Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lừa tiền… mã hóa

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Để thấy cái thế giới ngày nay dễ bị lừa bởi những khái niệm mới như tiền mã hóa, công nghệ chuỗi khối như thế nào, hãy quan sát sự ra đời, được bơm phồng lớn gấp ngàn lần rồi mau chóng bị xì hơi của đồng tiền mã hóa Squid Game như một minh họa.

Gọi là trường hợp minh họa vì cái tên Squid Game chỉ là một trong nhiều yếu tố lừa đảo, được đặt cho đồng tiền này để ăn theo bộ phim cùng tên nổi tiếng của Hàn Quốc. Thật ra đặt tên nào cũng không thay đổi kịch bản đi lừa thiên hạ, giả dụ thấy phim Eternals đang ăn khách, rất có thể sẽ có đồng tiền Eternals ra đời trong nay mai.

Trước tiên nhìn từ người bị lừa, tờ Wired có một bài viết khá chi tiết. Luke Hartford, một kỹ sư người Úc đang theo dõi các đồng tiền mã hóa để tìm kiếm cơ hội đầu tư, làm giàu nhanh chóng. Một ngày cuối tháng 10, anh đọc được mẩu Tweet của một người báo có đồng tiền vừa tăng đến… 1.000% nhưng vẫn có khả năng tăng thêm 200% nữa tên là Squid Game. Lúc này giá mỗi đồng Squid Game là 72 cent và người này thúc hối: “Mua đi, mua trước khi nó lên 1 đô la Mỹ”.

Một cây bút bình luận trên Bloomberg viết: “Toàn bộ câu chuyện thật ngu ngốc đến nỗi tôi không đành lòng viết về nó; nếu bạn mất tiền vì đồng Squid, bạn nên đến nhà tôi đưa tôi ví tiền của bạn vì bạn không nên được phép sử dụng tiền nữa”.

Mặc dù không liên quan gì đến bộ phim Squid Game đang ăn khách trên Netflix, đồng tiền Squid Game vẫn tìm cách ăn theo khi giới thiệu cho người chơi phương cách càng chơi càng ăn tiền. Hartford là một tay chơi tiền mã hóa dày dạn kinh nghiệm vì nhảy vào lĩnh vực này từ năm 2017.

Mặc dù hoài nghi nhưng các vụ đồng tiền mã hóa trông như trò đùa hóa ra vẫn lên giá vùn vụt làm anh không muốn bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào. Anh thận trọng vào BscScan là nơi ghi nhận mọi giao dịch trên sàn Binance để đọc kỹ trước khi quyết định. Ngay lúc này vẫn có nhiều người cảnh báo coi chừng Squid Game vì từ đâu ra không ai biết, giá lên quá nhanh không thể tin được, nhất là khả năng vi phạm bản quyền tên tuổi là quá rõ.

Nửa tin nửa ngờ Hartford quyết định đầu tư 300 đô la Mỹ mua Squid Game, lúc này mỗi đồng có giá 90 cent rồi để yên đó quan sát. Chẳng mấy chốc giá lên 1 đô la Mỹ, tức cho anh mức lãi 10% trong nháy mắt; rồi lên 2 đô la, 3 đô la… Hartford kể lại cho tờ Wired: “Tối đó tôi cứ ngồi nhìn giá lên, bụng khấp khởi vì số tiền đầu tư tăng gấp hai, gấp ba chỉ trong vòng mấy giờ đồng hồ”. Khi Hartford thức dậy vào sáng hôm sau, đồng Squid Game đã tăng lên mức 5 đô la; món đầu tư 300 đô la của anh nay đã biến thành 1.660 đô la!

Nhưng cũng sáng đó Hartford phát hiện ra dấu hiệu bất ổn đầu tiên: nhiều người lên Twitter than không thể bán Squid Game được. Nhiều người bày phải mua các món hàng trong trò chơi do phía tổ chức đồng Squid Game phát hành rồi mới bán được. Hartford lúc này vẫn chưa biết anh bị lừa hay đang trúng đậm.

Rõ nhất là chuyện ai mua đồng Squid Game đều được nhưng bán thì không thể. Tiền cứ vô mà không cho ra, giá chắc chắn cứ lên và cuối cùng những kẻ tổ chức sẽ ôm tiền bỏ trốn.

Điều làm anh tương đối yên tâm là giá Squid Game vẫn tăng vọt và báo chí chính thống vào cuộc tranh nhau đưa tin về hiện tượng Squid Game. Cái yếu của báo chí là cứ đưa tin mà không điều tra gì thêm cho độc giả như CNBC viết: Đồng mã hóa Squid Game vừa tăng gần 2.400% trong 24 giờ qua.

Tờ này còn in hình một cảnh trong phim Squid Game và nói, nay phim này lại có đồng tiền mã hóa cùng thương hiệu, vừa ra đời giá vọt lên, giúp tạo ra một giá trị thị trường lên đến 174 triệu đô la. Nhiều người hấp tấp sẽ không đọc những đoạn “tuy nhiên” bên dưới như đoạn nói Netflix khẳng định họ không liên quan gì đến đồng tiền này.

Hartford quyết định mua 50 đô la các món đồ trong một trò chơi liên quan để thử xem có bán Squid Game thu tiền về nhưng không ăn thua. Lúc này 300 đô la đầu tư ban đầu của anh đã có giá lên đến 200.000 đô la khi mỗi đồng Squid Game nay lên 600 đô la. Mức giá cao nhất đồng tiền lừa đảo này đạt được là 2.861 đô la (tức giá trị đầu tư của Hartford tính ra gần đến 1 triệu đô la). Bất thình lình ngày 1-11, tất cả 3,36 triệu đô la tiền thật mà những người như Hartford bỏ vào đồng tiền Squid Game bị nhóm tổ chức rút hết, để lại cho họ một mớ token, mỗi đồng nay trở về giá 0 cent.

Nhìn từ bên trong, một chuyên gia tiền mã hóa cho biết bất kỳ ai cũng có thể đẻ ra rồi tung hô một đồng tiền mã hóa, tạo cho nó một tính thanh khoản nhịp nhàng. Các đồng tiền đặt tên theo các con chó như một trò đùa, từ Dogecoin đến Shiba Inu ai cũng nghĩ sẽ sớm lụi tàn nhưng vẫn đang được bơm thổi giá vẫn đang tăng.

Thế nhưng lộ liễu như đồng Squid Game mà vẫn lừa thiên hạ mất 3,36 triệu đô la là điều đáng ngạc nhiên. Matt Levine, một cây bút bình luận trên Bloomberg viết: “Toàn bộ câu chuyện thật ngu ngốc đến nỗi tôi không đành lòng viết về nó; nếu bạn mất tiền vì đồng Squid, bạn nên đến nhà tôi đưa tôi ví tiền của bạn vì bạn không nên được phép sử dụng tiền nữa”.

Trước đó, tờ Gizmodo liệt kê các dấu hiệu cho phép họ kết luận Squid Game là lừa đảo ngay khi giá của nó vừa chớm lên. Thứ nhất là sử dụng tên Squid Game ăn theo trái phép; thứ nhì là giả vờ chuyện Elon Musk, ông chủ hãng xe Tesla ủng hộ đồng Squid Game một cách trắng trợn; thứ ba, rõ nhất là chuyện ai mua đồng Squid Game đều được nhưng bán thì không thể. Tiền cứ vô mà không cho ra, giá chắc chắn cứ lên và cuối cùng những kẻ tổ chức sẽ ôm tiền bỏ trốn.

Tờ Gizmodo đồng thời cũng lên tiếng chê trách các tờ báo lớn như BBC, Business Insider đã đưa tin về sự lên giá của đồng Squid Game một cách vô trách nhiệm bất kể hồ sơ tung đồng tiền này ra được viết bởi lối văn đầy lỗi chính tả, ngữ pháp. Một nhà đầu tư ở Thượng Hải nghe nói về Squid Game bèn quét nhanh trên Google để tìm hiểu. Thấy những tít báo hấp dẫn kiểu “tăng 2.400% trong vòng 24 giờ” mà không chịu bấm vào đường dẫn để đọc cho hết bài báo, bên dưới có dẫn ra các dấu hiệu cảnh báo, ông này lấy hết 28.000 đô la tiền dành dụm đổ vào mua đồng Squid Game và sau đó mất trắng.

Có lẽ điểm tích cực duy nhất từ vụ đồng Squid Game này là tính cảnh báo của nó đối với các đồng tiền mã hóa tương tự, một bài học mà có lẽ còn được nhắc đến nhiều lần mỗi khi nói về các đồng tiền mã hóa.

Hai loại sàn DEX và CEX
Nhân vụ đồng Squid Game, thiết tưởng nên tìm hiểu qua các khái niệm mới xuất hiện trong lĩnh vực tiền mã hóa hay nói chung là lãnh vực tài chính phi tập trung, thường được gọi tắt là DeFi. Người ta mua bán các loại tiền mã hóa trên hai loại sàn giao dịch; DEX là sàn giao dịch phi tập trung và CEX là sàn giao dịch tập trung. Trong khi CEX do một công ty đứng ra tổ chức, có một lực lượng nhân sự điều hành thì DEX hoàn toàn tự động, được điều khiển bởi các thuật toán và hợp đồng thông minh.
Hợp đồng thông minh là loại hợp đồng tự động thực thi, giả dụ bên A muốn mua một dịch vụ gì đó từ bên B và hai bên ký hợp đồng thì tiền A trả cho dịch vụ này sẽ bị khóa lại. Sau khi B thực hiện dịch vụ tiền tự động giải ngân cho B, bằng không tiền sẽ được hoàn trả cho A.
Đồng Squid Game được tung ra và mua bán trên sàn PancakeSwap - một loại sàn DEX chạy trên nền tảng blockchain của Binance. Chính vì thế nên Binance, là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, tuyên bố sẽ điều tra để tìm các tay lừa đảo Squid Game.
Theo tờ Barron’s, nạn trộm cắp là vấn đề đang nổi lên trên các nền tảng Defi. Bảy tháng đầu năm 2021, hơn 680 triệu đô la tiền mã hóa bị đánh cắp trong đó 76% xảy ra trên các sàn DEX. Sàn DEX, vì tự động, không có người điều hành nên một khi xảy ra sự cố, sẽ không có ai chịu trách nhiệm. Như PancakeSwap thực ra chỉ là một tập hợp các thuật toán và các hợp đồng thông minh chứ không có người nào có tóc để nắm.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới