(KTSG) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình tích cực chủ trì, phối hợp soạn thảo và sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2024 để trình Quốc hội chấp thuận cho áp dụng từ ngày 1-7-2024, thay vì phải chờ đến 1-1-2025. Sự chủ động của Chính phủ là rất tích cực, vì người dân và doanh nghiệp cũng rất mong hai luật này sớm có hiệu lực thi hành.
- Chính phủ đề xuất Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1-7
- Sắp ban hành 16 văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai 2024
Nhưng điều mà người dân và doanh nghiệp còn mong mỏi hơn đó là các quy định của hai luật mới này được áp dụng vào thực tế một cách thông suốt và minh bạch. Bởi dù luật có cởi mở và thông thoáng đến đâu đi nữa, nhưng nếu bộ máy hành pháp ở địa phương cứ trì trệ và vô cảm như những năm qua thì cũng không phát huy được tác dụng.
Trong mấy năm qua, những ách tắc liên quan đến pháp lý về đất đai và nhà ở mà người dân cũng như doanh nghiệp phải chịu đựng hầu hết không phải do vướng luật, mà do bởi thái độ vô cảm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và không làm vì sợ sai... của các cán bộ thừa hành ở địa phương.
Thực trạng trên được phản ánh khá rõ nét trong kết quả khảo sát doanh nghiệp của Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2023 (PCI 2023) được công bố mới đây. Báo cáo này cho biết, đất đai là lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá là gây nhiều phiền hà tăng mạnh so với các năm trước, trong khi hầu hết các lĩnh vực hành chính khác được cải thiện hơn. Cụ thể hơn, những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai được doanh nghiệp nêu ra gồm: thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính dài hơn so với quy định; cán bộ tiếp nhận hồ sơ không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; quy trình, thủ tục giải quyết không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định.
Hậu quả của tình trạng trên thật đáng lo ngại. Cũng theo Báo cáo PCI 2023, gần 73% doanh nghiệp cho biết họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai, cao hơn rất nhiều so với mức 42,9% của năm 2022 và 53,9% năm 2021.
Lâu nay chúng ta thường đọc thấy trên báo chí những con số thiệt hại hàng chục, thậm chí là hàng ngàn tỉ đồng do nạn tham nhũng và các nhóm lợi ích gây ra; chưa có ai thử tính xem thiệt hại do sự vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm, không làm vì sợ sai... của các cán bộ công chức gây ra nhiều đến mức nào. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào con số gần 73% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai, cũng có thể ước đoán mức thiệt hại đối với nền kinh tế là khổng lồ. Đó là còn chưa kể các thiệt hại về xã hội liên quan đến tiền lương cho công nhân và công ăn việc làm mới.
Ngoài ra, việc Báo cáo PCI 2023 chỉ ra có đến 51,5% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “các sở ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố” còn cho thấy vấn đề kỷ cương công vụ là nghiêm trọng. Đây sẽ là thách thức rất lớn trong việc triển khai áp dụng Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở 2024 sắp tới.
Thời điểm áp dụng luật, rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là áp dụng như thế nào? Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp điều khoản của luật khi ban hành, nhìn chung là rất thông thoáng, nhưng khi diễn giải để áp dụng thông qua các nghị định, thông tư… thì lại tắc/ nghẽn, vì cài cắm quá nhiều rào cản kỹ thuật hoặc phi kỹ thuật khác. Vậy nên quy trình lập pháp của Quốc hội không nên dừng lại ở chỗ thảo luận, biểu quyết và ban hành, mà cần phải giám sát kỹ cả khâu triển khai cụ thể, ở giai đoạn cuối cùng.