Thứ Sáu, 23/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Luật 13 – những lát cắt chạm cuộc sống

Phan Thị Ngọc Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 1-7-2023 (sau đây gọi vắn tắt là Luật 13) có những lát cắt chạm sâu vào cuộc sống và ngóc ngách của xã hội. Luật 13 được cho là đã đi sâu vào đời sống gia đình – tế bào của xã hội – như là một sự quay về bên trong, chăm lo nguồn gốc và trung tâm cuộc sống là con người, làm khỏe đất nước từ trong tế bào.

Hành động “ngăn chặn” đi kèm “điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình” đã được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật 13 như một lời khẳng định, rằng luật này sẽ dành nhiều “không gian” đối diện với vấn đề bạo lực gia đình từ giai đoạn trứng nước đến khi chấm dứt.

Những cái chạm từ cội nguồn, gốc rễ

Trong khái niệm bạo lực gia đình, tình dục được xem là một phần quan trọng ngang bằng với “thể chất”, “tinh thần”, “kinh tế”. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp bạo hành tình dục tồn tại trong cuộc sống. Đây là một hình thức bạo hành tế nhị, nhạy cảm và luôn là một tảng băng chìm trong xã hội. Nếu luật hiện hành chỉ dừng ở mức độ nêu hành vi và chỉ được xem là một phần trong khái niệm về bạo lực gia đình thì Luật 13 thẳng thắn gọi tên những hành vi bạo lực gia đình trong tình dục.

Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng. Cụm từ “trái ý muốn của vợ hoặc chồng” đã chỉ đích danh các hành vi bạo lực thay vì chỉ dừng lại ở “quan hệ tình dục”. Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực là những hành vi mới được bổ sung vào Luật 13. Những hành vi này thực sự cần thiết khi mà đời sống của con người đang dần bị bủa vây bởi vô vàn những thứ độc hại trên môi trường mạng, trong đó chủ đề tình dục là một trong những chủ đề tìm kiếm lớn nhất trên Internet.

Bạo hành tinh thần cũng được đặc biệt quan tâm. Những hành vi phổ biến xảy ra trong cuộc sống gia đình được gọi tên là những hành vi bạo lực gia đình, như chì chiết; kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới tính, năng lực của thành viên gia đình; ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý. Những hành vi này nếu không được gọi tên cụ thể sẽ không được nhận diện là hành vi bạo lực gia đình, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra trong xã hội như một số trường hợp đã từng gây chấn động trong thời gian gần đây.

Về hành vi cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý. Khi xã hội phát triển, vấn đề bạo lực đối với con người và con vật ngày càng nhạy cảm. Một số người chỉ cần chứng kiến những hành vi bạo lực đã gây cho họ những ảnh hưởng tâm lý nhất định. Trong xã hội văn minh, việc bạo lực với con vật cũng là một hành vi bị nghiêm cấm.

Thông tin cá nhân được tôn trọng và bảo mật. Hành vi tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm được xem là hành vi bạo lực gia đình. Việc thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm yêu cầu bảo vệ uy tín của người bị bạo lực gia đình, những người có liên quan và bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Đối tượng yếu thế được đặc biệt quan tâm. Hành vi bỏ mặc, không quan tâm, không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc là hành vi bạo lực gia đình.

Những đối tượng này và người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn cũng là đối tượng được tập trung tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Họ được bảo vệ, quan tâm từ quá trình thông tin, truyền thông, giáo dục, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình đến hoạt động giải quyết vụ việc. Phụ nữ, trẻ em còn được bảo vệ khỏi hành vi cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi.

Bạo lực gia đình còn được quan tâm đến từng ngách nhỏ, như cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác; cô lập, giam cầm thành viên gia đình…

Phạm vi của hành vi bạo lực gia đình không chỉ gói gọn trong thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng. Nó còn áp dụng đối với người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau. Phạm vi này bao phủ rộng hơn các quan hệ trong gia đình mà thời gian qua đã có những hành vi bạo lực gia đình gây rúng động xã hội.

Những hành xử thiết thực và nhân văn

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tiếp nhận, sàng lọc, phân loại, chăm sóc, điều trị người bệnh là người bị bạo lực gia đình. Nhân viên y tế phát hiện người bệnh có dấu hiệu bị bạo lực gia đình có trách nhiệm báo cáo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Người bị bạo lực gia đình được chăm sóc, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu. Trẻ em mà người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cũng được đảm bảo điều này. Người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu theo quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội chứ không tùy nghi ứng biến “trong trường hợp cần thiết” như luật hiện hành.

Người có hành vi bạo lực gia đình được đối xử nhân văn hơn bằng giáo dục chuyển hóa chứ không mang tính trừng phạt. Họ được giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình với các nội dung: (i) chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình; (ii) nhận diện các hành vi bạo lực gia đình và trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình; (iii) kỹ năng ứng xử, phòng ngừa, xử lý mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình; (iv) kiến thức và kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực gia đình; giải tỏa áp lực, căng thẳng…

Người có hành vi bạo lực gia đình thực chất cũng là đối tượng đáng thương, cần được hỗ trợ, chữa trị tâm lý, tinh thần. Hành vi bạo lực phản ánh nội tâm bên trong của họ. Đôi khi họ không biết hành vi của mình là bạo lực gia đình vì họ sống trong môi trường như thế. Họ cũng có thể là người bị tổn thương trong quá khứ và cũng đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, Luật 13 đi sâu vào đời sống gia đình – tế bào của xã hội – như là một sự quay về bên trong, chăm lo nguồn gốc và trung tâm cuộc sống là con người, làm khỏe đất nước từ trong tế bào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới