Luật lại đợi nghị định!
Nguyên Tấn
![]() |
minh họa: Khều. |
(TBKTSG) - Năm 2010, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có hiệu lực vào đầu và giữa 2011. Tuy nhiên, cho đến nay các đạo luật này đều chưa thể khởi động vì còn phải chờ ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn việc thực thi.
Ưu tiên hàng đầu?
Văn bản mới nhất được Quốc hội khóa XII ban hành là Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (LSDNLHQ). Với đạo luật này, vấn đề tiết kiệm năng lượng trước đây được điều chỉnh bởi Nghị định 102/2003/NĐ-CP của Chính phủ thì nay đã được nâng lên ở một khung pháp lý cao hơn. Phần chính sách tại điều 5, LSDNLHQ, có nói: “Áp dụng thực hiện biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của vấn đề tiết kiệm năng lượng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện và nguy cơ cạn kiệt các nguồn tài nguyên năng lượng không tái tạo.
Với mục tiêu thúc đẩy việc sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, so với quy định cũ, LSDNLHQ đã mở rộng thêm nhiều đối tượng áp dụng từ khâu quản lý, khai thác tài nguyên đến người sử dụng năng lượng cuối cùng. Trong đó, riêng đối tượng doanh nghiệp được luật phân chia thành nhiều loại khác nhau. Ứng với mỗi loại là các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mà doanh nghiệp phải tuân theo, ví dụ cơ sở sản xuất công nghiệp; cơ sở khai thác mỏ; cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng; tổ chức kinh doanh vận tải, xây dựng...
Đặc biệt, đối với những cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (sử dụng năng lượng với khối lượng lớn), luật quy định một số điều kiện khá khắt khe như phải có người quản lý năng lượng; thực hiện kiểm toán bắt buộc ba năm một lần... Hoặc phải dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị có trong danh mục quy định phải dán nhãn; loại bỏ theo lộ trình đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có mức hiệu suất năng lượng dưới mức tối thiểu...
LSDNLHQ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Để thực thi, tại điều 48 của luật này, Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành quy định chi tiết hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, cho biết hàng loạt vấn đề hết sức mới mẻ nói trên vẫn chưa thể triển khai do nghị định của Chính phủ cũng như nhiều văn bản thông tư hướng dẫn khác của các bộ chưa được ban hành.
Ông Tước cũng bày tỏ mối quan ngại về một vấn đề không kém quan trọng là chưa có nhân lực chuyên trách trong bộ máy quản lý nhà nước để thực thi LSDNLHQ. “Ở Thái Lan, người ta lập hẳn một vụ quản lý chuyên trách về sử dụng tiết kiệm năng lượng. Còn ở ta, hiện đang giao cho Vụ Khoa học Công nghệ thuộc Bộ Công Thương kiêm nhiệm với nhân lực rất mỏng. Ở các địa phương thì lại càng chưa có gì”, ông Tước cho biết.
Với cách thực hiện như trên, chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được tuyên bố là “ưu tiên hàng đầu” liệu có ứng nghiệm trong thực tế?
Luật Trọng tài thương mại cũng “kêu”
Luật Trọng tài thương mại được Quốc hội thông qua vào ngày 17-6-2010, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Để chuẩn bị cho việc thực thi, cuối năm 2010, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có công văn đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan (Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao...) kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn. Theo VCCI, có 9 vấn đề mới của Luật Trọng tài thương mại cần được giải thích, làm rõ như phạm vi thẩm quyền của trọng tài; phân định thẩm quyền xét xử giữa tòa án và trọng tài; xác định thỏa thuận trọng tài; xác định thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài... VCCI cho rằng “Luật Trọng tài thương mại có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Tuy nhiên, đến nay kiến nghị của cơ quan này vẫn chưa được đáp ứng. Một số luật có hiệu lực vào 1-7 tới gồm có Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo Hiểm; Luật Bảo vệ người tiêu dùng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Khoáng sản; Luật Tố tụng hành chính... Những luật này cũng đang chờ văn bản hướng dẫn để có thể thực thi. |
Tự do thỏa thuận hay bị hạn chế?
Cùng với LSDNLHQ, hai luật khác là Luật các tổ chức tín dụng (Luật TCTD 2010) và Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam (Luật NHNN 2010) được Quốc hội khóa XII ban hành cũng có hiệu lực từ 1-1 năm nay. Thế nhưng, cả hai đạo luật này cũng đang chờ văn bản hướng dẫn thực thi.
Theo luật sư Trần Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật Vilaf-Hồng Đức, một trong những vướng mắc trong hoạt động ngân hàng hiện nay là vấn đề ngoại hối. Pháp lệnh Ngoại hối được ban hành từ năm 2005 và sau đó một năm Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết. Để có thể thực thi, NHNN phải có thông tư hướng dẫn cụ thể hơn nhưng đến nay văn bản này vẫn chưa được ban hành mặc dù dự thảo đã được xây dựng từ nhiều năm nay.
Luật NHNN 2010 cũng đặt ra một số quy định về quản lý ngoại hối, trong đó giao cho NHNN nhiệm vụ “quản lý ngoại hối và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật”. Nhưng quy định của pháp luật mà cụ thể là Pháp lệnh Ngoại hối vẫn chưa có thông tư hướng dẫn rõ ràng thì làm sao NHNN có thể thực thi nhiệm vụ và tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp?
Luật TCTD 2010 cũng có khá nhiều quy định mới mẻ (xem thêm bài “Mới và cũ”, TBKTSG ra ngày 24-2-2011). Một trong những vấn đề đang gây băn khoăn là lãi, phí trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng. Theo luật sư Trần Anh Đức, điều 91 Luật TCTD 2010 đề cập vấn đề này vẫn còn mơ hồ khi quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”. Theo quy định của pháp luật là quy định nào?
Nếu theo Bộ luật Dân sự thì việc cho vay đó phải bị hạn chế ở mức không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Trong khi đó, vào hồi tháng 4 năm ngoái NHNN đã ban hành Thông tư 12/2010/TT-NHNN cho phép “các tổ chức tín dụng được thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận đối với khách hàng” . Như vậy, theo pháp luật ở đây là bị hạn chế theo Bộ luật Dân sự hay được tự do thỏa thuận theo hướng dẫn của NHNN?
Xin lưu ý, về mặt pháp lý Thông tư 12/2010/TT-NHNN có thể đã không còn hiệu lực vì được ban hành trước khi Luật TCTD 2010 có hiệu lực. Do đó, theo luật sư Đức, NHNN nên có văn bản hướng dẫn lại điều khoản đang gây tranh cãi nói trên của Luật TCTD 2010.
Liên quan đến lãi suất, phí, điều 91 Luật TCTD còn quy định: “Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”. Thế nào là “diễn biến bất thường”, điều này cũng cần được giải thích rõ ràng, nếu không sẽ dẫn đến việc tùy tiện áp dụng, gây thiệt hại cho các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, còn hàng loạt vấn đề mới mẻ nhưng đến nay chưa có bất kỳ văn bản nào hướng dẫn như thời hạn, trình tự chuyển tiếp đối với các tổ chức tín dụng không đảm bảo những điều kiện luật định; quy định về hoạt động của tổ chức tài chính vi mô; quy định về cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng...