Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Luật chơi thì phải công bằng

Tấn Đức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất đưa vào Nghị định 43 năm 2014, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013, một số quy định mới nhằm chế tài đối với người trúng đấu giá đất nhưng bỏ cọc mà không có lý do chính đáng.

Theo đề xuất này, ngoài số tiền đặt cọc trước đương nhiên bị mất, còn phải bồi thường thêm khoản tiền rất lớn, tương đương 50% giá trị quyền sử dụng lô đất, và một số chi phí khác, đồng thời còn bị cấm tham gia các cuộc đấu giá đất của Nhà nước trong năm năm.

Nhà nước là chủ thể đứng ra đấu giá bán hoặc chuyển nhượng tài sản của mình, mà trong trường hợp này là quyền sử dụng đất, nên phía Nhà nước cũng có quyền thiết kế ra luật chơi. Đây là điều bình thường và chắc cũng chẳng có gì phải bàn luận. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là nếu bên “bỏ cọc”, hay nói chính xác hơn là phá vỡ thỏa thuận, không phải là các doanh nghiệp hay người trúng đấu giá mà là phía Nhà nước thì sao? Liệu Nhà nước có phải trả lại cho người trúng đấu giá gấp đôi số tiền họ đã đặt cọc và thêm một khoản bồi thường tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất nữa hay không?

Khi đấu giá bán quyền sử dụng đất, hay nói rộng hơn là đấu giá bán tài sản hoặc đấu thầu mua sắm tài sản và dịch vụ, Nhà nước đóng vai trò như một đối tác kinh doanh của doanh nghiệp nên cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật giống như doanh nghiệp, bao gồm cả các quy định chế tài. Vì luật chơi thì phải công bằng.

Nhưng trên thực tế không phải lúc nào doanh nghiệp hay người trúng đấu giá tài sản của Nhà nước cũng được đối xử công bằng như vậy. Không hiếm doanh nghiệp hay người trúng trong các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất sau đó đã vướng phải rắc rối, nhẹ thì mãi không được bàn giao tài sản hoặc bị hủy kết quả đấu giá, nặng thì tiền của bị mắc kẹt vô thời hạn rồi phải vướng vào các vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Những sự cố này thường xảy ra ở những trường hợp mà sau đó cơ quan chức năng nghi vấn phía đại diện cho Nhà nước tổ chức đấu giá có sai phạm; hoặc là nghi vấn phía đại diện cho Nhà nước định giá tài sản quá thấp.

Ở đây không bàn đến những sai phạm do nhóm lợi ích hay thông đồng để rút ruột tài sản nhà nước. Vì đó là vi phạm pháp luật, mà đã phạm luật thì phải trả giá. Nhưng nếu các cơ quan thực thi pháp luật không chứng minh được doanh nghiệp hay người trúng đấu giá thông đồng với bên tổ chức đấu giá thì không thể bắt họ phải trả giá cho những sai phạm không thuộc về họ. Thậm chí, ngay cả khi đã chứng minh được những cơ quan hay người đại diện cho Nhà nước có sai phạm mà sai phạm đó lại không liên quan gì tới doanh nghiệp, chẳng hạn như làm sai quy trình hay định giá không đúng, thì cũng không nên bắt doanh nghiệp phải gánh hậu quả.

Cũng giống như trong giao dịch dân sự, một người do không nắm thông tin mà ký thỏa thuận bán rẻ nhà hay đất của mình cho người khác, sau đó muốn “bẻ kèo” thì phải bồi thường; còn nếu đã nhận đủ thanh toán và làm hợp đồng sang tên đổi chủ rồi thì cũng chỉ còn biết tiếc nuối mà thôi. Hay chuyện cha mẹ bị con cái lừa ký bán tài sản hoặc đem giấy tờ nhà đất đi cầm cố, thế chấp để vay tiền, một khi phát hiện ra thì cũng chỉ “ngậm đắng nuốt cay”, cùng lắm là trừng phạt con cái cho hả giận. Nhà nước cũng vậy, nếu các cơ quan hay người đại diện của mình sai phạm thì cũng chỉ có thể trừng phạt người của mình thôi.

Hiện nay Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Bên cạnh các hiệp định thương mại tự do, hiệp định đầu tư, Việt Nam còn có không ít các cam kết ràng buộc về pháp lý trong các hiệp định song phương và đa phương khác. Vì vậy, mọi hành xử của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp với tư cách là người mua hàng hay bán hàng đều phải cẩn trọng, để tránh nguy cơ bị kiện ra tòa hay cơ quan trọng tài.

Trở lại với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dẫu rằng Nhà nước có quyền đặt ra luật chơi khi tổ chức bán tài sản của mình, nhưng Nhà nước cũng cần thu hút được nhiều “khách hàng” tham gia đấu giá để có thể bán được giá tốt. Nếu quy định khắt khe quá, khiến nhiều doanh nghiệp sợ mà không dám tham gia đấu giá, có khi lại phản tác dụng.

2 BÌNH LUẬN

  1. Đấu giá đất để thu hút đầu tư, chứ không phải là ngược lại. Nhưng thu hút đầu tư cũng không thể bằng mọi giá. Các địa phương đã từng “trương cờ giăng biểu ngữ”, say sưa chào đón các “đại bàng”, từng xem đó như là thành tích rất hoành tráng. Nhưng khổ thay, hiện nay lại đang tỏ ra vô cùng lo lắng, điển hình sau sự cố FLC, Tân Hoàng Minh… Luật chơi thì phải công bằng. Điều này đúng. Nhưng quan trọng hơn, người tham gia cuộc chơi phải luôn ghi nhớ, cần khách quan, tỉnh táo, hiểu rõ nhân quả của cuộc đời.

  2. Tiền đấu giá sử dụng đất thu được một lần. Trong khi hiệu quả đầu tư lâu dài mới là điều kiện cần được cân nhắc kỹ thì chính sách sử dụng đất đai mới đạt yêu cầu đề ra. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, lý lẽ này vẫn chưa thông trong thực tiễn. Điều này cũng có nghĩa là mọi kế hoạch sử dụng đất đều phải hướng đến lợi ích chung toàn xã hội, chứ không dành đặc ân riêng cho một cá nhân, tổ chức nào. Nếu đất dùng phục vụ công ích thì miễn bàn. Nếu kinh doanh thì phải tính đầy đủ 3 lợi ích 1. chủ đất (người dân), 2 chủ đầu tư, 3. chủ trì (nhà nước). Nếu dùng riêng thì cứ đóng phí/ thuế phần vượt hạn mức theo quy định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới