ không phải bán tín chỉ carbon…