Luật Doanh nghiệp 2020 - những thay đổi đáng lưu ý
Ls. Đinh Quang Long - Cao Duy Khôi(*)
(TBKTSG) - Luật Doanh nghiệp mới (LDN 2020), chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, đã có những thay đổi quan trọng tạo thuận lợi hơn so với phiên bản trước đây. Ví dụ như cắt giảm một số thủ tục hành chính, bổ sung thêm trường hợp chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty cổ phần… Bài viết này lưu ý một số thay đổi của luật có liên quan nhiều đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
1. Thêm thời gian thực hiện thủ tục chuyển đổi sở hữu tài sản góp vốn
LDN 2020 vẫn giữ nguyên thời gian góp vốn là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, luật còn bổ sung thêm quy định loại trừ đi thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản ra khỏi thời hạn góp vốn[1].
Điều chỉnh này khá thiết thực trong việc góp vốn của doanh nghiệp. Đối với những tài sản góp vốn đang ở nước ngoài, cần có một khoảng thời gian nhất định cho việc vận chuyển, thực hiện thủ tục thông quan hoặc những tài sản cần phải đăng ký thay đổi chủ sở hữu như bất động sản, phương tiện giao thông, quyền sở hữu trí tuệ..., đặc biệt là những bất động sản có giá trị lớn thì cần có thời gian thực hiện các thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu.
Mặc dù LDN 2020 không quy định rõ về thời điểm thành viên/cổ đông sáng lập buộc phải bắt đầu việc vận chuyển, nhập khẩu hay thực hiện thủ tục hành chính để góp vốn vào doanh nghiệp, nhưng theo cách hiểu thông thường, thành viên/cổ đông sáng lập phải bắt đầu thực hiện các thủ tục cần thiết để chuyển quyền sở hữu các tài sản góp vốn sang doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Bãi bỏ quy định báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp 2014 (LDN 2014) yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo chơ cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi thông tin thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc[2]. Thực tế cho thấy quy định này đã gây khó khăn ít nhiều cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với công ty cổ phần khi mà việc thay đổi các thông tin liên quan đến thành viên HĐQT cũng phải thông báo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phát sinh thêm các thủ tục hành chính vốn không cần thiết.
LDN 2020 đã bãi bỏ quy định này, góp phần cắt giảm thủ tục hành chính. Một vấn đề được quan tâm là các thông tin về người quản lý doanh nghiệp đã được lưu trữ và công bố trên cổng thông tin quốc gia sẽ được giải quyết như thế nào, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục điều chỉnh thông tin hay mặc nhiên cơ quan đăng ký kinh doanh tự động điều chỉnh bỏ thông tin người quản lý doanh nghiệp này?
3. Bổ sung thêm việc phân chia quyền, nghĩa vụ những người đại diện theo pháp luật trong trường hợp chưa quy định rõ trong điều lệ công ty
Cả LDN 2014 và LDN 2020 đều cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Quyền, nghĩa vụ và chức danh của người đại diện theo pháp luật được quy định cụ thể trong điều lệ công ty.
Tuy nhiên, LDN 2020 bổ sung trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan[3].
Thông qua quy định trên, trong trường hợp điều lệ công ty không quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật thì mỗi người đại diện theo pháp luật có thể được xem như là “thành viên hợp danh” và chịu trách nhiệm liên đới với công ty nếu gây ra thiệt hại.
Điều này góp phần tạo ra trách nhiệm “giám sát lẫn nhau” vì nếu có làm sai sót thì tất cả đều phải chịu trách nhiệm và cùng liên đới khắc phục hậu quả. Đồng thời các người đại diện theo pháp luật phải thật sự cẩn trọng và luôn chú ý tới các quyết định của những người đại diện theo pháp luật khác vì họ có thể bị ảnh hưởng do quyết định sai lầm của người khác.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn được phép phát hành trái phiếu
LDN 2014 không có quy định về việc phát hành trái phiếu của công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 81/2020/NĐ-CP thừa nhận rằng công ty trách nhiệm hữu hạn vẫn có quyền phát hành trái phiếu nếu như đáp ứng đầy đủ điều kiện nhất định[4].
LDN 2020 đã chính thức quy định về quyền được phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và các pháp luật khác có liên quan[5]. Theo đó, công ty trách nhiệm hữu hạn được phép phát hành trái phiếu riêng lẻ khi đáp ứng các điều kiện như báo cáo tài chính đã được kiểm toán, đã thanh toán đầy đủ các khoản nợ gốc, bảo đảm về tỷ lệ an toàn tài chính và lãi của trái phiếu đã chào bán trước đó (nếu có)...
5. Quy định mới về quyền tiếp cận thông tin của cổ đông nhỏ
LDN 2020 đã bổ sung quyền của nhóm cổ đông hoặc cổ đông nắm giữ từ 5% cổ phần trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do điều lệ công ty quy định. Nhóm cổ đông hoặc cổ đông nhỏ này có quyền xem xét, tra cứu, trích lục biên bản và nghị quyết, quyết định của HĐQT, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua HĐQT và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty[6].
Khái niệm “bí mật kinh doanh” đã được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành[7], nhưng bí mật thương mại thì vẫn chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa rõ ràng. Các cổ đông lớn hoặc HĐQT vì lý do nào đó có thể lạm dụng quy định này để quy một tài liệu bất kỳ là bí mật thương mại trong trường hợp không muốn nhóm cổ đông hoặc cổ đông chiếm tỷ lệ 5% trở lên này tiếp cận.
Việc quy định “tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh” được cho là phạm vi điều chỉnh quá rộng. Vô tình, quy định loại trừ quyền tiếp cận thông tin liên quan đến bí mật thương mại đã thu hẹp quyền tiếp thông tin của nhóm cổ đông hoặc cổ đông nhỏ. Sẽ ra sao nếu HĐQT bị kiểm soát bởi nhóm cổ đông lớn và nhóm cổ đông lớn này không muốn các nhóm cổ đông hoặc cổ đông nhỏ tiếp cận thông tin thì có thể quy định toàn bộ hợp đồng được HĐQT thông qua đều được gắn mác “bí mật thương mại”.
Dù vậy, cũng cần phải thừa nhận rằng việc bổ sung một số quyền cho nhóm cổ đông hoặc cổ đông chiếm tỷ lệ 5% trở lên cũng được xem là điểm mới tích cực của LDN 2020 để bảo vệ lợi ích cho nhóm cổ đông hoặc cổ đông nhỏ.
6. Vấn đề miễn nhiệm thành viên HĐQT của công ty cổ phần
LDN 2020 đưa việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế và bổ sung thành viên HĐQT thành một điều khoản riêng[8]. Theo đó, đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm thành viên HĐQT khi thành viên đó không đủ tiêu chuẩn, hay có đơn từ chức và được chấp thuận, hoặc các trường hợp khác do điều lệ công ty quy định.
Vấn đề cần làm rõ ở đây là miễn nhiệm trong trường hợp “có đơn từ chức và được chấp thuận”. Trường hợp điều lệ công ty không có quy định nào điều chỉnh nội dung này, nếu như một thành viên HĐQT vì lý do nào đó mà muốn từ chức nhưng Đại hội đồng cổ đông không chấp thuận, như vậy thành viên đó có được từ chức không? Theo quy định của pháp luật là “không”, do chưa đáp ứng đủ điều kiện chấp thuận của đại hội đồng cổ đông.
Hiện tại, vẫn chưa xác thực được được tính hiệu quả trên thực tế áp dụng của một số điểm mới được đề cập ở trên. LDN 2020 còn chờ được hướng dẫn thi hành bởi các nghị định của Chính phủ, các thông tư của bộ ngành liên quan để doanh nghiệp có thể hiểu rõ quy định mới này và áp dụng cho hoạt động kinh doanh của mình.
(*) Công ty Luật Apolat Legal
[1] Điều 47, điều 75, điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020
[2] Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2014
[3] Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020
[4] Khoản 3 điều 1 Nghị định 81/2020/NĐ-CP
[5] Khoản 4 điều 46 và khoản 4 điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020
[6] Điểm a khoản 2 điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020
[7] Khoản 23 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005
[8] Điều 160 Luật Doanh nghiệp 2020