Luật mới của Trung Quốc phạt nặng hành vi thu thập trái phép thông tin cá nhân
Khánh Lan
(KTSG Online) –Trung Quốc vừa thông qua Luật bảo vệ thông tin cá nhân (PIPL), yêu cầu các công ty phải nhận được sự đồng ý của người dùng mới được phép thu thập, sử dụng và chia sẻ thông tin của họ. Công ty nào vi phạm quy định này có thể đối mặt mức phạt tiền lên đến 50 triệu nhân dân tệ (7,7 triệu đô la Mỹ) hoặc 5% tổng doanh thu hàng năm của họ.
Cấm từ chối cung cấp dịch vụ nếu người dùng không cho phép thu thập dữ liệu
Hôm 20-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua PIPL, trong đó, đặt ra quy định cấm hành vi thu thập, sử dụng, xử lý, tiết lộ và giao dịch trái phép thông tin cá nhân của mọi người. Trước đó, Trung Quốc không có luật nào quản lý việc thu thập và sử dụng dữ liệu như vậy.
Luật bảo vệ thông tin cá nhân (PIPL) của Trung Quốc yêu cầu các công ty phải nhận được sự đồng ý của người dùng mới được phép thu thập, sử dụng và chia sẻ thông tin của họ. Ảnh: News WWC |
Luật mới, có hiệu lực vào ngày 1-11 tới, chủ yếu nhắm đến các công ty công nghệ, vốn thường thu thập và phân tích dữ liệu của người dùng để tối ưu hóa chiến lược kinh doanh của họ. Người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc nói rằng luật mới nhằm bảo vệ những ai cảm thấy dữ liệu cá nhân của họ bị lạm dụng để lập hồ sơ người dùng hoặc phục vụ cho thuật toán đề xuất nội dung, mua hàng...
Nội dung đầy đủ của PIPL chưa được công bố nhưng hãng tin Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, theo luật mới, các công ty không được phép sử dụng dữ liệu cá nhân để phục vụ mục đích tiếp thị, đồng thời phải cung cấp các sự lựa chọn dễ dàng, cho phép người dùng không đồng ý tiếp nhận quảng cáo đích (targeted marketing).
Thông tin cá nhân nhạy cảm như sinh trắc học, y tế và tài khoản ngân hàng chỉ được phép xử lý nếu được cá nhân đó đồng ý. Nếu một công ty xử lý trái phép các thông tin nhạy cảm này, dịch vụ của họ có thể bị tạm đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động hẳn. Công ty nào không khắc phục hành vi sai phạm liên quan đến thông tin nhạy cảm sẽ bị phạt lên tới 1 triệu nhân dân tệ (153.000 đô la Mỹ).
Một trong những quy định nữa của PIPL là các công ty không được từ chối cung cấp dịch vụ cho những người dùng không cho phép thu thập dữ liệu, trừ phi dữ liệu đó là cần thiết đối với việc cung cấp dịch vụ.
Luật mới cấm các công ty thiết lập các mức giá khác nhau cho cùng một dịch vụ dựa trên lịch sử mua sắm của khách hàng. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Trung Quốc cho biết hàng chục ngàn người tiêu dùng đã khiếu nại về việc họ phải trả giá cước cao hơn nếu dùng iPhone để gọi xe taxi, thay vì các smartphone rẻ tiền.
Thiết lập nền tảng cho nền kinh tế số
PIPL yêu cầu các công ty xử lý thông tin cá nhân phải bổ nhiệm một cá nhân chịu trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân và phải tiến hành kiểm tra theo định kỳ để bảo đảm tuân thủ các quy định của PIPL
Bên cạnh PIPL, Trung Quốc cũng đã thông qua Luật an ninh mạng và Luật An ninh dữ liệu, cho phép nước này siết chặt quản lý dữ liệu.
PIPL cũng quy định rằng dữ liệu cá nhân của công dân Trung Quốc không được phép chuyển sang những nước có tiêu chuẩn an ninh dữ liệu thấp hơn Trung Quốc. Trung Quốc đang vận hành một mạng lưới camera giám sát công cộng rộng lớn với sự hỗ trợ của công nghệ nhận diện khuôn mặt để kiểm soát tội phạm và xác minh nhân thân của mọi người ở tàu điện ngầm, trường học và các cao ốc văn phòng. |
“Sự ra đời của PIPL giúp hoàn tất ba trụ cột trong cơ chế quản lý dữ liệu nền tảng và sẽ mở ra một kỷ nguyên mới vệ việc tuân thủ bảo vệ dữ liệu của các công ty công nghệ”, Kendra Schaefer, đối tác của Công ty tư vấn Trivium Chinam, nhận định.
Bà cho biết PIPL là một trong những luật bảo vệ dữ liệu cá nhân nghiêm ngặt nhất thế giới và Trung Quốc ban hành luật này để thiết lập các nền tảng cho nền kinh tế số trong 40-50 nắm tới.
Bắc Kinh đang ngày càng lo ngại về lượng dữ liệu khổng lồ mà các công ty đang thu thập, đặc biệt là trong lĩnh vực internet, và những hệ lụy liên quan.
Hồi tháng 7, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã mở cuộc điều tra an ninh mạng nhằm vào hãng gọi xe Didi Chuxing, chỉ vài ngày sau khi công ty này tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ. Sau đó, công ty này bị cấm tiếp nhận người dùng mới và ứng dụng của nó cũng bị gỡ khỏi tất cả các kho ứng dụng ở Trung Quốc. Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc cáo buộc Didi Chuxing thu thập trái phép dữ liệu người dùng.
Giới đầu tư lo ngại PIPL sẽ tác động bất lợi cho hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ Trung Quốc. Đó là nguyên nhân khiến các cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc bị bán tháo khi thị trường đón nhận thông tin về luật mới. Chốt phiên giao dịch hôm 20-8, cổ phiếu của 2 công ty thương mại điện tử JD.com, Alibaba và hãng smartphone Xiaomi ở Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông giảm hơn 2%.
Theo CNN, CNBC